Trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại, sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ thị trường là điểu đã được khẳng định, nhằm “sửa chữa” các “khuyết tật” của thị trường và khắc phục các sai sót do kinh tế thị trường đem lại.
Tuy nhiên, sự can thiệp này như thế nào để không làm cho thị trường bị “biến dạng” mà vẫn thúc đẩy các quan hệ thị trường phát triển, đó lại là câu chuyện quản lý ở mỗi quốc gia.
Đối với Việt Nam, sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ thị trường nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đã được minh chứng bằng nhiều quy định trong hầu hết các đạo luật được Quốc Hội ban hành, trong đó có Luật Chứng khoán năm 2019.
Các quy định hiện hành của Luật Chứng khoán liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về chứng khoán thường tập trung vào hai vấn để cơ bản sau:
– Xây dựng cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Đây là vấn đề thể hiện rõ nhất và tập trung nhất các hành vi mang tính chất quản lý nhà nước về chứng khoán. Các hành vi này (thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật) hầu hết đều mang bản chất là nhũng hành vi quản lý điển hình trong lĩnh vực chứng khoán.
– Xây dựng cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực chúng khoán. Vấn đề này tuy cũng liên quan đến vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường chứng khoán nhưng chủ yếu thể hiện mục tiêu “hỗ trợ” của Nhà nước cho các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, thông qua việc tiến hành các hoạt động tư pháp như thụ lý và giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực chứng khoán.