Lịch sử quá trình vận động, phát triển của xã hội đã chứng tỏ: tư duy phản biện là nhu cầu tất yếu, là công cụ không thể thiếu để chúng ta xem xét giải quyết các vấn đề đặt ra trong mọi mặt hoạt động của đời sống, là nhân tố đặc biệt quan trọng và là tiền đề cho sự phát triển.
– Trong một xã hội không ngừng biến đổi, những tri thức mới liên tục được sinh ra, những tri thức cũ liên tục được bổ sung và cải tiến, một cá nhân thiếu hụt tư duy phản biện sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu và bị xã hội tiến bộ bỏ xa.
– Khi không có tư duy phản biện, chúng ta chỉ nhìn thấy được “bề ngoài”, phần “bề nổi” của sự vật. Bằng con đường kiểm tra, phân tích, đặt câu hỏi, tìm lý lẽ và chứng cứ,… tư duy phản biện sẽ cho phép con người nhận thức đúng đắn và sâu sắc phần “bên trong”, tức nhìn thấy bản chất của sự vật. Từ đó, loại bỏ thói quen lặp lại, không suy nghĩ thấu đáo, loại bỏ những sai lầm để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình, để có những giải pháp, những quyết định đúng đắn, phù hợp và hiệu quả tác động lên đối tượng.
– Nếu chỉ biết chấp nhận một cách máy móc những cái gọi là chân lý hiển nhiên, những từ ngữ quen thuộc và sáo mòn thì tư duy của mỗi người sẽ trở nên trì trệ, lười biếng và nghèo nàn, ít có khả năng suy xét toàn diện vấn đề. Nguy hiểm hơn nó dễ dẫn người ta tới những hành vi thụ động và bản năng. Tư duy phản biện giúp chúng ta vượt ra khỏi các khuôn mẫu có sẵn, thoát khỏi những thói quen truyền thống, những định kiến, những áp đặt trong suy nghĩ để có tâm thế sẵn sàng tìm tòi, tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ cũng như phát hiện những giá trị mới từ những vấn đề cũ, phát huy óc sáng tạo khi xem xét và giải quyết vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp, đa dạng trong cuộc sống, đặc biệt là trong thế giới không ngừng biến động và khó lường như hiện nay.
– Tư duy phản biện giúp chúng ta biết lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu ý kiến người khác trước khi kết luận vấn đề, dám loại bỏ cái sai của mình và thừa nhận cái đúng của người khác. Bởi cái đúng, cái tích cực bao giờ cũng nảy sinh và phát triển lên từ quá trình đấu tranh, phủ định cái sai, cái tiêu cực. Đó là cách để cuộc sống diễn ra và phát triển theo hướng tiến bộ. Chính vì thế, văn hóa phản biện, văn hóa đối thoại là một yêu cầu không thể thiếu trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
– Không chỉ giúp loại bỏ những sai lầm để đạt tới sự hợp lý, đúng đắn trong việc lựa chọn quyết định cũng như hành động, tư duy phản biện còn giúp con người suy nghĩ theo hướng tích cực, giảm được trạng thái tâm lý buồn rầu, thất vọng, chán nản, mất lòng tin khi gặp thất bại. Tư duy phản biện thúc đẩy tái nhận thức, điều chỉnh thái độ.
Đúng như nhận định của nhà xã hội học William Graham Summer: tư duy phản biện “chính là cách tốt để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống” và “giáo dục tư duy phản biện chính là đường lối giáo dục giúp hình thành nên những công dân tốt”.
– Trong tổ chức, quản lý đời sống xã hội của một quốc gia tiến bộ, ở bất kỳ lĩnh vực nào (kinh tế, luật pháp, văn hóa, khoa học, giáo dục…) thì phản biện luôn là phương tiện không thể thiếu, là một hoạt động đương nhiên, là công cụ, là phương thức hiệu quả để điều tiết những xung đột lợi ích, tạo sự ổn định và đồng thuận xã hội, là phương thuốc hữu hiệu để ngăn chặn và chữa trị các căn bệnh như tham nhũng, quan liêu, tệ bè phái, dối trá, cơ hội… Vì thế, xây dựng và tổ chức một xã hội phản biện tốt chính là sự lựa chọn đúng đắn để kiến tạo nền dân chủ, mở đường cho sự phát triển phồn thịnh của một quốc gia. Tư duy phản biện trở thành một phần thiết yếu trong mọi mặt hoạt động của xã hội.
– Quá trình phát triển đi lên ở bất kỳ lĩnh vực nào của của đời sống là tiến trình thay thế cái sai, cái dở, cái tiêu cực, cái bất hợp lý, cái hạn chế, cái khiếm khuyết,… bằng cái đúng, cái hay, cái tích cực, cái hợp lý, cái hoàn thiện hơn,… và điều đó chỉ có thể được thực hiện dựa trên hoạt động tư duy phân tích, phản biện. Không một điều gì có thể trở thành chân lý nếu không được thực tiễn xác nhận là đúng đắn, nếu không đứng vững trước những cuộc tranh luận và phê phán, trước các câu hỏi nghi vấn cũng như những đòi hỏi phải đặt lại vấn đề. Phản biện chính là giai đoạn tranh luận nhằm làm cho các hành vi, các quyết định (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…) trở nên ít chủ quan hơn, giúp khắc phục những khiếm khuyết của các kiến tạo chính sách, thể chế, nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước. Có phản biện mới có tranh luận để tiếp cận chân lý, từ đó mới có chính sách đúng đắn. Và chỉ khi có chính sách đúng đắn thì chính sách đó mới đi vào cuộc sống và có sức sống để đứng vững trong chính cuộc sống không ngừng biến động. Về phần mình, chính sách đúng đắn sẽ có tác dụng đánh thức và giúp cho mỗi chủ thể có ý thức tự giác về vai trò của bản thân mình đối với xã hội. Khi đó, chính văn hóa phản biện đã góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát huy ý thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh. Lịch sử tiến bộ của nhân loại đã chứng minh không có tiến bộ vĩ đại nào xuất hiện nếu xã hội đó không có sự đồng hành của tư duy phản biện. Do đó, có thể nói: phản biện là động lực của sự phát triển, không có phản biện sẽ không có phát triển. Nói cách khác: phản biện và tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra và vận động theo hướng tiến bộ. Đặc biệt, đối với các hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực Luật, tư duy phản biện là cơ sở, là nền tảng quan trọng để hình thành các kỹ năng liên quan, nhất là kỹ năng lập luận, tranh luận, giải quyết vấn đề và ra quyết định. Vì vậy, tư duy phản biện được xem là “công cụ”, là “vũ khí” không thể thiếu đối với bất cứ ai gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của mình với lĩnh vực Luật. Do ảnh hưởng của điều kiện lịch sử, của các yếu tố môi trường, xã hội nên trong một thời gian khá dài xã hội Việt Nam bị áp đặt bởi tư duy nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề của giáo lý phong kiến. Hậu quả để lại trong tư duy là tầm nhìn ngắn hạn, bị chi phối bởi tâm lý đám đông và mang nặng chủ nghĩa kinh nghiệm. Những thói quen xấu vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội như thái độ chây lười trong suy nghĩ, tâm lý ỷ lại, cả tin, sĩ diện, thành kiến, bảo thủ, giáo điều, thiên vị… Đó là những sản phẩm, là hậu quả tất yếu của sự thiếu vắng tinh thần phản biện trong cuộc sống, là môi trường nuôi dưỡng, duy trì một lối sống lạc hậu, trì trệ, là trở lực ngăn cản sự phát triển và tiến bộ, cần phải sớm được loại bỏ.
Trong thời gian gần đây, cùng với sự đổi mới chung của đất nước, xã hội đã bắt đầu làm quen với tinh thần đối thoại, phản biện trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Qua báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều dự thảo chính sách khi đang còn ở giai đoạn dự định ban hành đã được mổ xẻ bởi các ý kiến phản biện đa chiều, trong đó không ít ý kiến có sức thuyết phục giúp các cơ quan có thẩm quyền không chỉ nhận ra những “vết rạn”, những “lỗ hổng” của chủ trương, chính sách để xem xét, điều chỉnh hoặc thay đổi mà còn đề xuất các hướng đi, các giải pháp để khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế. Việc tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội về các dự án như thủy điện sông Tranh, dự án Boxit Tây Nguyên, dự án tàu cao tốc Bắc – Nam, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án sây bay Long Thành,… là những minh chứng cho ảnh hưởng tích cực của cách nhìn ngoại thể, dẫn đến tác động kép: một mặt nâng cao tính hiệu quả của quá trình lập định chính sách; mặt khác, từng bước thay đổi tư duy kiến tạo chính sách, kể cả tư duy quản lý theo hướng tôn trọng quy luật khách quan, bán sát hơn những đòi hỏi và yêu cầu của thực tiễn.
Đó là những dấu hiệu tích cực cần tạo điều kiện để duy trì và phát huy nhằm làm cho nhu cầu phản biện trở thành một triết lý sống, thành đặc trưng văn hóa không thể thiếu trong xã hội.
Xem thêm: Khái quát về tư duy và tư duy phản biện