Công chức là là gì? Cách phân loại công chức
1. Công chức là gì? Quyền và nghĩa vụ của công chức
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, theo đó:
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo quy định này thì tiêu chí để xác định công chức gắn với cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh.
Qua đây cũng có thể thấy công chức là những người được tuyển dụng lâu dài, hoạt động của họ gắn với quyền lực công hoặc quyền hạn hành chính nhất định được cơ quan có thẩm quyền trao cho và chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Lưu ý: Đối tượng là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 01/7/2020 khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi 2019 có hiệu lực không còn được xác định là công chức.
2. Cách phân loại công chức
Việc phân loại công chức có ý nghĩa quan trọng trong việc bố trí nhân sự, sắp xếp công việc phù hợp với khả năng của công chức, tránh trường hợp giao phó cho công chức những công việc vượt quá khả năng dẫn đến công chức không thể hoàn thành, hoặc ngược lại, giao cho công chức những công việc quá đơn giản so với trình độ được đào tạo dẫn đến sự nhàm chán trong công việc.
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì công chức được phân thành các loại sau:
2.1. Căn cứ theo ngạch công chức
Công chức được phân thành các loại sau:
– Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
– Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
– Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
– Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên;
Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Việc phân loại công chức theo ngạch có tác dụng trong việc xây dựng những tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá công việc phù hợp với từng ngạch, bậc.
2.2. Căn cứ theo vị trí công tác
Công chức được phân thành các loại sau:
– Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
– Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Việc phân loại này nhằm mục đích xác định chức trách, vị trí của từng loại công chức, để xác định thẩm quyền, trách nhiệm cũng như quyền lợi của từng loại công chức.
Việc phân loại công chức theo vị trí công tác (theo chức vụ) có ưu điểm là trước hết phải xác định các tiêu chuẩn theo yêu cầu vào chức vụ tương ứng sau đó mới bổ nhiệm vào ngạch.
Xem thêm: Phân biệt cán bộ, công chức và viên chức