Xác định con chung của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình là như thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Xác định con chung của vợ, chồng trước khi đăng ký kết hôn
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nếu con được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn của cha, mẹ và được chính cha, mẹ thừa nhận là con chung của vợ, chồng thì người con đó được coi là con chung của vợ chồng.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn và có con với nhau trước khi đăng ký kết hôn. Pháp luật quy định con được sinh ra trước khi đăng ký kết hôn và được cha, mẹ thừa nhận là con chung thì sẽ là con chung của vợ, chồng vì thời điểm mà chính cha, mẹ thừa nhận đứa trẻ sinh ra khi chưa đăng ký kết hôn là con chung của mình tức là cha, mẹ đã đứng ra đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho con.
Trong trường hợp cha hoặc mẹ không thừa nhận nhưng có chứng cứ để Toà án căn cứ ra quyết định xác định là con của vợ, chồng thì cũng là con chung của vợ chồng.
2. Xác định con chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, con chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (đã đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật) thuộc các trường hợp sau:
– Con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của vợ, chồng;
– Con được sinh ra do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của vợ, chồng;
Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân (như ly hôn, một bên vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên là chết).
Ngoài ra, con được cha, mẹ cùng nhận nuôi trong thời kỳ hôn nhân cũng được coi là con chung của vợ, chồng
3. Xác định con chung của vợ, chồng khi hôn nhân chấm dứt
Khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nếu con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân thì được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Quy định này xuất phát từ thực tế khoa học đã chứng minh thời kỳ mang thai của người phụ nữ thường là 9 tháng 10 ngày, pháp luật quy định giới hạn trong 300 ngày để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ và con được sinh ra đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ có thời gian sinh con muộn hơn so với thời gian trung bình.
Việc quy định có tính nguyên tắc về vấn đề xác định con chung của vợ, chồng như trên tạo ra sự ràng buộc về trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc sinh con và buộc họ phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ của mình trong thời kỳ hôn nhân, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi từ chối, đùn đẩy trách nhiệm, nghĩa vụ đối với con.
Ngoài ra, luật cũng quy định cha, mẹ có quyền không thừa nhận con nhưng họ phải có trách nhiệm chứng minh và phải do Tòa án xác định thông qua việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người không thừa nhận con.
Xem thêm: Con sinh ra sau khi ly hôn là con chung hay con riêng?