Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, tranh chấp về hợp đồng thương mại diễn ra rất phổ biến. Pháp luật hiện nay cho phép các bên có thể lựa chọn nhiều phương thức để giải quyết tranh chấp. Điều này không chỉ giúp ích cho các chủ thể trong tranh chấp mà còn giảm bớt gánh nặng cho cơ quan nhà nước.
1. Hợp đồng thương mại là gì?
Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập; thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”
Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự, được xác lập bởi hai hay nhiều chủ thể nhằm mục đích nhất định. Đây là hành vi thể hiện ý chí, thỏa thuận của các bên về các vấn đề như quyền và nghĩa vụ mỗi bên; đối tượng hướng tới của hợp đồng; mục đích của hợp đồng; giá bán; v.v. Đối tượng của hợp đồng hướng tới có thể là tài sản, hàng hóa, dịch vụ, công việc.
Trong đó, hợp đồng thương mại là một bộ phận của hợp đồng. Pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, dựa trên khái niệm về hợp đồng của Bộ luật dân sự năm 2015, có thể hiểu đây là sự thỏa thuận giữa các thương nhân (những chủ thể chính thực hiện hoạt động thương mại) nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền; nghĩa vụ trong hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp hợp đồng thương mại là gì?
Sau khi thực hiện đàm phát và đi đến thỏa thuận chung, các bên sẽ bắt đầu thực hiện hợp đồng. Đây là quá trình hiện thực hóa các công việc trong hợp đồng để đạt được mục đích mỗi bên. Tuy nhiên, quá trình trên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất đồng giữa hai bên và dẫn đến tranh chấp hợp đồng thương mại.
Có thể hiểu, tranh chấp hợp đồng thương mại là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của các bên trong quan hệ thương mại với nhau liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hay không thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng thương mại.
3. Các đặc điểm của tranh chấp hợp đồng thương mại
Mang bản chất của một tranh chấp dân sự chung, nên tranh chấp hợp đồng thương mại cũng có những đặc điểm tương tự với các hợp đồng dân sự khác như:
- Phát sinh trực tiếp từ quan hệ hợp đồng
- Mang yếu tố tài sản, vật chất và gắn liền với các lợi ích các bên trong tranh chấp;
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp là bình đẳng, thỏa thuận, tôn trọng ý chí các bên.
Ngoài ra, tranh chấp hợp đồng thương mại còn mang một số đặc điểm riêng như sau:
- Những mâu thuẫn, xung đột giữa các bên trong hợp đồng thương mại phát sinh từ hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại theo Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại năm 2005, được xác định là những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:Mua bán hàng hóa; Cung ứng dịch vụ; Đầu tư; Xúc tiến thương mại;Các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác;
- Tranh chấp về hợp đồng thương mại diễn ra chủ yếu giữa các thương nhân. Xuất phát từ chủ thể chủ yếu giao kết hợp đồng thương mại là các thương nhân; do đó, mâu thuẫn xảy ra chủ yếu giữa các thương nhân này (cá nhân kinh doanh; pháp nhân thương mại). Ngoài ra, trong những trường hợp nhất định; các cá nhân, pháp nhân khác cũng có thể là chủ thể của tranh chấp hợp đồng thương mại nếu họ có thỏa thuận lựa chọn áp dụng luật thương mại điều chỉnh hợp đồng.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Theo Điều 317 Luật Thương mại năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức sau đây để giải quyết tranh chấp về hợp đồng thương mại:
- Thương lượng giữa các bên;
- Hòa giải;
- Trọng tài;
- Tòa án.
Về cơ bản, pháp luật cho phép các thương nhân tự do lựa chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp; bởi những phương thức như trọng tài, hòa giải có rất nhiều ưu điểm mà Tòa án không có. Đồng thời, việc lựa chọn các phương thức trên giúp giảm gánh nặng cho hệ thống Tòa án.
4.1. Thương lượng
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên với nhau và không có sự can thiệp của bên thứ ba. Các bên sẽ tự thỏa thuận phương án giải quyết trên cơ sở thiện chí, tôn trọng pháp luật.
4.2. Hòa giải
Về cơ bản, hòa giải là phương thức các bên trong tranh chấp thương mại; hay tranh chấp về hợp đồng thương mại đàm phán giải quyết tranh chấp vơi sự giúp đỡ của một bên thứ ba, hay còn gọi là hòa giải viên.
Hòa giải viên sẽ hỗ trợ; giúp đỡ các bên tìm được tiếng nói chung; phân tích các vụ việc và giúp các bên tìm được giải pháp cuối cùng trên cơ sở pháp luật. Hòa giải viên không có thẩm quyền xét xử, đưa ra phán quyết như Tòa án, trọng tài.
Pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam bao gồm các nguồn sau:
- Chương XXXIII quy định về Thủ tục Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại;
- Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12; được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13.
4.3. Trọng tài
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại do các bên thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Các bên trong tranh chấp thỏa thuận đưa tranh chấp ra một cơ quan tài phán tư là Trọng tài để giải quyết. Tại đây, trọng tài viên sẽ là người xem xét và đưa ra phán quyết cho vụ việc. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm.
Đây là một phương thức giải quyết đơn giản; nhanh gọn; linh hoạt bởi được hình thành và giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, trọng tài đảm bảo được tính riêng tư; bí mật trong kinh doanh của các thương nhân
Pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam hiện nay bao gồm:
- Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
- Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định luật Trọng tài thương mại;
- Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
4.4. Tòa án
Cuối cùng, khi các bên không tự hòa giải; thương lượng thành; không có thỏa thuận đưa tranh chấp về hợp đồng thương mại ra trọng tài; các bên có thể lựa trọn giải quyết bằng biện pháp khởi kiện tài Tòa án nhân dân theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Các bên sẽ xác định thẩm quyền theo lãnh thổ; cấp xét xử hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn và tiến hành quá trình tố tụng tại tòa theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.