Lãnh thổ quốc gia là một phần của Trái Đất, bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất, thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt hoặc tuyệt đối của một quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm.
Điều 1 Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.
Lãnh thổ quốc gia gồm các bộ phận sau đây:
1. Vùng đất
Là bộ phận lãnh thổ mà không một quốc gia nào không có. Vùng đất gồm có đất liền của lục địa và các đảo thuộc chủ quyền quốc gia. Quốc gia quần đảo bao gồm toàn bộ các đảo lớn, nhỏ thuộc về quốc gia đó như Philippin có 7.200 đảo. Một SỐ quốc gia còn có một bộ phận lãnh thổ nằm trọn trong lãnh thổ của quốc gia khác, không có đường thông ra biển (gọi là lãnh thổ kín như Lavia, lãnh thổ của Tây Ban Nha nằm trong lãnh thổ Cộng hoà Pháp). Một số quốc gia như Nga, Mỹ, Na Uy, Canada, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Aixơlen có lãnh thổ quốc gia giáp với Bắc cực còn có được một phần lãnh thổ của mình xuất phát từ yêu sách một phần đất hình rẻ quạt Bắc cực. Do vị trí địa lý, các vùng nước, nội địa, là ao, hồ, sông, ngời nằm trong đất liền và biển nội địa (tự nhiên hay nhân tạo) thuộc quy chế pháp lý của vùng đất liền. Các kênh đào, Sông quốc tế nằm trong lãnh thổ quốc gia, do tính chất đặc biệt sẽ theo quy chế pháp lý riêng. Trong vùng đất, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối.
2. Vùng nước
Là toàn bộ các vùng nước nằm phía trong đường biên giới của quốc gia trên biển, gồm:
– Vùng nước nội thủy: Là vùng nước biển nằm phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển của quốc gia. Nội thủy của quốc gia quần đảo được xác định theo Điều 47 Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trong đó quốc gia quần đảo có thể vạch những đường khép kín để hoạch định ranh giới nội thủy của mình hoặc xác định theo tập quán quốc tế. Trong nội thủy, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối.
– Vùng nước lãnh hải: Là vùng nằm phía trong đường biên giới biển của quốc gia, giáp với đường cơ sở. Ngày nay, đa số các quốc gia có biển xác định bề rộng lãnh hải của mình rộng không quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Trong lãnh hải, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ.
3. Vùng trời
Là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất, vùng nước của quốc gia, được xác định bởi đường biên giới bao quanh và đường biên giới trên cao của vùng trời quốc gia. Đường biên giới trên cao chưa được quy định rõ trong luật quốc tế cũng như luật quốc gia.
4. Vùng lòng đất
Là phần đất nằm dưới vùng đất, vùng nước của quốc gia. Vùng lòng đất dưới vùng đất và vùng nước quốc gia không được luật quốc tế và luật quốc gia quy định giới hạn chiều sâu. Trong khoa học luật quốc tế, tồn tại quan điểm rộng rãi cho rằng giới hạn chiều sâu của vùng lòng đất quốc gia phụ thuộc vào khả năng nghiên cứu và khai thác của quốc gia đó. Quan điểm này có mặt hạn chế ở chỗ, tạo ra sự bất bình đẳng trên thực tế giữa các quốc gia láng giềng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất. Luật quốc tế mặc nhiên thừa nhận vùng lòng đất kéo dài đến tận tâm trái đất.