Trong bối cảnh xã hội đa dạng ngày nay, việc phân tích “So sánh pháp luật với các quy tắc điều chỉnh xã hội khác” giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức tổ chức và điều chỉnh hành vi con người. Pháp luật, với tính chất bắt buộc và rõ ràng, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự, trong khi các quy tắc như đạo đức hay phong tục tập quán lại thể hiện những giá trị văn hóa và tinh thần. Hãy cùng khám phá mối quan hệ giữa chúng để thấy được ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày.
1. Điểm giống nhau giữa pháp luật và các quy tắc điều chỉnh xã hội khác
Pháp luật và các quy tắc điều chỉnh khác trong xã hội đều là những công cụ điều chỉnh hành vi của con người, đưa ra những quy tắc xử sự, hành vi khuôn mẫu để mọi người thực hiện đảm bảo tuân theo định hướng chung đã được đề ra.
2. Điểm khác nhau giữa pháp luật và các quy tắc điều chỉnh xã hội khác
Tuy cùng mục đích nhưng pháp luật và các quy tắc điều chỉnh khác trong xã hội cũng có những điểm khác biệt.
Các quy tắc điều chỉnh xã hội khác là các tập quán pháp, tiền lệ pháp, hương ước,… là những quan điểm, chuẩn mực đối với đời sống tinh thần, tinh thần, tình cảm của con người.
Tiêu chí | Pháp luật | Các quy tắc điều chỉnh xã hội khác |
---|---|---|
Nội dung | – Pháp luật có tính quyền lực nhà nước, bởi vì pháp luật được hình thành bằng con đường nhà nước, do nhà nước đặt ra (ví dụ như các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước), hoặc do nhà nước thừa nhận (các phong tục, tập quán, các quan niệm, quy tắc đạo đức…) nên pháp luật luôn thể hiện ý chí của nhà nước – Pháp luật được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục, động viên, khen thưởng, tổ chức thực hiện cho đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước. | – Các quy tắc khác có thể được hình thành một cách tự phát trong một cộng đồng dân cư nào đó (ví dụ như đạo đức, phong tục, tập quán, luật tục…), có thể do các tổ chức phi nhà nước đặt ra (ví dụ như điều lệ đoàn, công đoàn, giáo luật…) nên chỉ thể hiện ý chí của một cộng đồng dân cư hoặc ý chí của tổ chức phi nhà nước. – Các quy tắc đó được bảo đảm thực hiện bằng thói quen, bằng lương tâm, niềm tin của mỗi cá nhân, bằng dư luận xã hội cũng như các hình thức kỷ luật của tổ chức. |
Tính chất | – Pháp luật có tính quy phạm phổ biến, nó có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với mọi tổ chức và cá nhân có liên quan trong phạm vi lãnh thổ quốc gia – Pháp luật có tác động bao trùm lên toàn xã hội, tới mọi tổ chức và cá nhân có liên quan trong xã hội; đồng thời có tác động thường xuyên, liên tục trên toàn lãnh thổ và trong nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội. | – Các quy tắc khác cũng có tính quy phạm nhưng không phổ biến bằng pháp luật, bởi vì chúng chỉ có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với cộng đồng dân cư trong một địa phương hoặc với các hội viên trong một tổ chức – Do vậy, các quy tắc khác chỉ tác động tới một bộ phận dân cư. |
Tính hệ thống | Pháp luật có tính hệ thống, bởi vì pháp luật là một hệ thống các quy phạm để điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phát sinh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống như dân sự, kinh tế, lao động…, song các quy phạm đó không tồn tại một cách biệt lập mà giữa chúng có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau để tạo nên một chỉnh thể là hệ thống pháp luật. | Các công cụ khác có thể có tính hệ thống, ví dụ như quy định của các tổ chức phi nhà nước, song cũng có thể không có tính hệ thống, ví dự như đạo đức, phong tục, tập quán.. |
Tính xác định về hình thức | Pháp luật có tính xác định về hình thức, tức là pháp luật thường đuợc thể hiện trong những hình thức nhất định, có thể là tập quán pháp, tiền lệ pháp hoặc văn bản quy phạm pháp luật. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của pháp luật thường rõ ràng, cụ thể, bảo đảm có thể được hiểu và thực hiện thống nhất trong một phạm vi rộng. | – Các công cụ khác có thể có tính xác định về hình thức, ví dụ như điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của các tổ chức phi nhà nước, giáo luật của các tổ chức tôn giáo; cũng có thể chỉ tồn tại dưới dạng bất thành văn, lưu truyền chủ yếu theo hình thức truyền miệng nên không có tính xác định về hình thức, ví dụ như phong tục, tập quán, đạo đức… |