Khái niệm sức mạnh thị trường (market power) thường không được quy định trong luật cạnh tranh của các nước, tuy vậy, đây lại là khái niệm có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá xem một hành vi hay một thỏa thuận có khả năng ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh trên thị trường hay không. Một thỏa thuận hay một hành vi dù là phản cạnh tranh cũng không có khả năng tác động xấu đến cạnh tranh trên thị trường nếu doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận hay hành vi ấy không nắm giữ sức mạnh thị trường. Chẳng hạn, pháp luật cạnh tranh của các nước đều cấm việc các doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và để được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường thì doanh nghiệp đó phải có sức mạnh thị trường với những điều kiện nhất định.
1. Định nghĩa sức mạnh thị trường
Bộ Tư pháp và ủy ban thương mại công bằng của Hoa Kỳ định nghĩa sức mạnh thị trường là khả năng duy trì giá cả trên mức giá cạnh tranh trong một giai đoạn đáng kể mà vẫn thu được lợi nhuận.
Theo Hướng dẫn của Cục thương mại công bằng Anh về đánh giá sức mạnh thị trường (OFT 415) thì:
Sức mạnh thị trường phát sinh khi một doanh nghiệp không phải chịu sức ép cạnh tranh đáng kể nào… Sức mạnh thị trường có thể được hiểu là khả năng duy trì giá cả trên mức giá cạnh tranh hoặc giảm chất lượng hoặc sản lượng xuống dưới mức cạnh tranh mà vẫn thu được lợi nhuận
Có một số điều cần lưu ý khi nghiên cứu về sức mạnh thị trường như sau:
Một là cả người mua và người bán đều có thể có sức mạnh thị trường, tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn, khái niệm sức mạnh thị trường thường được sử dụng để chỉ sức mạnh của người bán. Khi đề cập sức mạnh của người mua, thuật ngữ khác sẽ được sử dụng, đó là sức*mạnh của người mua (buyer power).
Hai là cả sức mạnh thị trường và sức mạnh của người mua đều không có tính chất tuyệt đổi mà chỉ có tính chất mức độ và phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể.
Ba là ngoài khả năng duy trì giá cả trên mức giá cạnh tranh, doanh nghiệp nắm sức mạnh thị trường còn có khả năng tác động xấu đến quá trình cạnh tranh bằng nhiều cách khác như làm suy giảm tình hình cạnh tranh hiện tại, nâng cao các rào cản gia nhập thị trường hoặc làm chậm quá trình cải tiến sản phẩm… Nói cách khác, sức mạnh thị trường không chỉ giới hạn trong khả năng tăng giá lên trên mức giá cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy vậy, đây lại là cách định nghĩa được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Bốn là doanh nghiệp đơn lẻ có thể nắm giữ sức mạnh thị trường (sức mạnh đơn lẻ), trong trường hợp khác, nhóm doanh nghiệp cũng có thể đồng ý một cách công khai hoặc không công khai về việc sẽ không cạnh tranh với nhau, như vậy, nhóm doanh nghiệp cũng có thể nắm giữ sức mạnh thị trường nhóm.
2. Xác định sức mạnh thị trường
Công cụ hay được nhắc đến trong việc xác định sức mạnh thị trường là chỉ số Lemer. Chỉ số này đo sức mạnh thị trường của doanh nghiệp một cách trực tiếp bằng cách lấy giá của sản phẩm trừ đi chi phí cận biên (marginal cost – MC) của sản phẩm đó rồi chia cho giá của sản phẩm. Kết quả sẽ dao động từ 0 đến 1, chỉ số này càng cao càng (tiến về 1), chứng tỏ sức mạnh thị trường của doanh nghiệp đó càng lớn. Mặc dù chỉ số Lerner dường như là phương pháp nhanh chóng và đơn giản để xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp nhưng trên thực tế chỉ số này hầu như không được sử dụng bởi chỉ số này không phải là phương pháp hiệu quả cả về lí thuyết và thực tiễn. Về lí thuyết, chỉ số Lemer không đưa ra được mức so sánh cạnh tranh trừ mức giá trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo (khi đó mức giá cạnh tranh đúng bằng chi phí biên – MC). về mặt thực tiễn, việc xác định chi phí biên của sản phẩm vào bất kì thời điểm nào cũng không phải dễ dàng, nêu như không đo được hoặc ít nhất là ước tính một cách hợp lí được chi phí biên thì không thể tính được chỉ số này. Ngoài ra, các yếu tố ngoại lai như sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng hay chi phí đầu vào cũng có thể mang đến những thay đổi ngoạn mục. Thay vào đó, kinh nghiệm thực thi luật cạnh tranh của các nước cho thấy việc xác định sức mạnh thị trường thường bao gồm việc xem xét rất nhiều yếu tố và dữ liệu về xác định thị trường liên quan, cấu trúc thị trường, các điều kiện gia nhập thị trường hay mở rộng sản xuất, tình hình tài chính của các doanh nghiệp, sức mạnh của người mua…
2.1. Số lượng các nhà cung cấp cạnh tranh đối với cùng một sản phẩm, thị phần và mức độ tập trung
Trước hết, quan niệm cho rằng số lượng các nhà cung cấp cạnh tranh với nhau trên thị trường quyết định mức độ cạnh tranh trên thị trường ấy (tức là có càng nhiều đối thủ cạnh tranh thì sức ép cạnh tranh càng lớn) không hoàn toàn đúng. Nếu tính chất của thị trường cho phép các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau có thể thông đồng và duy trì giá cả với nhau (ví dụ trong thị trường nơi giá cả của các doanh nghiệp đều được công bố rõ ràng và công khai), khi đó, cạnh tranh sẽ bị triệt tiêu mặc dù có nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động trên thị trường; ngược lại, hai hay vài doanh nghiệp lại có thể cạnh tranh với nhau rất gay gắt trên thị trường khác. Ngoài ra, nếu việc gia nhập và rút khỏi thị trường là tương đối dễ dàng và không mấy tốn kém thì ngay cả doanh nghiệp độc quyền cũng không thể tự ý nâng giá lên trên mức giá cạnh tranh bởi lẽ khả năng có các doanh nghiệp khác sẽ gia nhập thị trường sẽ có tác dụng kiềm chế việc tăng giá này.
Thị phần cũng không phải là yếu tố duy nhất quyết định mức độ cạnh tranh trên thị trường. Khi các rào cản mở rộng sản xuất đối với các doanh nghiệp hiện có trên thị trường là thấp thì thị phần hiện tại của doanh nghiệp không phải là yếu -tố phản ánh sức mạnh thị trường của doanh nghiệp ấy. Thị phần của các doanh nghiệp càng biến động càng cho thấy thị phần của một doanh nghiệp (dù là lớn) cũng chỉ có tính chất tạm thời và cho thấy có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường ấy, tức là một doanh nghiệp có thể nắm giữ rất ít sức mạnh thị trường mặc dù có thị phần khá lớn. Tuy vậy, công cụ được sử dụng phổ biến nhất để xác định sức mạnh thị trường lại chính là thị phần hoặc mức độ tập trung trên thị trường, chẳng hạn, ủy ban châu Âu sẽ bắt đầu quan tâm đến sức mạnh thị trường của một doanh nghiệp khi doanh nghiệp này có thị phần từ 40% trở lên. Tóm lại, thị phần cao chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để xác định một (một nhóm) doanh nghiệp có nắm giữ sức mạnh thị trường hay không.
Để xác định mức độ tập trung trên thị trường, có hai công cụ được sử dụng phổ biến nhất là tỷ lệ tập trung (Concentration Ratio) và chỉ số Heríindhal-Hirschman (HHI). Tỷ lệ tập trung (CR) cho ta chỉ số thống kê đơn giản về mức độ tập trung trên thị trường. Tỷ lệ tập trung của hai doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường sẽ được viết tắt là CR2, của bốn doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường sẽ được viết tắt là CR4… và tỉ lệ này cho biết tổng thị phần của các doanh nghiệp ấy trên thị trường. Việc sử dụng tỉ lệ tập trung có hai hạn chế lớn sau đây:
Một là tỉ lệ này không phản ánh quy mô của từng doanh nghiệp liên quan. Một thị trường với 4 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp chiếm 20% thị phần, sẽ có cùng tỉ lệ tập trung của một thị trường có 4 doanh nghiệp, thị phần của mỗi doanh nghiệp lần lượt là 55%, 20%, 3% và 2% (mặc dù rất có thể mức độ cạnh tranh trên hai thị trường ấy là hoàn toàn khác nhau).
Hai là tỉ lệ này không cho biết số lượng tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan cũng như thị phần của các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Để khắc phục nhược điểm này của tỷ lệ tập trung, cơ quan cạnh tranh của các nước thường áp dụng tỉ lệ tập trung kết hợp với chỉ số HHI. Chỉ số HHI thường được sử dụng trong việc phân tích các vụ sáp nhập theo chiều ngang, chỉ số này xem xét tất cả các doanh nghiệp trong một ngành và được tính bằng tổng của bình phương thị phần của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan để xác định mức độ tập trung trên thị trường đó. Chỉ số này sẽ dao động trong khoảng từ 0 đến 10,000. Các nhà kinh tế cho rằng chỉ số HHI càng cao thì mức độ tập trung trên thị trường càng lớn (nghĩa là mức độ cạnh tranh càng thấp). Chỉ số HHI bằng 10,000 có nghĩa là một doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế độc quyền trên thị trường ấy. Trong các vụ sáp nhập, cơ quan cạnh tranh sẽ tính toán chỉ số HHI trên thị trường liên quan trước khi sáp nhập và sau khi sáp nhập, sau đó so sánh hai chỉ số này để đưa ra quyết định sơ bộ về tác động tiềm tàng của giao dịch sáp nhập đối với cạnh tranh. Các giao dịch có chỉ số HHI sau khi sáp nhập thấp (dưới 1000) thường được hưởng miễn trừ do các giao dịch này được coi là không có khả năng tạo ra hay tăng cường sức mạnh thị trường. Ngược lại, khi chỉ số HHI sau khi sáp nhập cao (trên 1800), vụ sáp nhập sẽ được coi là có khả năng tạo ra hay tăng cường sức mạnh thị trường và sẽ bị cấm trừ phi các doanh nghiệp có liên quan có thể chứng minh rằng vụ sáp nhập sẽ không có khả năng tạo ra hay tăng cường sức mạnh thị trường dựa trên dữ liệu về mức độ tập trung trên thị trường cũng như thị phần.
2.2. Rào cản gia nhập thị trường (Barriers to entry)
Các phân tích về cạnh tranh đã chỉ ra rằng khả năng gia nhập thị trường của các công ti mới sẽ tạo ra sự kiềm chế mạnh mẽ đối với hành vi cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện có, ngăn cản các doanh nghiệp này (kể cả các doanh nghiệp có thị phần cao) thực hiện sức mạnh thị trường của mình. Nếu rào cản gia nhập thị trường không đáng kể thì rất có thể các doanh nghiệp hiện có sẽ không thu được lợi nhuận từ việc tăng giá lên trên mức giá cạnh tranh bởi điều này sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và lại đẩy giá cả xuống thấp – dù là ngay lập tức hay sau một thời gian.
Rào cản gia nhập thị trường phát sinh khi một doanh nghiệp có lợi thế hơn (không hẳn là do hoạt động hiệu quả hơn) so với các doanh nghiệp tiềm năng từ việc gia nhập thị trường trước và/hoặc từ việc có được những đặc quyền (chẳng hạn về sản xuất hay phân phối) hoặc từ việc có sự ưu tiên trong việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất.
Để đánh giá về rào cản gia nhập thị trường nhất định, những yếu tố sau đây thường được xem xét:
– Chi phí chìm (sunk cost): Chi phí chìm được hiểu là những chi phí mà doanh nghiệp buộc phải bỏ ra để gia nhập thị trường nhưng lại không có khả năng thu hồi khi doanh nghiệp rút khỏi thị trường ấy, ví dụ như chi phí quảng cáo, chi phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chế tạo sản phẩm (R&D)… Doanh nghiệp mới sẽ chỉ gia nhập thị trường nếu lợi nhuận ước tính từ thị trường đó lớn hơn chi phí chìm khi gia nhập, do đó, cần xem xét mức độ mà chi phí chìm có thể làm hạn chế việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới.
– Khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào chủ chốt và các kênh phân phối: Việc gia nhập thị trường có thể bị hạn chế nếu việc tiếp cận các yếu tố đầu vào chủ chốt và các kênh phân phối khó khăn và các doanh nghiệp hiện có đang nắm giữ đặc quyền hay quyền ưu tiên đối với các yếu tố đầu vào hoặc đầu ra trong sản xuất.
– Các quy định pháp lí: các quy định pháp lí cũng có thể trở thành rào cản gia nhập thị trường (chẳng hạn, các quy định pháp lí có thể hạn chế số lượng các doanh nghiệp được hoạt động trên thị trường nhất định thông qua chế độ cấp phép của Nhà nước).
– Hiệu quả theo quy mô: Hiệu quả theo quy mô diễn ra khi chi phí bình quân giảm do sản lượng tăng. Trong thị trường nơi các doanh nghiệp hiện hành đang thu được hiệu quả theo quy mô, doanh nghiệp mới muốn gia nhập thị trường đó cũng sẽ phải mở rộng quy mô sản xuất của mình mới có thể cạnh tranh được, điều này cũng đồng nghĩa với việc làm tăng chi phí chìm cho doanh nghiệp muốn gia nhập và có thể gây ra phản ứng cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp hiện hành. Trong một số trường hợp, các yếu tố này sẽ trở thành rào cản gia nhập thị trường.
– Hiệu ứng mạng lưới (network effects): Hiệu ứng mạng lưới xảy ra khi càng có nhiều người người tham gia một mạng lưới thì mạng lưới ấy càng được người sử dụng đánh giá cao. Chẳng hạn, càng có nhiều người tham gia vào một mạng điện thoại di động thì giá trị của mạng lưới ẩy càng tăng vì người sử dụng được kết nối với nhiều người hơn trên cùng một mạng di động. Hiệu ứng mạng lưới, cũng giống như hiệu quả theo quy mô, có thể khiến việc gia nhập thị trường trở nên khó khăn hơn nếu quy mô tối thiểu để cạnh tranh được tương đối lớn so với quy mô chung của thị trường.
– Các hành vi loại bỏ cạnh tranh (exclusionary behaviour): Thuật ngữ này dùng để chỉ tất cả các hành vi phản cạnh tranh có mục đích gây hại tới tình hình cạnh tranh hiện tại hoặc trong tương lai. Bản thân các hành vi này cũng có thể đóng vai trò như những rào cản gia nhập thị trường. Chẳng hạn, các doanh nghiệp hiện tại có thể hạn chế hay cản trở việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới bằng cách đe dọa sẽ bán phá giá hàng hóa hay dịch vụ của*họ hoặc bằng cách thiết lập các hợp đồng độc quyền với hầu hết các kênh bán lẻ trên thị trường địa lí nhất định…
Việc xem xét, đánh giá rào cản gia nhập thị trường và những lợi thế chúng mang đến cho các doanh nghiệp hiện hành là công việc phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành nhiều bước khác nhau. Chẳng hạn, cần phải phỏng vấn cả các doanh nghiệp hiện hành và các doanh nghiệp tiềm năng về chi phí chìm ước tính để gia nhập thị trường, mức độ khó dễ của việc có được các yếu tố đầu vào và các kênh phân phối thiết yếu, khả năng các quy định pháp lí có thể ảnh hưởng tới việc gia nhập thị trường, chi phí tối thiểu để có thể hoạt động trên quy mô có thể cạnh tranh được, và tất cả các yếu tố khác có thể cản trở việc gia nhập thị trường.
* Rào cản mở rộng thị trường (Barriers to expansion)
Rào cản mở rộng thị trường là tất cả các yếu tố cản trở doanh nghiệp hiện hành trên thị trường có thể tăng sản lượng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Như vậy, khác với rào cản gia nhập thị trường, rào cản mở rộng sản xuất liên quan đến khả năng tạo ra sức ép cạnh tranh của cấc doanh nghiệp hiện hành trên thị trường (chứ không phải các doanh nghiệp tiềm năng) đối với một hoặc một số doanh nghiệp khác.
Nếu các doanh nghiệp hiện hành không gặp phải rào cản mở rộng thị trường đáng kể nào, các doanh nghiệp này có thể nhanh chóng đáp lại việc tăng giá của doanh nghiệp khác bằng cách tăng sản lượng và khiến cho việc tăng giá đó không còn mang lại nhiều lợi nhuận nữa.
Việc phân tích các rào cản mở rộng thị trường đóng vai trò quan trọng trong các vụ việc cạnh tranh bởi lẽ ngay cả khi rào cản gia nhập thị trường là cao thì rào cản mở rộng thị trường lại có thể thấp và vì thế sẽ thật sai lầm khi chỉ dựa vào rào cản gia nhập thị trường cao để kết luận rằng một doanh nghiệp có thị phần lớn đang nắm giữ sức mạnh thị trường. Trong trường hợp đó, cần phải nghiên cứu cả rào cản mở rộng thị trường, nếu rào cản này là thấp đối với các doanh nghiệp hiện hành thì chứng tỏ doanh nghiệp có thị phần lớn nhưng cũng không có sức mạnh thị trường. Việc phân tích rào cản mở rộng thị trường cũng được thực hiện tương tự theo cách phân tích rào cản gia nhập thị trường. Các yếu tố ảnh hưởng tới rào cản gia nhập thị trường như chi phí chìm, các quy định pháp lý, khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào chủ chốt và các kênh phân phối… cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng mở rộng thị phần và khả năng tác động tới cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện tại.
* Sức mạnh của người mua (Buyer power)
Sẽ là không đầy đủ nếu chỉ phân tích các dấu hiệu của sức mạnh thị trường từ phía các nhà cung cấp bởi vì sức mạnh của người mua cũng có thể trở thành yếu tố quan trọng để xác định việc một hay một số nhà cung cấp có đang nắm sức mạnh thị trường hay không. Khi bên mua có đủ sức mạnh thị trường làm đối trọng với sức mạnh của bên bán thì bên bán không còn khả năng tăng giá hàng hóa hay dịch vụ của mình trên mức giá cạnh tranh mà vẫn thu được lợi nhuận nữa bởi lẽ bên mua có thể đe dọa sẽ chuyển sang nhà cung cấp có mức giá thấp hơn.
Sức mạnh của người mua chịu tác động của nhiều yếu tố như: Người mua có được thông tin đầy đủ về các nguồn cung cấp thay thế hay không, người mua có dễ dàng chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp kia hay không, người mua có thể tự đứng ra sản xuất mặt hàng đó hay tài trợ cho doanh nghiệp khác sản xuất mặt hàng đó hay không, bản thân người mua đó có phải là kênh phân phối quan trọng của người bán hay không, người mua có khả năng tăng cường mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp bằng cách tổ chức đấu thầu cạnh tranh hay không…
Nếu người mua có được sức mạnh thị trường, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nếu người mua có thể đứng ra đàm phán được mức giá thấp và chuyển giao mức giá này cho người tiêu dùng. Ngược lại, việc một số người mua có sức mạnh thị trường cũng có thể gây hại cho người tiêu dùng nếu những người mua nhỏ hơn phải chịu mức giá cao hơn, mức giá đó tiếp tục được chuyển giao cho người tiêu dùng; hoặc nếu giữa người mua và người bán có sự thông đồng với nhau để duy trì mức giá cao… Do vậy, trong từng vụ việc cụ thể, cần phải phân tích cả các mối quan hệ theo chiều dọc trên thị trường để đánh giá chính xác khả năng tác động của người mua đến sức mạnh thị trường của các nhà cung cấp.
* Lợi nhuận thu được (Profitability)
Tình hình tài chính và lợi nhuận thu được của doanh nghiệp cũng có thể là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp ấy đang nắm giữ sức mạnh thị trường. Chẳng hạn, phụ thuộc vào các tình tiết khác của vụ việc, có thể suy luận một cách hợp lí rằng một doanh nghiệp giữ sức mạnh thị trường nếu doanh nghiệp ấy liên tục đưa ra mức giá rất cao hoặc thu được mức lợi nhuận lớn. Một điều cần phải lưu ý là bản thân mức giá cao hay mức lợi nhuận lớn chưa đủ để chứng minh sức mạnh thị trường của doanh nghiệp cũng như việc doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp không có nghĩa là nó không có sức mạnh thị trường. Lợi nhuận lớn rất có thể là kết quả của quá trình chấp nhận rủi ro, đổi mới sản phẩm hay khả năng quản lí kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp và cần phải được hoan nghênh trong thị trường cạnh tranh. Tuy vậy, nếu lợi nhuận lớn không phải là kết quả của một quá trình cạnh ttanh hiệu quả của doanh nghiệp thì rất có thể doanh nghiệp đó đang nắm giữ sức mạnh thị trường.
* Khả năng loại bỏ cạnh tranh (Power to exclude competitors)
Ngoài khả năng duy trì giá cả trên mức giá cạnh tranh, doanh nghiệp nắm sức mạnh thị trường còn có khả năng tác động xấu đến quá trình cạnh tranh bằng nhiều cách khác như làm suy giảm tình hình cạnh tranh hiện tại, nâng cao các rào cản gia nhập thị trường hoặc làm chậm quá trình cải tiến sản phẩm…
Trên thế giới, khái niệm khả năng loại bỏ cạnh tranh đs được nhắc tới trong cả các công trình nghiên cứu cũng như trong phán quyết của tòa án các nước. Chẳng hạn, trong vụ Du Pont, Tòa án tối cao Hoa Kỳ định nghĩa sức mạnh thị trường là khả năng kiểm soát giá cả hoặc khả năng loại bỏ cạnh tranh. Câu hỏi đặt ra là liệu có sự khác nhau thực sự giữa khả năng tăng giá trên mức cạnh tranh với khả năng loại bỏ cạnh tranh hay không bởi suy cho cùng, việc loại bỏ đối thủ cạnh tranh cũng chính là cách giảm bớt cạnh tranh trên thị trường, từ đó giúp các doanh nghiệp tăng giá. Câu trả lời là các doanh nghiệp có thể thực hiện sức mạnh thị trường của mình mà không cần phải tăng giá bằng cách loại bỏ khả năng các đối thủ cạnh tranh có thể cải tiến và cho ra đời những sản phẩm mới, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại bởi họ phải sử dụng một sản phẩm trong thời gian dài trong khi lẽ ra họ có thể mua sản phẩm mới tốt hơn (mặc dù giá của sản phẩm cũ không tăng). Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc đánh giá sức mạnh thị trường dựa trên khả năng loại bỏ cạnh tranh sẽ dễ dàng hơn là dựa trên khả năng tăng giá của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt đúng khi doanh nghiệp thực sự đã thành công trong việc loại bỏ đối thủ cạnh tranh hiện có hay đối thủ cạnh tranh tiềm năng ra khỏi thị trường, khi đó, việc phân tích khả năng tăng giá trên mức cạnh tranh có thể không còn cần thiết nữa.
3. Sức mạnh của thị trường tên tiếng Anh
“Market power”: sức mạnh của thị trường
4. Sức mạnh của thị trường được quy định trong Luật cạnh tranh
Xác định sức mạnh thị trường đáng kể được quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể:
Điều 26. Xác định sức mạnh thị trường đáng kể
1. Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
2. Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1 Điều này.
5. Ý nghĩa của sức mạnh thị trường
– Một công ty nắm giữ sức mạnh thị trường đáng kể có khả năng thao túng giá thị trường và từ đó kiểm soát tỉ suất lợi nhuận của công ty đó, và có là khả năng tăng trở ngại cho những người mới tham gia vào thị trường.
– Các công ty có sức mạnh thị trường thường được mô tả là “người tạo giá” bởi vì họ có thể thiết lập hoặc điều chỉnh giá thị trường của một mặt hàng mà không từ bỏ thị phần.
– Sức mạnh thị trường còn được gọi là sức mạnh định giá.
Do đó, điều quan trọng là sức mạnh thị trường chỉ phát sinh khi đặt trong mối quan hệ với thị trường. Sức mạnh thị trường có nghĩa rằng một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường sẽ được bảo vệ trước những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, những đối thủ bị ngăn cản không thể tham gia thị trường được.