1. Khái niệm căn cứ xác lập quyền sở hữu là gì?
Quyền sở hữu là một quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu. Do đó, cũng giống như bất cứ quan hệ pháp luật dân sự nào, quyền sở hữu phát sinh phải dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Nó chỉ xuất hiện khi có những sự kiện thực tế mà Bộ luật Dân sự có quy định ý nghĩa pháp lý đối với sự kiện đó.
Pháp luật chỉ công nhận và bảo vệ các quyền của chủ sở hữu nếu quyền đó được xác lập trên những căn cứ do pháp luật quy định. Việc xác lập quyền sở hữu dựa trên những căn cứ được khái quát tại Điều 221 Bộ luật Dân sự 2015 được coi là quyền sở hữu hợp pháp.
Vì vậy, căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu là những sự kiện xảy ra trong đời sống thực tế nhưng có ý nghĩa pháp lý do Bộ luật Dân sự quy định mà thông qua đó làm phát sinh quyền sở hữu của một hoặc nhiều chủ thể đối với tài sản nhất định.
Tuỳ thuộc vào pháp luật của mỗi chế độ sở hữu, thể chế nhà nước khác nhau mà việc ghi nhận các căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu cũng khác nhau. Trên cơ sở tính chất, nội dung của các sự kiện pháp lý mà quyền sở hữu phát sinh có thể thuộc hình thức sở hữu này hay hình thức sở hữu khác.
2. Các căn cứ xác lập quyền sở hữu
2.1. Dựa vào nguồn gốc của những sự kiện pháp lý
Căn cứ để xác lập quyền sở hữu là những sự kiện pháp lý do Bộ luật Dân sự 2015 quy định. Dựa vào nguồn gốc của những sự kiện pháp lý, người ta có thể phân chia làm ba nhóm sau đây:
2.1.1. Xác lập theo hợp đồng hoặc từ hành vi pháp lý đơn phương
Hợp đồng là một sự kiện pháp lý trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất ý chí của các chủ thể làm phát sinh sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác. Các hợp đồng: Mua bán, tặng, cho, cho vay… nếu được xác lập phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì những người được chuyển giao tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản đó. Những tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký, sang tên, xin phép thì quyền sở hữu được xác lập từ thời điểm hoàn tất các thủ tục đó. Nghĩa là, bằng hợp đồng dân sự hợp pháp mà quyền sở hữu đối với vật của người này chấm dứt nhưng lại làm xuất hiện quyền sở hữu đối với vật của người khác.
Do các quy định của pháp luật về dân sự trước đây chưa hoàn thiện và do tính chất phức tạp của các quan hệ tài sản trong đời sống xã hội nên các giao dịch dân sự liên quan đến nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 sẽ được giải quyết theo quy định riêng. Đó là Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 58/1998/NQ–UBTVQH10 ngày 20/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 (ngày Pháp lệnh nhà ở có hiệu lực). Theo quy định của Nghị quyết số 58 nói trên thì thủ tục chuyển quyền sở hữu trong các hợp đồng: Mua bán nhà ở, đổi nhà ở và tặng cho nhà ở giữa cá nhân với cá nhân sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tương tự, việc nhận tài sản từ di sản thừa kế của người chết theo di chúc (theo ý chí của người để lại di sản) hoặc những người được hưởng trong hứa thưởng và thi có giải có quyền sở hữu đối với tài sản đã nhận theo di chúc hoặc tài sản đã nhận thưởng.
2.1.2. Xác lập theo quy định của pháp luật
Đây là những sự kiện pháp lý mà theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, quyền sở hữu được xác lập bao gồm:
– Kết quả của lao động sản xuất là sự hoạt động của con người trong quá trình tác động vào thế giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà trước hết là cho bản thân chủ thể đó. Nguồn gốc ban đầu của tài sản là lao động, vì vậy ai đã bỏ sức lao động ra thì có quyền sở hữu đối với những thu nhập có được do lao động hoặc do sản xuất kinh doanh hợp pháp (Điều 222Bộ luật Dân sự 2015). Đối với hoa lợi, lợi tức, quyền sở hữu được xác lập theo quy định của pháp luật.
– Do các sự kiện sáp nhập, trộn lẫn, chế biến là sự hợp nhất tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau. Kể từ thời điểm sáp nhập, trộn lẫn, vật mới là tài sản thuộc sở hữu chung hoặc riêng của các chủ sở hữu đó. Những chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán phần giá trị tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 225, Điều 226 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp chế biến mà người chế biến đã dùng nguyên, vật liệu không thuộc sở hữu của mình nhưng ngay tình thì quyền sở hữu đối với tài sản mới được xác lập khi đã thanh toán giá trị nguyên vật liệu cho chủ sở hữu nguyên vật liệu đó.
– Do các sự kiện không xác định được chủ sở hữu hoặc do bị chôn giấu, đánh rơi, bỏ quên. Cơ sở của việc xác lập quyền sở hữu theo những sự kiện trên không phải chỉ đơn giản là các hành vi phát hiện, tìm thấy, nhặt được. Ngoài những sự kiện trên, pháp luật quy định phải sau một thời hạn nhất định tương ứng với mỗi sự kiện và giá trị của tài sản đó mà quyền sở hữu mới được xác lập.
Ví dụ: Đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên phải sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản nhặt được, nếu giá trị bằng hoặc thấp hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định mà không xác định được ai là chủ Sở hữu, hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được..
Trong trường hợp tìm thấy tài sản bị chôn giấu hoặc bị vùi lấp, bị chìm đắm thì quyền sở hữu được xác lập có thể thuộc các hình thức sở hữu khác nhau. Điểm a khoản 2 Điều 229 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hoá theo quy định của Luật di sản văn hoá thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật”; điểm b khoản 2 Điều 229 BLDS quy định: “Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử–văn hoá theo quy định của Luật di sản văn hoá mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước”.
– Do các sự kiện gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên. Đối với những sự kiện này, người bắt được ngoài việc thông báo công khai phải sau một thời hạn tùy thuộc vào đối tượng thất lạc thì quyền sở hữu mới được xác lập.
Ví dụ: Gia súc bị thất lạc thì sau khi thông báo công khai sáu tháng mà không có người đến nhận, gia súc đó sẽ thuộc quyền sở hữu của người bắt được. Nhưng đối với nơi có tập quán thả rông gia súc thì thời hạn này lại là một năm. Đối với gia cầm và vật nuôi dưới nước, thời hạn này được xác định là sau một tháng kể từ ngày thông báo thất lạc.
– Do được thừa kế tài sản theo pháp luật. Thông qua việc nhận di sản thừa kế theo pháp luật, quyền sở hữu của một người nào đó được xác lập đối với các tài sản mà họ đã nhận từ di sản của người chết.
2.1.3. Xác lập theo những căn cứ riêng biệt
Ngoài những căn cứ có tính phổ biến nêu trên, quyền sở hữu còn có thể được xác lập theo những căn cứ riêng khác. Đó chính là các bản án, quyết định của toà án quyết định hoà giải thành) hoặc các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ: Công nhận quyền sở hữu cá nhân của mỗi người sau khi chia tài sản chung hợp nhất của vợ chồng trong các bản án, quyết định ly hôn; các quyết định hoá giá nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyền sở hữu của một chủ thể còn có thể được xác lập theo thời hiệu khi có các điều kiện do pháp luật quy định như: Một người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì người ấy trở thành chủ sở hữu tài sản đó. Khi đó, quyền sở hữu sẽ được xác lập và được công nhận kể từ thời điểm người đó bắt đầu chiếm hữu. Tuy nhiên, quy định về thời hiệu này không áp dụng nếu BLDS hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
– Đối với các tài sản bị tịch thu (Điều 244 BLDS), bị trưng mua (Điều 243 BLDS) về nguyên tắc đây là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu đối với một chủ thể nhất định nhưng đó lại là căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu toàn dân.
2.2. Dựa vào quy trình hình thành và thay đổi quyền sở hữu
Nếu dựa vào quy trình hình thành và thay đổi quyền sở hữu thì các căn cứ xác lập quyền sở hữu có thể chia thành:
2.2.1. Căn cứ đầu tiên
Căn cứ đầu tiên là những sự kiện pháp lý do đó mà quyền sở hữu được xác lập đầu tiên đối với vật. Theo căn cứ này quyền sở hữu mới phát sinh không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu trước đó.
Ví dụ: Sản phẩm mới được tạo ra trong quá trình sản xuất hoặc việc nhận những kết quả của các tài sản mang lại.
2.2.2. Căn cứ kế tục
Căn cứ kế tục là những sự kiện pháp lý xác lập quyền sở hữu mới trên cơ sở chuyển dịch quyền theo ý chí của chủ sở hữu cũ thông qua các hợp đồng dân sự hợp pháp hoặc do thừa kế. Đối với các căn cứ kế tục, chủ sở hữu mới phải chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ liên quan đến tài sản đã chuyển giao của chủ sở hữu cũ với người thứ ba.
Ví dụ: Người đã mua nhà của chủ sở hữu những nhà đó chủ sở hữu đang cho người khác thuê mà hợp đồng thuê chưa hết kỳ hạn thì chủ sở hữu mới không có quyền huỷ bỏ hợp đồng thuê của chủ sở hữu cũ với người thuê khi chưa hết kỳ hạn thuê.