Căn cứ vào hành trình chuyên chở, vận đơn đường biển bao gồm: Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) và vận đơn chở suốt (through B/L).
1. Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) là gì?
Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) là vận đơn được cấp trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở thẳng từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng mà không có chuyển tải dọc đường. Chuyển tải có nghĩa là việc dỡ hàng xuống rồi lại bốc hàng lên từ một con tàu này sang một con tàu khác trong hành trình vận tải biển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng. Vì không có chuyển tải, nên nếu trên vận đơn có sẵn ô “transhipment” thì phải để trống, không ghi gì; do đó, khi hợp đồng thương mại hay L/C yêu cầu vận đơn đi thẳng được thể hiện bằng câu “transhipment not allowed”, mà trên vận đơn lại thể hiện cảng chuyển tải, thì vận đơn đó coi như không đáp ứng được yêu cầu của hợp đồng hay L/C. Trong trường hợp này, người bán có thể bị từ chối thanh toán giá trị hàng ghi trên vận đơn.
2. Vận đơn chở suốt (Through B/L) là gì?
Vận đơn chở suốt (through B/L) là loại vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng nhiều con tàu, bởi một hay nhiều người chuyên chở, nghĩa là hàng hoá phải chuyển tải dọc đường. Vì được chuyển tải, nên trên vận đơn chở suốt phải thể hiện là được phép chuyển tải (transhipment allowed) và phải thể hiện rõ cảng bốc, cảng dỡ và cảng chuyển tải và tên con tàu chuyển tải. Vì có nhiều người chuyên chở cùng tham gia, nên thường có một người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm về toàn bộ hành trình chuyên chở; người này được quyền cấp vận đơn chở suốt.
Nếu hàng hoá được chuyên chở bởi một hãng tàu, thì khi chuyển tải các đại lý của người chuyên chở sẽ làm thủ tục giao nhận với nhau bằng chứng từ cùng với danh mục hàng hóa (Manifest). Nếu hàng hoá được chuyên chở bởi nhiều hãng tàu khác nhau, thì khi chuyển tải, mỗi người chuyên chở cấp một vận đơn chặng (hay vận đơn địa hạt – Local B/L). Cả hai loại chứng từ này (Manifest và Local B/L) chỉ có giá trị như là biên lai giao nhận hàng hóa giữa các đại lý hay giữa những người chuyên chở với nhau, không phải là chứng từ sở hữu hàng hoá như vận đơn giao cho người gửi hàng (vận đơn chở suốt). Người gửi hàng không cần biết đến các chứng từ này vì chúng thuộc nội bộ của nghiệp vụ vận tải biển. Khi có tổn thất hàng hoá, người chủ hàng chỉ cần kiện người cấp vận đơn chở suốt. Sau đó những người chuyên chở giải quyết với nhau xem hàng bị hư hỏng ở chặng nào và ai là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng hư hỏng, mất mát của hàng hoá. Như vậy, vận đơn chở suốt dùng để điều chỉnh mối quan hệ pháp lý giữa chủ hàng và người chuyên chở cấp vận đơn chở suốt; còn vận đơn địa hạt dùng để điều chỉnh quan hệ nội bộ giữa những người chuyên chở với nhau.