Theo nghĩa rộng dưới góc độ lý luận, chủ thể quyền SHTT có thể được hiểu là tổ chức, cá nhân và các chủ thể khác tham gia vào quan hệ pháp luật về quyền SHTT, thực hiện quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý phát sinh trong quá trình sáng tạo, khai thác, sử dụng các tài sản trí tuệ trên cơ sở quy định của pháp luật về SHTT, được bảo vệ bởi sự cưỡng chế của Nhà nước.
Các chủ thể trong quan hệ pháp luật về quyền SHTT được bảo đảm bình đẳng về địa vị pháp lý và quyền tự định đoạt của chủ thể. Quyền bình đẳng của các chủ thể được thể hiện không có sự phân biệt về độ tuổi, giới tính, mức độ năng lực hành vi; không phụ thuộc vào địa vị xã hội và trình độ học vấn, mọi cá nhân đều có thể là chủ sở hữu các sản phẩm trí tuệ, có các quyền và nghĩa vụ như nhau khi tạo ra hoặc được chuyển giao các sản phẩm là đối tượng của quyền SHTT. Quyền tự định đoạt của chủ thể được thể hiện trong việc sáng tạo, công bố hay không công bố tác phẩm, công trình; quyền nộp đơn hay không nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ; khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền SHTT bị xâm phạm; để lại thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật… Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích của người sáng tạo và chủ thể khai thác, sử dụng sản phẩm trí tuệ, quyền tự định đoạt của chủ thể quyền cũng bị hạn chế theo các nguyên tắc giới hạn quyền.
Theo nghĩa hẹp, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 xác định chủ thể quyền SHTT là “chủ sở hữu quyền SHTT hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền SHTT”.
1. Chủ thể quyền tác giả
1.1. Tác giả
Tác giả là chủ thể quan trọng nhất của quyền tác giả. Đây là khái niệm cơ sở cho sự hình thành các quan hệ về quyền tác giả cũng như cho việc xây dựng chế định quyền tác giả và quyền liên quan.
Khái niệm tác giả luôn gắn liền với tác phẩm cụ thể bởi tác giả chỉ có khi đã hình thành nên tác phẩm. Tác phẩm là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của chính tác giả. Sự đóng góp trí tuệ của tác giả vào việc tạo nên tác phẩm quyết định bản chất của chủ thể này, và do đó, tác giả chỉ có thể là các cá nhân cụ thể mà không thể là tổ chức. Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm tác giả được thể hiện rõ nhất tại quy định của Điều 736 Bộ luật Dân sự 2005: “Người sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và tác giả của tác phẩm đó”. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 không đưa ra quy định trực tiếp mà chỉ có một số quy định mang tính “ngụ ý” về những người được coi là tác giả, do vậy chúng ta cần ngầm hiểu rằng, tác giả là “người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm” (Điều 13) và “tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm” (Điều 37).
Tác giả có các quyền nhân thân (đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) và các quyền tài sản đối với tác phẩm (làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn, truyền đạt tác phẩm; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; cho thuê tác phẩm; hưởng nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khi tác phẩm được khai thác, sử dụng bởi các tổ chức, cá nhân khác).
1.2. Chủ sở hữu quyền tác giả
Khái niệm “chủ sở hữu quyền tác giả” được quy định trực tiếp và khá cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Điều 36 của Luật xác định chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản đối với tác phẩm.
Chủ sở hữu quyền tác giả có thể là tác giả, các đồng tác giả, tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả, người thừa kế, người được chuyển giao quyền theo hợp đồng hoặc trong một số trường hợp có thể là Nhà nước.
Về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ có các quyền tài sản đối với tác phẩm.
2. Chủ thể quyền liên quan đến quyền tác giả
Chủ thể quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm người biểu diễn (diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật); chủ sở hữu cuộc biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh) và các tổ chức phát sóng (tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng).
Chủ sở hữu quyền liên quan, theo Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được xác định như sau:
– Chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn là tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn.
– Chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình là tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
– Chủ sở hữu chương trình phát sóng là tổ chức phát sóng. Về nguyên tắc, quyền của người biểu diễn bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền liên quan chỉ có các quyền tài sản đối với các đối tượng của quyền liên quan.
3. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp
3.1. Tác giả
Trong lĩnh vực SHCN, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra các đối tượng SHCN. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng SHCN đều có tác giả. Vấn đề xác định tác giả không đặt ra đối với một số đối tượng SHCN như nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh mà chỉ áp dụng đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là các đối tượng có tính sáng tạo (để được bảo hộ phải thoả mãn tính sáng tạo).
Tác giả sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp có một số quyền nhân thân (như được ghi tên là tác giả trong văn bằng bảo hộ; được nêu tên trong các tài liệu công bố, giới thiệu về đối tượng SHCN) và quyền tài sản (quyền nhận thù lao do sử dụng, khai thác, chuyển giao đối tượng SHCN). Quyền tài sản này tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
3.2. Chủ sở hữu quyền
Chủ sở hữu quyền SHCN có thể đồng thời là tác giả hoặc không phải là tác giả tạo ra các đối tượng SHCN. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Điều 121) xác định cụ thể chủ sở hữu đối với từng đối tượng SHCN như sau:
– Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN tương ứng.
– Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã được đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.
– Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.
– Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Các chủ sở hữu quyền SHCN có các quyền tài sản như sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng SHCN, định đoạt đối tượng SHCN.
4. Chủ thể quyền đối với giống cây trồng
4.1. Tác giả
Tác giả giống cây trồng là người trực tiếp nghiên cứu chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng. Tương tự như tác giả các đối tượng SHCN, tác giả giống cây trồng có một số quyền nhân thân và quyền tài sản như: quyền đứng tên trong văn bằng bảo hộ, quyền được ghi tên trong Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng và trong các tài liệu công bố, quyền nhận thù lao khi giống cây trồng được ứng dụng, thương mại hóa.
4.2. Chủ sở hữu quyền
Tương tự như trong lĩnh vực SHCN, chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng có thể đồng thời hoặc không đồng thời là tác giả giống cây trồng. Điều 157 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 không có điều khoản trực tiếp xác định rõ chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng mà chỉ gián tiếp quy định như sau:
Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
Các tổ chức, cá nhân nêu trên có thể bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nước có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng; tổ chức, cá nhân nước ngoài có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam.
Chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng (hay “chủ bằng bảo hộ” theo cách dùng từ của Luật Sở hữu trí tuệ 2005) có các quyền tài sản như sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng; để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền.