Các phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học
1. Các nguyên tắc phương pháp luận của tâm lý học
1.1. Nguyên tắc khách quan
Nguyên tắc này đòi hỏi phải nghiên cứu các hiện tượng tâm lý một cách khách quan (khách quan cả đối với hiện tượng tâm lý và đối với người nghiên cứu). Tâm lý là cái bên trong, được bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành vi cụ thể, do đó nó thể hiện ra bên ngoài như thế nào thì phải nghiên cứu từ sự biểu hiện tự nhiên ấy. Đối với người nghiên cứu, không được áp đặt ý nghĩ chủ quan của mình trong quá trình nghiên cứu.
1.2. Nguyên tắc quyết định luận duy vật biện chứng
Nguyên tắc này khẳng định tâm lý có nguồn gốc từ thế giới khách quan tác động vào não của con người thông qua “lăng kính chủ quan” của người đó. Tâm lý định hướng, điều khiển, điều chỉnh hoạt động, hành vi của con người tác động trở lại thế giới khách quan. Do vậy, bất kỳ một sự biểu hiện tâm lý nào của con người cũng có nguyên nhân từ hiện thực khách quan, mà trước hết là từ xã hội.
1.3. Nguyên tắc thống nhất tâm lý, ý thức, nhân cách với hoạt động
Hoạt động là phương thức hình thành, phát triển và thể hiện tâm lý, ý thức, nhân cách. Đồng thời tâm lý, ý thức, nhân cách là cái điều hành hoạt động. Vì thế chúng thống nhất với nhau.
1.4. Nguyên tắc về mối liên hệ phổ biến
Các hiện tượng tâm lý trong cùng một chủ thể luôn có sự tương tác lẫn nhau. Do đó phải nghiên cứu các hiện tượng tâm lý trong mối liên hệ giữa chúng với nhau và trong mối liên hệ với các hiện tượng khác. Các hiện tượng tâm lý không tồn tại một cách biệt lập mà chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, chuyển hóa lẫn nhau đồng thời chúng còn chi phối và chịu sự chi phối của các hiện tượng khác.
1.5. Nguyên tắc về sự phát triển
Nguyên tắc này khẳng định tâm lý luôn luôn vận động và phát triển không ngừng. Cần phải nghiên cứu tâm lý trong sự vận động của nó, nghiên cứu tâm lý qua diễn biến cũng như qua sản phẩm của hoạt động. Bởi vì tâm lý có thể thay đổi, nó không phải là cái bất biến, cố định.
1.6. Nguyên tắc сụ thể
Phải nghiên cứu các hiện tượng tâm lý ở một con người cụ thể, trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể, chứ không nghiên cứu tâm lý một cách chung chung, nghiên cứu tâm lý ở một con người trừu tượng, một cộng đồng trừu tượng. Bởi vì tâm lý của con người hình thành và phát triển dưới ảnh hưởng của những điều kiện tự nhiên và xã hội xung quanh, cho nên cần nghiên cứu các hiện tượng tâm lý của một con người cụ thể gắn liền với những điều kiện văn hóa – lịch sử cụ thể và trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
2. Các phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học
2.1. Phương pháp quan sát
Quan sát là quá trình trị giác có chủ định nhằm xác định các đặc điểm của đối tượng qua những biểu hiện như hành động, cử chỉ, điệu bộ, lời nói…Đó là phương pháp mà người nghiên cứu sử dụng các cơ quan cảm giác của mình để nhận biết sự biểu hiện ra bên ngoài một cách thường xuyên các đặc điểm tâm lý bên trong của đối tượng, thông qua đó người nghiên cứu đưa ra nhận định, đánh giá, phán đoán của mình. Đây là một trong những phương pháp tương đối đơn giản, dễ sử dụng. Trong phương pháp này có thể dùng các thiết bị để hỗ trợ như máy quay phim, chụp hình, ghi âm, camera…Phương pháp quan sát được sử dụng tương đối phổ biến. Nó là cơ sở của rất nhiều phương pháp khác, hỗ trợ cho chúng nhưng không đòi hỏi phải tiến hành cùng với phương pháp đó.
Quan sát có nhiều hình thức: quan sát kín, quan sát mở, quan sát tham dự, quan sát không tham dự, quan sát khách quan, quan sát chủ quan, quan sát toàn diện, quan sát bộ phận, quan sát có trọng điểm, quan sát không có trọng điểm, quan sát trực tiếp, quan sát gián tiếp…Mỗi hình thức quan sát đều có ưu và nhược điểm riêng của nó. Vì thế, phải dựa vào mục đích và những điều kiện cụ thể để lựa chọn hình thức quan sát cho phù hợp.
Phương pháp quan sát cho phép chúng ta thu thập được các tài liệu cụ thể, khách quan trọng điều kiện tự nhiên của con người, do đó có nhiều ưu điểm: thu thập thông tin một cách nhanh chóng, độ tin cậy của các thông tin thu thập được là tương đối cao. Bên cạnh đó, nó cũng có những hạn chế như: mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức và đôi khi không đạt được mục đích của việc quan sát.
Để quan sát đạt kết quả cao cần chú ý các yêu cầu sau đây:
+ Xác định rõ mục đích, nội dung, kế hoạch quan sát.
+ Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt trước khi quan sát.
+ Tiến hành quan sát một cách cẩn thận và có hệ thống.
+ Ghi chép và phân tích tài liệu một cách khách quan, trung thực.
+ Quan sát lại lần nữa để kiểm tra các kết quả đã quan sát.
2.2. Phương pháp thực nghiệm (Phép thử tình huống)
Nếu quan sát chủ yếu giúp chúng ta mô tả các hiện tượng để rút ra quy luật thì thực nghiệm lại giúp chúng ta giải thích các hiện tượng đó.
Thực nghiệm là một phương pháp mà người nghiên cứu chủ động tạo ra tình huống cần thiết để đối tượng bộc lộ đặc điểm tâm lý của họ ra ngoài, thông qua đó mà người nghiên cứu đưa ra sự nhận định, đánh giá, phán đoán của mình. Phương pháp này thường được dùng kèm theo với phương pháp quan sát để hạn chế nhược điểm của phượng pháp quan sát.
Người ta thường nói tới hai loại thực nghiệm cơ bản là thực nghiệm tự nhiên và thực nghiệm trong phòng thực nghiệm.
+ Thực nghiệm tự nhiên là loại thực nghiệm mà tình huống tạo ra là hết sức tự nhiên làm cho đối tượng bị làm thực nghiệm không biết mình đang bị làm thực nghiệm, do đó độ tin cậy của thông tin thu thập được là tương đối cao, nhưng xử lý kết quả của thực nghiệm tự nhiên là tương đối khó.
+ Thực nghiệm trong phòng thực nghiệm là loại thực nghiệm được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ được xác định từ trước, với sự tham gia hỗ trợ của các loại máy móc với tính chất là công cụ để làm thực nghiệm. Với loại thực nghiệm này, người bị làm thực nghiệm sẽ biết mình đang bị làm thực nghiệm, do đó độ tin cậy của thông tin thu thập được là không cao, nhưng xử lý loại thực nghiệm này thì tương đối dễ. Tùy theo mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu mà người ta phân biệt các thực nghiệm tự nhiên nhận định và thực nghiệm tự nhiên hình thành. Thực nghiệm tự nhiên nhận định chủ yếu nêu nên thực trạng của vấn đề nghiên cứu ở một thời điểm cụ thể. Thực nghiệm tự nhiên hình thành (còn gọi là thực nghiệm giáo dục) là thực nghiệm trong đó tiến hành các tác động giáo dục, rèn luyện nhằm hình thành một phẩm chất tâm lý nào đó ở thể nghiệm (người bị thực nghiệm).
Dù thực nghiệm được tiến hành trong hoàn cảnh tự nhiên hay trong phòng thực nghiệm đều khó có thể khống chế hoàn toàn ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan của người bị thực nghiệm, vì vậy phải tiến hành thực nghiệm một số lần và phối hợp đồng bộ với nhiều phương pháp khác.
2.3. Phương pháp nghiên cứu “tiểu sử” cá nhân
Phương pháp này do S. Buller (Đức) đề xướng vào đầu thế kỷ XX, sau đó được các nhà tâm lý học của Đại học Tổng hợp Leningrad hoàn chỉnh và phát triển.
Bản chất của phương pháp này là thu thập và phân tích các tài liệu thuộc về tiểu sử của một người cụ thể (thư từ, nhật ký, lý lịch…) nhằm thấy được rõ hơn các đặc điểm tâm lý của con người đó và sự phát triển của các đặc điểm tâm lý này. Trong khoa học hình sự, người ta hay sử dụng phương pháp này để phán đoán tâm lý, hành vi, phục vụ cho việc điều tra tội phạm.
Đối tượng nghiên cứu của phương pháp này là con đường đời của nhân cách, là lịch sử phát triển của nhân cách và chủ thể hoạt động. Phương pháp này cũng thường dùng kết hợp với các phương pháp khác, hoặc là để hỗ trợ cho các phương phương pháp ấy, hoặc là dùng kết quả nghiên cứu bằng các phương pháp ấy để kiểm tra lại kết quả của phương pháp này.
2.4. Phương pháp nghiên cứu sản phẩm của hoạt động
Là phương pháp thu thập và phân tích kết quả hoạt động (sản phẩm) của con người để từ đó đánh giá các đặc điểm tâm lý của họ, bởi vì trong sản phẩm do con người làm ra có chứa đựng “dấu vết” tâm lý, ý thức, nhân cách của con người.
Sản phẩm của hoạt động có thể là sản phẩm vật chất (như bàn, ghế, nhà cửa, quần áo…), có thể là sản phẩm tinh thần (như đưa ra một phán đoán, một ý tưởng, tìm ra một quy luật, hay giải quyết được một nhiệm vụ nào đó…). Phương pháp này cũng cần được thực hiện nhiều lần thông qua nhiều sản phẩm. Cần chú ý rằng, các kết quả hoạt động phải được xem xét trong mối liên hệ với những điều kiện tiến hành hoạt động.
2.5. Phương pháp trắc nghiệm (test)
Phương pháp trắc nghiệm thường không phục vụ cho mục đích khảo cứu để thu thập số liệu và tìm ra các quy luật, các cơ chế của các hiện tượng tâm lý như các phương pháp khác, mà thường phục vụ cho mục đích thử nghiệm. Đó là phép thử để “đo lường” những phẩm chất tâm lý đã được chuẩn hóa trên một số lượng người đủ tiêu chuẩn.
Test trọn bộ thường bao gồm bốn phần:
+ Văn bản test (bảng câu hỏi)
+ Hướng dẫn quy trình tiến hành
+ Hướng dẫn đánh giá
+ Bản chuẩn hóa
Phương pháp trắc nghiệm cũng có những ưu và nhược điểm nhất định:
* Ưu điểm:
+ Có khả năng làm cho hiện tượng tâm lý cần đo lường trực tiếp bộc lộ qua hành động thực hiện trắc nghiệm.
+ Có khả năng tiến hành tương đối đơn giản bằng giấy, bút, tranh vẽ…
+ Có khả năng lượng hóa, chuẩn hóa chỉ tiêu tâm lý cần đo.
* Nhược điểm:
+ Rất khó soạn thảo một bộ test đảm bảo tính chuẩn hóa.
+ Test chủ yếu cho ta biết kết quả, ít bộc lộ quá trình suy nghĩ của nghiệm thể để đi đến kết quả.
Cần sử dụng phương pháp test như là một trong các cách chuẩn đoán tâm lý con người ở một thời điểm nhất định.
2.6. Phương pháp đàm thoại
Đó là cách đặt câu hỏi cho đối tượng và dựa vào câu trả lời của đối tượng để trao đổi, hỏi thêm nhằm thu thập thông tin về vấn đề cần nghiên cứu.
Có thể tiến hành đàm thoại trực tiếp hoặc gián tiếp tùy sự liên quan của đối tượng với điều ta cần biết.
Muốn đàm thoại có kết quả tốt, cần chú ý:
– Xác định rõ vấn đề cần tìm hiểu (mục đích yêu cầu).
– Tìm hiểu trước thông tin về đối tượng đàm thoại với một số đặc điểm của họ.
– Có kế hoạch để chủ động điều khiển quá trình đàm thoại.
– Nên linh hoạt trong quá trình điều khiển một cuộc đàm thoại để nó vừa giữ được tính logic, vừa đáp ứng được yêu cầu của người nghiên cứu.
Tóm lại, các phương pháp nghiên cứu tâm lý con người khá phong phú. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Muốn nghiên cứu các hiện tượng tâm lý một cách khoa học, khách quan, chính xác cần phải:
– Sử dụng các phương pháp nghiên cứu thích hợp với vấn đề cần nghiên cứu.
– Sử dụng phối hợp, đồng bộ các phương pháp nghiên cứu để đem lại kết quả khách quan toàn diện.