Yêu cầu ứng tuyển công viên chức đều có yêu cầu về bằng cấp phù hợp với ngành nghề, vị trí tuyển dụng. Vậy có bằng đại học tại chức có được thi công chức không? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Người có bằng đại học tại chức có được thi công chức không?
Học tại chức là hình thức phổ biến đối với những người đang đi làm không có thời gian học đại học chính quy nhưng muốn học thêm chương trình đại học để nâng cao kiến thức, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ cho mục tiêu phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật Việt Nam, hiện không có quy định cụ thể về khái niệm “bằng đại học tại chức” là gì. Nhưng trên thực tế thì đây là cách gọi dân gian của bằng đại học cấp cho những người theo học hệ vừa học vừa làm.
Những người mong muốn đăng ký thi công chức làm việc tại các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân thì phải đáp ứng điều diện quy định tại Luật Cán bộ công chức 2008.
Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ công chức 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, ngoài các điều kiện phải đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; và đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; thì người đăng ký thi công chức phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.
Theo đó, văn bằng, chứng chỉ phù hợp theo quy định này là văn bằng, chứng chỉ phù hợp với ngành nghề, vị trí tuyển dụng công chức.
Cơ quan sử dụng công chức không được phân biệt loại hình đào tạo chính quy, vừa học vừa hay đào tạo từ xa của người đăng ký thi công chức theo quy định tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.
Thêm vào đó, khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 cũng quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương, và không còn quy định về hình thức đào tạo trên bằng như trước đây nữa.
Học viên chỉ cần đáp ứng yêu cầu đào tạo và hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của chương trình giáo dục, sẽ nhận văn bằng từ hiệu trưởng của tổ chức giáo dục đại học tương ứng với cấp độ đào tạo đã tham gia.
Do đó, dù có thể khác nhau về hình thức đào tạo, nhưng giá trị của tấm bằng đại học cấp cho loại hình đào tạo chính quy, vừa học vừa hay đào tạo từ xa là như nhau.
Như vậy, người có bằng đại học tại chức hoàn toàn có thể thi công chức nếu đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng của cơ quan tuyển dụng công chức.
2. Bằng tại chức có được thi viên chức không?
Tương tự như điều kiện đăng ký thi công chức, ngoài các điều kiện về việcnhư phải có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam; đáp ứng đủ độ tuổi quy định theo từng ngành nghề; có đơn đăng ký dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; và đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ…
Thêm vào đó, điều kiện đăng ký thi viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập cũng bao gồm việc ứng viên phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức 2010.
Đồng thời, Điều 5 Nghị định 115/2020/NĐ-CP cũng có quy định Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức không được phân biệt loại hình đào tạo của người đăng ký thi viên chức.
Như vậy, người có bằng đại học tại chức hoàn toàn có thể thi viên chức nếu đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng của cơ quan, đơn vị tuyển dụng viên chức.
3. Bằng đại học từ xa có đi du học được không?
Tương tự như đối với bằng đại học tại chức đã trình bày ở trên, sau khi hoàn thành chương trình học, người tốt nghiệp hình thức học đại học từ xa mà được cấp bằng hoàn toàn toàn có thể sử dụng bằng này để nộp hồ sơ đi du học ở nước ngoài nếu đáp ứng đủ điều kiện để đi du học.
Bởi vì theo Luật Giáo dục đại học hiện hành thì bằng đại học chính quy, bằng đại học tại chức, bằng đại học từ xa có giá trị pháp lý như nhau.