Việc xây dựng và ban hành quyết định hành chính quy phạm thông thường qua các bước như sau: Sáng kiến ban hành, dự thảo, trình dự thảo, thông qua và truyền tải quyết định.
Bước 1: Sáng kiến ban hành quyết định, đây được coi là khâu đầu tiên của việc ra quyết định, tuy nhiên, ở khâu này còn phụ thuộc vào các loại quyết định khác nhau để có những thao tác khác nhau. Về cơ bản, giai đoạn này sẽ xác định vấn đề của quyết định, mục tiêu của quyết định, xây dựng phương án và lựa chọn phương án phù hợp nhất của quyết định.
Bước 2: Dự thảo quyết định hành chính, đây là giai đoạn tiếp theo của sáng kiến ban hành quyết định song lại là một khâu rất quan trọng, bởi lẽ ở giai đoạn này, mục đích của quyết định được thể hiện trong nội dung của dự thảo mà việc dự thảo từng loại quyết định không giống nhau. Trong quá trình soạn thảo, tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo mà cơ quan chủ trì soạn thảo bắt buộc hoặc không bắt buộc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản đó theo quy định của pháp luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến góp ý.
Bước 3: Trình dự thảo quyết định, đây là khâu đánh giá quyết định hành chính cả về hình thức lẫn nội dung, việc đánh giá này phải thuộc về chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo yêu cầu hợp pháp và hợp lý của dự thảo quyết định, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc thẩm định dự thảo, đây là bước bắt buộc đối với quyết định hành chính quy phạm. Việc đánh giá một quyết định hành chính phải dựa trên các quy định của pháp luật đối với từng loại quyết định. Việc đánh giá này kèm theo việc thông qua hoặc không thông qua quyết định, việc thông qua quyết định quản lý hành chính nhà nước phải theo đúng thủ tục (ví dụ: đối với quyết định được ban hành bởi cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung như Chính phủ, Ủy ban nhân dân thì phải được thông qua chế độ tập thể).
Bước 4: Ban hành và truyền đạt quyết định, đây là bước văn bản hóa quyết định, việc ban hành phải đảm bảo đúng thể thức, kỹ thuật trình bày, ngôn ngữ văn bản. Truyền tải quyết định về thực chất là việc đăng tải quyết định hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng một số hình thức khác như điện báo, gửi văn bản cho đối tượng thi hành, đăng công báo, v.v. nhằm thông tin đến các đối tượng thi hành. Việc đánh giá tính khả thi của quyết định phụ thuộc phần lớn vào đối tượng thi hành, mặc dù đây là bước có tính chất bổ sung cho quy trình xây dựng và ban hành quyết định nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1. Trình tự xây dựng và ban hành quyết định của Chính phủ
Chính phủ có thẩm quyền ban hành nghị quyết và nghị định, trong đó phần lớn các nghị định là quyết định hành chính có chứa đựng quy phạm pháp luật.
Theo quy định hiện hành thì bộ, cơ quan ngang bộ tự mình hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, hủ tướng Chính phủ, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân chuẩn bị đề nghị xây dựng nghị định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách trình hủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề nghị xây dựng nghị định được xây dựng trên các căn cứ sau đây: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chương trình hành động của Chính phủ; yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ cần phải điều chỉnh bằng nghị định; kết quả nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn; cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cơ quan đề nghị xây dựng nghị định có trách nhiệm tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định. Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định. Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị định; đánh giá tác động của chính sách; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị định sau khi được Chính phủ thông qua. Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định cuối cùng là tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về đề nghị xây dựng nghị định; tổng hợp, nghiên cứu, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo nghị định trước khi trình Chính phủ. Chính phủ xem xét, thông qua dự thảo nghị định, hủ tướng Chính phủ ký nghị định.
2. Trình tự xây dựng và ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo quyết định của hủ tướng Chính phủ theo sự phân công của hủ tướng Chính phủ. Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo có nhiệm vụ sau đây:
– Tổ chức tổng kết việc thi hành pháp luật; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội; nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Đánh giá tác động của từng chính sách trong dự thảo quyết định;
– Tổ chức soạn thảo dự thảo quyết định với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan; có thể huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện và năng lực vào quá trình soạn thảo;
– Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách trong dự thảo quyết định và cơ quan, tổ chức có liên quan;
– Tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của hủ tướng Chính phủ trước khi trình hủ tướng Chính phủ. Đối với dự thảo quyết định có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
3. Trình tự xây dựng và ban hành quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Bộ, cơ quan ngang bộ là những cơ quan thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước về từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Quyết định hành chính quy phạm được ban hành chủ yếu là thông tư của Bộ trưởng, hủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Bộ trưởng, hủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành thông tư; phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì phối hợp với tổ chức pháp chế, trong trường hợp tổ chức pháp chế không chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan tổ chức soạn thảo thông tư. Trong quá trình soạn thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản theo quy định của pháp luật. Đơn vị được phân công soạn thảo chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo thông tư. Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo thông tư trước khi trình Bộ trưởng, hủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bộ trưởng, hủ trưởng cơ quan ngang bộ xem xét ký ban hành thông tư.
4. Soạn thảo và ban hành các quyết định hành chính liên tịch
– Quyết định hành chính liên tịch là một loại quyết định quản lý đặc biệt, quyết định này được ban hành khi các cơ quan, tổ chức cùng nhau tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mình. Việc ban hành quyết định liên tịch sẽ làm đơn giản hoạt động triển khai thực hiện nhiệm vụ, giảm lưu lượng công việc trong hoạt động quản lý.
– Việc soạn thảo dự thảo quyết định hành chính liên tịch trước hết phải được các cơ quan hữu quan cùng nhau thảo luận để phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm tổ chức xây dựng dự thảo quyết định và lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan, sau đó tiếp tục tập hợp những ý kiến và đi đến việc chỉnh lý dự thảo. Dự thảo được thông qua khi có sự thống nhất ý kiến của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản liên tịch. Cuối cùng, những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cùng tham gia xem xét lần cuối để đi đến việc ký quyết định hành chính liên tịch.
5. Quyết định của Ủy ban nhân dân
Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung ở địa phương, đồng thời là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. heo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính và thực hiện các hành vi hành chính để thực thi quyền hành pháp ở địa phương. Ủy ban nhân dân có thẩm quyền ban hành quyết định và chỉ thị, trong đó Quyết định của Ủy ban nhân dân là văn bản quy phạm pháp luật.
Về thẩm quyền, thủ tục và trình tự ban hành các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân do pháp luật quy định.