Trong các hoạt động mua bán của chủ thể kinh doanh có loại hình mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hành hóa. Vậy Sở giao dịch hàng hóa được hiểu là gì? Có chức năng và vai trò ra sao? Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch được quy định như thế nào? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Sở giao dịch hàng hóa là gì?
2.1. Định nghĩa Sở giao dịch hàng hóa
Sở Giao dịch hàng hóa trong tiếng Anh là mercantile exchange hoặc goods exchange.
Sở Giao dịch hàng hóa là một tổ chức có tư cách pháp nhân, cung cấp và duy trì một nơi mua bán cụ thể, có tổ chức với cơ sở vật chất kĩ thuật cần thiết để giao dịch, mua bán hàng hóa được tiêu chuẩn hóa tuân theo những quy tắc giao dịch của Sở Giao dịch hàng hóa.
Trong thị trường hàng hóa tương lai, Sở Giao dịch hàng hóa có vị trí chủ thể tổ chức và điều hành hoạt động mua bán hàng hóa. Sở Giao dịch hàng hóa tồn tại ở các nước rất đa dạng về hình thức tổ chức và cơ chế vận hàng, tuy vậy bản chất chung của Sở Giao dịch hàng hóa là “một tổ chức nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc độc lập”.
Sở Giao dịch hàng hóa là nơi thỏa thuận và kí kết những hợp đồng đã được tiêu chuẩn hóa để thực hiện việc mua bán hàng hóa giao ngay hoặc không trực tiếp giao ngay, và là nơi thỏa thuận việc mua bán quyền chọn bán và quyền chọn mua hàng hóa.
2.2. Ưu điểm của Sở Giao dịch hàng hóa
– Cung cấp và duy trì một nơi mua bán cụ thể, có tổ chức với cơ sở vật chất kĩ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hóa.
– Đưa ra các quy tắc giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa, giám sát và thực thi những tiêu chuẩn đạo đức và tài chính đối với thương nhân hoạt động kinh doanh ở Sở Giao dịch hàng hóa; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các thành viên và các giao dịch nhằm đảm bảo cho các giao dịch được vận hành lành mạnh và hiệu quả; nhờ đó, khắc phục được những bất cập trên thị trường tự do như việc không giữ đúng cam kết, không thực hiện hợp đồng của các bên mua và bán khi thấy việc thực hiện hợp đồng gây bất lợi cho mình.
– Niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm giúp các nhà đầu tư đưa ra được quyết định của mình, tránh hiện tượng đồng thổi giá trên thị trường.
2.3. Cơ cấu tổ chức của Sở Giao dịch hàng hóa
Sở Giao dịch hàng hóa là một tổ chức nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân giữ vai trò tổ chức và điều hành hoạt động mua bán hàng hóa trong thị trường hàng hóa tương lai có tổ chức. Để phục vụ cho việc mua bán hàng hóa, các Sở Giao dịch hàng hóa trên thế giới đều có các bộ phận chính sau đây:
2.4. Phân loại Sở Giao dịch hàng hóa
Căn cứ vào mặt hàng kinh doanh chính tại Sở Giao dịch hàng hóa
– Sở Giao dịch ngũ cốc
– Sở Giao dịch gia súc
– Sở Giao dịch cà phê, đường, ca cao
– Sở Giao dịch bông vải
– Sở Giao dịch năng lượng, kim loại
Căn cứ vào hình thức sở hữu Sở Giao dịch hàng hóa
– Sở Giao dịch hàng hóa sở hữu nhà nước
– Sở Giao dịch hàng hóa sở hữu tư nhân
Căn cứ vào cách thức giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa
– Sở Giao dịch hàng hóa hữu hình
– Sở Giao dịch hàng hóa điện tử
2.5. Chức năng của sở giao dịch hàng hóa
Sở giao dịch hàng hoá có các chức năng sau đây:
– Cung cấp các điều kiện vật chất – kỹ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hoá;
– Điều hành các hoạt động giao dịch;
– Niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm.
3. Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là gì?
3.1. Định nghĩa mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa
Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trong tiếng Anh là Purchase and sale of goods through the Goods Exchange.
Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hóa theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.
3.2. Đặc điểm mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa
Mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa là một phương thức mua bán hàng hóa đặc biệt. Việc mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa có những đặc thù như sau:
– Các quan hệ mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được thực hiện thông qua hình thức pháp lí và hợp đồng mua bán. Hợp đồng này được giao kết và thực hiện thông qua Sở Giao dịch hàng hóa.
– Hàng hóa được trao đổi giữa bên mua và bên bán phải là những hàng hóa được tiêu chuẩn hóa một cách cụ thể và được thực hiện theo những nguyên tắc, trình tự, thủ tục chặt chẽ.
– Việc thực hiện nghĩa vụ của các bên thường không được thực hiện vào thời điểm kí kết hợp đồng mà được thực hiện vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
– Việc mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được thực hiện theo các tiêu chuẩn, nguyên tắc và thủ tục của Sở Giao dịch hàng hóa. Sở giao dịch đóng vai trò trung gian, kết nối các bên mua và bán hình thành hợp đồng và bảo đảm thực hiện hợp đồng.
3.3. Vai trò của mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa
Thứ nhất, đối với nền kinh tế
– Các đơn vị kinh doanh, đơn vị sản xuất,… đều tận dụng mọi khả năng lợi dụng thị trường Sở Giao dịch hàng hóa để chuyển dịch những rủi ro về giá cả trong giao dịch thực tế, tránh hoặc giảm được những tổn thất do biến động giá gây nên.
– Định hướng sản xuất
– Bảo vệ nhà đầu tư
– Điều chỉnh giá cả trên thị trường
Thứ hai, đối với quản lí nhà nước
– Giúp cho các thành phần tham gia thị trường cũng như nhà nước nắm được quan hệ cung cầu và giá cả.
– Việc chuẩn hóa trên Sở giao dịch hàng hóa là một dịp thuận tiện để Nhà nước tiêu chuẩn hóa và thống nhất chất lượng hàng hóa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
– Dựa vào số liệu thống kê trên Sở Giao dịch hàng hóa, nhà nước thực hiện việc quản lí kinh tế được hiệu quả hơn.
Thứ ba, đối với xã hội
– Giảm chi phí rủi ro đối với xã hội
– Phân bổ nguồn lực trong xã hội một cách tối ưu
4. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch được quy định tại Điều 64 Luật thương mại năm 2005:
1. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
2. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.
3. Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó.
Thứ nhất, đối với hợp đồng kỳ hạn quyền và nghĩa vụ của các bên như sau:
– Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.
– Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
– Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
Thứ hai, đối với hợp đồng quyền chọn quyền và nghĩa vụ của các bên như sau:
– Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả cho việc mua quyền chọn do các bên thoả thuận.
– Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
– Bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán. Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
– Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.
5. Các hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 71 Luật thương mại năm 2005 thì đó là những hành vi sau đây:
– Nhân viên của Sở giao dịch hàng hoá không được phép môi giới, mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.
– Các bên liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Gian lận, lừa dối về khối lượng hàng hóa trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn được giao dịch hoặc có thể được giao dịch và gian lận, lừa dối về giá thực tế của loại hàng hoá trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn;
+ Đưa tin sai lệch về các giao dịch, thị trường hoặc giá hàng hoá mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa;
+ Dùng các biện pháp bất hợp pháp để gây rối loạn thị trường hàng hóa tại Sở giao dịch hàng hoá;
+ Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật