1. Khái niệm ý thức pháp luật là gì?
Việc xác lập các quan hệ pháp luật, tức là xác lập quyền và nghĩa vụ của các chủ thể cũng như việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó trong thực tế thông qua hành vi nhất định của các chủ thể được thực hiện như thế nào, ở một mức độ rất quan trọng, phụ thuộc vào thái độ chủ quan của con người đối với pháp luật, tức là ý thức pháp luật của con người trong xã hội.
Là biểu hiện thái độ chủ quan của con người đối với pháp luật, ý thức pháp luật được hiểu là tổng hợp những tư tưởng, quan điểm, thái độ, sự hiểu biết của con người đối với pháp luật hiện hành cũng như tinh thần chung của pháp luật.
Ý thức pháp luật là một bộ phận của ý thức xã hội, nó ra đời, thay đổi cùng với pháp luật tức là khi xã hội đã phân chia thành giai cấp, đã có Nhà nước và có pháp luật. Mỗi một kiểu pháp luật trong lịch sử đều có một hệ thống ý thức pháp luật tương ứng nhưng ý thức pháp luật cũng có tính độc lập tương đối của nó. Một kiểu nhà nước và pháp luật đã bị thủ tiêu, nhưng ý thức pháp luật tương ứng của nó vẫn có thể tồn tại dai dẳng trong xã hội mới.
2. Vai trò của ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật là một yếu tố có tác động quyết định đến hiệu quả của việc điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật. Pháp luật chỉ có thể đi vào cuộc sống, xã hội có trật tự, kỷ cương và phát triển nếu trong quá trình thực hiện pháp luật, các chủ thể có ý thức pháp luật tốt, có tư tưởng tuân thủ pháp luật, quan điểm, thái độ nghiêm túc chấp hành pháp luật, có sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về pháp luật. Trái lại, pháp luật của Nhà nước dù đầy đủ, hoàn thiện đến đâu cũng không thể phát huy tác dụng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Trong xã hội ta hiện nay, ý thức pháp luật thích ứng với tính chất của pháp luật trong một Nhà nước kiểu mới, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một nền pháp luật thể hiện ý chí và lợi ích của nhân dân lao động, ý chí của đa số người trong xã hội. Trong điều kiện của Nhà nước pháp quyền, pháp luật có vị trí tối thượng, ý thức pháp luật giữ vị trí thống trị, là ý thức xã hội chủ đạo trong hệ thống ý thức xã hội. Tuy nhiên những tàn tích của ý thức pháp luật phong kiến, tư sản chưa phải đã hoàn toàn bị xoá bỏ. Vì vậy đi đôi với việc giáo dục, hình thành ý thức pháp luật mới xã hội chủ nghĩa, việc đấu tranh để xoá bỏ những tàn dư của ý thức pháp luật cũ là một mặt quan trọng của việc hoàn thiện nền pháp luật, củng cố trật tự pháp luật trong xã hội ta.