1. Căn cứ pháp lý
Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên được quy định tại Điều 26 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.
2. Phân tích quy định về thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên
Đây là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự cuối cùng được thêm vào trong Bộ Luật hình sự này so với các Bộ Luật hình sự trước đây. Quy định rất rõ ràng, chủ thể không phải là bất cứ người nào mà phải là người trong lực lượng vũ trang nhân dân và người đó phải là người có chỉ huy hoặc cấp trên, nghĩa là điều luật sẽ không áp dụng đối với người có vị trí cao nhất.
Hành vi gây thiệt hại phải là hành vi thực hiện theo mệnh lệnh sau khi đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh. Như vậy không phải bất kỳ trường hợp nào người gây ra thiệt hại khi thực hiện theo mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên đều được loại trừ trách nhiệm mà khi và chỉ khi họ đã thực hiện việc báo cáo lại nhưng vẫn bắt buộc phải thi hành. Quy định này một mặt đảm bảo tính nguyên tắc, kỷ luật trong lực lượng vũ trang nhân dân, tính đặc thù trong mối quan hệ giữa chỉ huy, cấp trên với thuộc cấp là tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Tuy nhiên, không phải lúc nào người đưa ra mệnh lệnh cũng sáng suốt và tỉnh táo, do đó trong trường hợp thuộc cấp hoài nghi về tính đúng đắn của mệnh lệnh thì sẽ thực hiện việc báo cáo theo đúng quy trình, sau đó nếu vẫn bắt buộc phải thực hiện mệnh lệnh thì người thực hiện sẽ được loại trừ trách nhiệm và người ra mệnh lệnh mới là người chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên quy định này có 3 ngoại lệ mà người thực hiện mệnh lệnh mặc dù sau khi đã thực hiện việc báo cáo đúng quy trình vẫn không được loại trừ trách nhiệm. Đó là Khoản 2 của các Điều sau:
Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
…
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 422. Tội chống loài người
…
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 423. Tội phạm chiến tranh
…
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung