1. Nộp đơn khởi kiện lại vụ án là gì?
Nộp đơn khởi kiện lại vụ án là hành động của người khởi kiện khi họ muốn tiếp tục theo đuổi vụ án đã bị đình chỉ hoặc không được thụ lý trước đó. Theo quy định pháp luật, người khởi kiện có quyền nộp lại đơn trong các trường hợp nhất định.
2. Các trường hợp được quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Khoản 4 Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
– Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
– Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
– Tòa án đã Thông báo trả lại đơn khởi kiện hoặc những vụ án Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do người khởi kiện chưa có đủ điều kiện khởi kiện nhưng nay người khởi kiện đã có đủ điều kiện khởi kiện. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
– Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
– Tòa án đã Thông báo trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện đã hết;
– Những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết” nhưng vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế;
– Những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/01/2017, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn trong thời hạn là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế;
– Tòa án đã Thông báo trả lại đơn khởi kiện do người khởi kiện không sữa chữa, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán do trong đơn khởi kiện người khởi kiện không ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (khoản 1 Điều 192 BLTTDS) hoặc Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do người khởi kiện không cung cấp được đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP) nhưng nay người khởi kiện đã cung cấp được đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Tòa án đã Thông báo trả lại đơn khởi kiện với lý do người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án mà thời hạn nộp biên lai thu tiền đã hết;
– Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định, tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.