1. Tâm lý học hành vi
Trường phái tâm lý học hành vi do nhà tâm lý học Mỹ J. Oatson (1878 – 1958) sáng lập. Khi sử dụng thành quả của một số ngành khoa học tự nhiên vào việc đo lường các hiện tượng tâm lý trong phòng thí nghiệm, J.Oatson khẳng định quá trình nghiên cứu của ông mang tính khách quan và nhìn nhận đối tượng nghiên cứu của tâm lý học là hành vi.
Ông cho rằng tâm lý học không mô tả, giảng giải các trạng thái ý thức mà chỉ nghiên cứu hành vi của cơ thể. Ở con người cũng như ở động vật, hành vi được hiểu là tổng số các cử động bên ngoài nảy sinh ở cơ thể nhằm đáp lại một kích thích nào đó. Kích thích nào thì phản xạ đó. Trí tuệ cũng là hành vi hướng vào việc giải quyết vấn đề bằng cách chọn lọc các vận động dẫn tới thành công một cách ngẫu nhiên. Ngôn ngữ, lời nói cũng hình thành theo những nguyên tắc củng cố hành vi trong mê cung, dựa vào quá trình phản xạ có điều kiện. Tư duy và các hiện tượng tâm lý khác của con người cũng được giải thích tương tự như vậy. Toàn bộ hành vi, phản ứng của con người và động vật phản ánh bằng công thức S – R (kích thích – phản ứng).
Với công thức đó, J. Oatson đã nêu lên một quan điểm tiến bộ trong tâm lý học: coi hành vi là do ngoại cảnh tác động, hành vi có thể quan sát được, nghiên cứu được một cách khách quan, từ đó có thể điều khiển hành vi theo phương pháp “thử – sai”. Tuy nhiên, chủ nghĩa hành vi đã quan niệm một cách máy móc, cơ học về hành vi, đánh đồng hành vi của con người và của con vật, coi hành vi chỉ là những phản ứng máy móc nhằm đáp lại kích thích, giúp cơ thể thích nghi với môi trường xung quanh. Chủ nghĩa hành vi đồng nhất giữa phản ứng và nội dung tâm lý bên trong làm mất tính chủ thể, tính xã hội của tâm lý con người; coi tâm lý con người chỉ là những hành vi, phản ứng trong giới một cách máy móc, cơ học.
Thuyết hành vi còn một số các đại diện khác sau này như K.Lechli, Tôlmam, Skino…
Skinơ cho hành vi là kết quả của các kích thích và tập luyện theo quy luật củng cố. Hành vi nào được khen thưởng sẽ được củng cố thành thói quen, hành vi nào bị phạt hoặc không được để ý tới sẽ tắt dần hoặc triệt tiêu.
Theo thuyết hành vi mới, mọi hiện tượng tâm lý như tư duy, tưởng tượng, ngôn ngữ… được hiểu như tập hợp các phản xạ vận động đáp ứng lại những kích thích của môi trường. Các đại biểu của chủ nghĩa hành vi mới có đưa vào công thức R – S những “biến số trung gian” bao hàm một số yếu tố như: nhu cầu, tâm trạng, kinh nghiệm sống… của con người. Nhưng về cơ bản, chủ nghĩa hành vi mới vẫn mang tính máy móc, thực dụng của chủ nghĩa hành vi cổ điển Oatson.
Tuy nhiên, sự phân tích hành vi trong mối liên hệ chặt chẽ với môi trường khách quan là một cách nhìn nhận tiến bộ lúc đó trong lịch sử tâm lý học và nó đóng góp rất nhiều trong việc phát triển một số lĩnh vực tâm lý có tính chất ứng dụng.
2. Tâm lý học Genstalt (Tâm lý học cấu trúc)
Trường phái này được thành lập ở Đức bởi các nhà tâm lý học: Vecthaimơ (1880 – 1943), Côlơ (1887 – 1967), Côpca (1886 – 1947). Họ đi sâu nghiên cứu các quy luật về tính ổn định và tính trọn vẹn của tri giác, quy luật “bừng sáng của tư duy”. Theo trường phái này, hình ảnh là một đối tượng nghiên cứu như hiện tượng tự thân chứ không phải là hiện tượng đáp ứng các kích thích, trong đó tính ổn định và tính trọn vẹn của hình ảnh là quan trọng. Hành vi không được phát sinh từ động tác của các phần tử riêng biệt, mà ngược lại các quá trình riêng biệt đó được khởi phát từ một thể thống nhất tự nhiên bên trong con người. Con người ta có cấu trúc trọn vẹn từ bên trong nên phản ánh có tính trọn vẹn. Sự phát minh, tìm tòi trong tư duy sẽ diễn ra theo nguyên lý “bừng sáng”. Suy nghĩ có thể chưa hết nhưng đến một lúc nào đó phương án đang tìm hiểu sẽ bừng sáng lên.
Trên cơ sở thực nghiệm, các nhà tâm lý học Genstalt khẳng định các quy luật của tri giác, tư duy và tâm lý của con người do cấu trúc tiền định của não quyết định. Các nhà tâm lý học Gestalt ít chú ý đến vai trò của vốn kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội lịch sử nên khi giải thích một số hiện tượng tâm lý phức tạp thì rơi vào bế tắc.
3. Phân tâm học (Tâm lý học Phrot)
Thuyết phân tâm học do S.Phrot (1859 – 1939), bác sĩ người Áo sáng lập. Luận điểm cơ bản của Phrot là tách đời sống tâm lý con người thành ba khối: khối vô thức, khối tiền ý thức và khối ý thức.
Khối vô thức bao gồm những hiện tượng tâm lý ở tầng thấp nhất. Đó là những hiện tượng tâm lý hình thành từ bản năng, không có sự tham gia điều khiển và kiểm soát của ý thức. Đây là thành phần cơ bản nhất trong đời sống tâm lý con người, vì thế khi nghiên cứu tâm lý con người thì cần tập trung nghiên cứu tầng vô thức.
Khối tiền ý thức bao gồm những hiện tượng tâm lý phát triển cao hơn tầng vô thức, nhưng do những ràng buộc và chi phối bởi các chuẩn mực đạo đức, gia đình, các chuẩn mực xã hội mà hầu hết các hiện tượng tâm lý này không vượt qua những “rào cản” này nên chúng lại trở về với vô thức.
Chỉ có rất ít những hiện tượng tâm lý có thể vượt qua “rào cản” và trở thành những hiện tượng tâm lý “bừng sáng”. Những hiện tượng tâm lý này tạo ra tầng ý thức trong đời sống tâm lý con người.
Trong ba khối của đời sống tâm lý con người, khối vô thức là lớn nhất, là thành phần chủ yếu và cũng là thành phần khó nhận biết nhất. Bởi vậy chỉ cần tập trung nghiên cứu khối vô thức của con người.
Khi nghiên cứu về nhân cách, S.Phrot cho rằng cấu trúc của nhân cách gồm ba thành tố là: cái ấy (cái vô thức), cái tôi và cái siêu tôi.
Cái ấy bao gồm các bản năng vô thức: ăn uống, tự vệ, tình dục, trong đó bản năng tình dục giữ vai trò trung tâm, quyết định toàn bộ đời sống tâm lý, hành vi của con người. Cái ấy tồn tại theo nguyên tắc thỏa mãn và đòi hỏi.
Cái tôi là con người thường ngày, con người ý thức, tồn tại theo nguyên tắc hiện thực. Cái tôi có ý thức theo Phrot là cái tôi giả hiệu, cái tôi bề ngoài của cái nhân lõi bên trong cái ấy.
Cái siêu tôi là cái siêu phàm, “cái tôi lý tưởng” không bao giờ vươn tới được và tồn tại theo nguyên tắc kiểm duyệt, chèn ép. Như vậy, phân tâm học đã đề cao quá đáng cái bản năng vô thức, dẫn đến phủ nhận ý thức, phủ nhận bản chất xã hội lịch sử của tâm lý con người, đồng nhất tâm lý của con người với tâm lý của loài vật. Học thuyết Phrot là cơ sở ban đầu của chủ nghĩa hiện sinh, thể hiện quan điểm sinh vật hóa tâm lý con người.
Những đại diện của thuyết phân tâm học mới sau này là K.Horni, X.Salliven, K.Jung, A.Adler, E.Fromm, Anna Freud…đã cố gắng khắc phục những khía cạnh thiếu sót trong học thuyết của Freud như bỏ quên những yếu tố tác động của văn hóa xã hội trong cuộc sống con người, quá nhân mạnh yếu tố tình dục…Các tác giả trên phân tích bản năng con người trong mối liên hệ chặt chẽ với xã hội, giải thích các hiện tượng thúc đẩy vô thức bằng các quá trình cơ chế tự vệ, thay việc nhấn mạnh đam mê tình dục bằng những trải nghiệm sơ đẳng như nỗi sợ hãi, chạy trốn, âu lo…và phân tích những hiện tượng chủ quan đó như những nguyên nhân dẫn đến cơ chế tự vệ.
5. Tâm lý học nhân văn
Trường phái này do Carl Roger (1905 – 1987) và Abraham Maslow (1908 – 1970) sáng lập. Họ cho rằng, bản chất con người vốn tốt đẹp, con người có lòng vị tha, có tiềm năng kỳ diệu. Họ nhấn mạnh tính chất nhân bản của hành vi con người, đặc biệt là tiềm năng của con người đối với sự phát triển nhân cách nếu cho họ tự lựa chọn số phận mình và điều khiển nó. Theo Roger, trong mỗi con người từ khi sinh ra đã có xu hướng hiện thực hóa hoàn toàn bản thân mình, họ có đủ sức mạnh cần thiết để phát triển mọi khả năng của mình. Hành vi con người được điều khiển bởi sự tự cảm nhận giá trị của mình hoặc tư tưởng của riêng mình. Tuy nhiên sự giáo dục và các định mức xã hội đặt ra ít hay nhiều có tác dụng buộc con người quên đi tình cảm riêng hoặc nhu cầu riêng để tiếp nhận các giá trị mà người khác ràng buộc. Roger khẳng định rằng trong tình trạng đó nhân cách con người phát triển hoàn toàn không lý tưởng như đáng ra phải có. Trong sự sai lệch đó có thể thấy nguồn gốc sự không thỏa mãn và sự bất thường của hành vi mà nhiều người phải chịu đựng.
C.Roger cho rằng con người cần phải đối xử với nhau một cách tế nhị, cởi mở, biết lắng nghe và chờ đợi, cảm thông với nhau. Tâm lý học cần phải giúp cho con người tìm được bản ngã đích thực của mình để có thể sống một cách thoải mái, cởi mở, hồn nhiên và sáng tạo.
Maslow đưa ra giả thiết theo đó, do những nguyên nhân giống như Rogers, khả năng con người thỏa mãn được các nhu cầu cơ bản của mình thường rất hạn chế, điều đó ngăn cản sự phát sinh và thỏa mãn các nhu cầu bậc cao hơn như nhu cầu tự trọng. Để hiểu được hành vi con người cần tính đến những động lực cơ bản của con người dẫn đến sự hình thành nhân cách của họ.
Tuy nhiên, tâm lý học nhân văn đề cao những điều cảm nghiệm, thể nghiệm chủ quan của bản thân con người, tách con người khỏi các mối quan hệ xã hội, chú ý tới mặt nhân văn trừu tượng trong con người, vì thế thiếu vắng con người trong hoạt động thực tiễn.
6. Tâm lý học nhận thức
Đại diện của trường phái tâm lý học nhận thức là G.Piagiê (Thụy Sĩ) và Brunơ (Mỹ). Tâm lý học nhận thức coi hoạt động nhận thức là đối tượng nghiên cứu của mình. Tiến bộ nổi bật của trường phái này là họ nghiên cứu tâm lý con người, nhận thức con người trong mối quan hệ với môi trường, với cơ thể và với bộ não. Vì thế, họ đã phát hiện ra nhiều sự kiện khoa học có giá trị trong các vấn đề tri giác, trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ…làm cho các lĩnh vực nghiên cứu nói trên đạt tới một trình độ mới. Họ cũng đã xây dựng được nhiều phương pháp nghiên cứu cụ đóng góp cho ngành khoa học tâm lý.
Tuy vậy, trường phái tâm lý học nhận thức cũng có những hạn chế: họ coi nhận thức của con người như là một sự nỗ lực của ý chí để đưa đến sự thay đổi vốn kinh nghiệm, vốn tri thức của chủ thể, nhằm thích nghi, cân bằng với thế giới mà chưa thấy hết ý nghĩa tích cực, ý nghĩa thực tiễn của hoạt động nhận thức.
7. Tâm lý học hoạt động
Dòng tâm lý học này do các nhà tâm lý học Xô viết sáng lập như: L.X.Vuigôtxki (1896 – 1934); X.L.Rubinstein (1902 – 1960); A.N.Lêonchiev (1903 1979); A.R.Luria (1902 1977)…Trường phái này lấy triết học Mác – Lênin làm cơ sở lý luận và phương pháp luận, lấy phạm trù hoạt động có ý thức trong hệ thống lý luận Mácxit làm mẫu để nghiên cứu đời sống tinh thần của con người. Tâm lý học hoạt động cho rằng: tâm lý là sự phản ánh thế giới khách quan vào não thông qua hoạt động. Tâm lý mang tính chủ thể, có bản chất xã hội, được hình thành, phát triển và thể hiện trong hoạt động và giao lưu của con người trong xã hội.