1. Khái niệm bảo lưu quyền sở hữu là gì?
Trong hợp đồng mua bán tài sản các bên có thể thỏa thuận về mua trả chậm, trả dần. Trường hợp này người mua chỉ có quyền sở hữu khi đã trả hết tiền mua. Để bảo đảm quyền đòi tiền trả chậm, bên bán có thể thỏa thuận với bên mua xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu và đăng ký biện pháp này tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bảo lưu quyền sở hữu được quy định từ Điều 331 đến Điều 334 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong bảo lưu quyền sở hữu thì bên bán được quyền kiểm soát việc định đoạt tài sản của bên mua cho đến khi bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán. Ngược lại, nếu bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn thì bên bán có quyền lấy lại tài sản và trả lại tiền cho bên mua sau khi trừ khâu hao sử dụng tài sản.
2. Hình thức bảo lưu quyền sở hữu
Vì biện pháp bảo lưu quyền sở hữu chỉ có hiệu lực đối kháng khi đăng ký, cho nên khi xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thì phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán làm cơ sở để thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.
3. Nội dung bảo lưu quyền sở hữu
Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bên mua có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực, đồng thời phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thoả thuận khác.