1. Tranh chấp dân sự là gì?
Tranh chấp dân sự là những tranh chấp về quyền, quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, như tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền thừa kế, hợp đồng, hoặc các quan hệ pháp luật dân sự khác. Đây là các mâu thuẫn hoặc xung đột phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong lĩnh vực dân sự.
Theo quy định của pháp luật, tranh chấp dân sự thường liên quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự, và có thể được giải quyết qua các thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền phù hợp.

2. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:
STT | Loại tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án |
---|---|
1 | Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân. |
2 | Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. |
3 | Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. |
4 | Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này. |
5 | Tranh chấp về thừa kế tài sản. |
6 | Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. |
7 | Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính. |
8 | Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước. |
9 | Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng. |
10 | Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí. |
11 | Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. |
12 | Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. |
13 | Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. |
14 | Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. |
3. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo cấp
3.1. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với:
– Những tranh chấp quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Những yêu cầu quy định tại các điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Lưu ý: Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
3.2. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Căn cứ Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.
Xem thêm: Thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong tố tụng dân sự