Chức năng của pháp luật là những phương diện, mặt tác động chủ yếu của pháp luật phản ánh bản chất giai cấp và giá trị xã hội của pháp luật.
1. Pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.
2. Chức năng của pháp luật
Chức năng của pháp luật là những phương diện, mặt tác động chủ yếu của pháp luật phản ánh bản chất giai cấp và giá trị xã hội của pháp luật.
Pháp luật gồm có 3 chức năng cơ bản đó là: chức năng điều chỉnh, chức năng bảo vệ và chức năng giáo dục, cụ thể:
2.1. Chức năng điều chỉnh của pháp luật
Chức năng điều chỉnh của pháp luật thể hiện vai trò và giá trị xã hội của pháp luật. Pháp luật được đặt ra nhằm hướng tới sự điều chỉnh các quan hệ xã hội, thiết lập “trật tự” đối với các quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội phát triển theo chiều hướng nhất định phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, phù hợp với quy luật vận động khách quan của các quan hệ xã hội.
2.2. Chức năng bảo vệ của pháp luật
Pháp luật là công cụ bảo vệ các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Khi có các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định trong bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như hành vi xâm phạm tính mạng sức khoẻ con người bị xử lý theo Luật hình sự, hành vi gây thiệt hại tài sản buộc phải bồi thường theo Luật dân sự.
2.3. Chức năng giáo dục của pháp luật
Chức năng giáo dục của pháp luật được thực hiện thông qua sự tác động của pháp luật vào ý thức của con người, làm cho con người xử sự phù hợp với cách xử sự được quy định trong các quy phạm pháp luật. Việc giáo dục có thể được thực hiện thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thông qua việc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm (phạt những hành vi vi phạm giao thông, xét xử những người phạm tội hình sự…).
3. Liên hệ thực tiễn Việt Nam hiện nay
– Chức năng điều chỉnh của pháp luật: Phạm vi điều chỉnh của pháp luật ngày càng được mở rộng. Trong thời kỳ đổi mới, nhà nước ta đã xây dựng một khung pháp lý mới trong mọi lĩnh vực quan hệ xã hội. Nguyên tắc quản lý xã hội bằng pháp luật và tăng cường pháp chế đã được thể hiện và thực hiện.
– Trong thời gian tới, công tác xây dựng pháp luật cần tập trung vào những lĩnh vực quan hệ xã hội quan trọng như: xây dựng khung pháp lý cần thiết cho sự hình thành đồng bộ các thiết chế thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính: xóa bỏ cơ chế “xin – cho”…
– Chức năng bảo vệ: Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về đảm bảo, bảo vệ các quyền con người bằng hệ thống pháp luật và cơ chế pháp lý – xã hội thực hiện. Pháp luật ghi nhận và có cơ chế bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Các quy định pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo, quyền trong lĩnh vực giáo dục, học tập, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, quyền tự do cá nhân: bất khả xâm phạm về thư tín, điện thoại, chỗ ở, bí mật đời tư…được tâm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nhà nước ta cần quan tâm hơn để hoàn thiện các văn bản pháp luật về hình thức, thủ tục và cơ chế thực hiện các quyền con người.
– Chức năng giáo dục của pháp luật ở nước ta hiện nay được thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như phổ biến pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp luật, thông qua hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Để có hiệu quả giáo dục, cần đổi mới các hình thức, phương pháp, nội dung giáo dục pháp luật phù hợp với trình độ, điều kiện và nhu cầu của các đối tượng giáo dục pháp luật. Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, sự tuân thủ pháp luật từ phía các cơ quan công quyền và các nhân viên của họ, đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định áp dụng pháp luật.