1. Sự có mặt của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng
1.1. Sự có mặt của người tiến hành tố tụng
– Hội đồng xét xử sơ thẩm bao gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm, trong trường hợp vụ án phức tạp có thể có 02 Thẩm phán tham gia xét xử, nhưng trong đó có 01 Thẩm phán chủ tọa và 01 Thẩm phán thành viên. Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án bắt buộc phải có mặt, nếu không phiên tòa sẽ được hoãn. Nếu có Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Tòa án dự khuyết thì có thể được thay thế mà không cần hoãn phiên tòa.
– Kiểm sát viên phải có mặt tại phiên tòa để làm nhiệm vụ thực hành quyển công tố, có thể có 02 Kiểm sát viên tham gia phiên tòa trong trường hợp vụ án phức tạp. Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Nếu có Kiểm sát viên dự khuyết thì có thể được thay thế mà không cần hoãn phiên tòa.
– Điều tra viên: để tăng cường tính tranh tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định Hội đồng xét xử được triệu tập Điều tra viên đã điều tra vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
1.2. Sự có mặt của người tham gia tố tụng
– Bị cáo: bị cáo phải có mặt tại phòng xử án trong suốt thời gian xét xử. Nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan thì bị áp giải. Nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phiên tòa được hoãn (lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan có thể là ốm đau, do công tác ở xa không vê’ kịp, do thiên tai…). Bị cáo phải chứng minh lý do vắng mặt cho Tòa án biết. Trường hợp bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đổng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp sau đây:
+ Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
+ Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
+ Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
+ Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Quy định vắng mặt của bị cáo theo hướng ngày càng được mở rộng quyển xét xử vắng mặt cho bị cáo, tuy nhiên, trong trường hợp nào được Tòa án chấp nhận thì vẫn còn tình trạng tùy nghi.
– Bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dàn sự, người có quyển lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ: Những người này không phải là đối tượng bị buộc tội, mà là những đương sự tham gia vào vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do vậy, tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh nhân thân và tình tiết vụ án cụ thể mà Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hay không. Nếu xét thấy sự vắng mặt của họ làm ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện của vụ án thì Hội đồng xét xử có thể hoãn phiên tòa để tiếp tục mời họ đến phiên tòa. Ví dụ đương sự đã khắc phục, bổi thường xong phần dân sự, hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử có thể tiếp tục xét xử. Nếu thấy sự vắng mặt của họ chỉ gây trở ngại choviệc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự.
– Người làm chứng: người làm chứng phải có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa. Nếu cần có mặt của người làm chứng để khai báo về những vấn đề quan trọng mà họ vắng mặt thì tùy trường hợp Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc để hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử. Nếu họ đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố lời khai, trong trường hợp xét xử vắng mặt người làm chứng. Trường hợp họ đã được Tòa án triệu tập nhưng cố ý không đến mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đổng xét xử có thể quyết định dẫn giải. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp chịu trách nhiệm dẫn giải theo thủ tục tố tụng.
– Người bào chữa: người bào chữa có hai đối tượng.
Một là, bào chữa theo hợp đồng: người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa:
+ Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đổng ý xét xử vắng mặt người bào chữa;
+ Trường hợp người bào chữa vắng mặt không vì lý do nêu trên, hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Trường hợp này không cần hỏi và không phụ thuộc vào ý kiến của bị cáo.
Lưu ý là thủ tục tố tụng cho phép người bào chữa gửi trước bản bào chữa đến Tòa án.
Hai là, người bào chữa chỉ định theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (còn gọi là bào chữa bắt buộc, hay bào chữa do Nhà nước cử), bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa. Nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo, người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
– Người giám định, người định giá tài sản; người phiên dịch, người dịch thuật: những người này có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa, nếu họ vắng mặt thì tùy vào trường hợp mà Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Ví dụ như họ đã có văn bản giải thích, làm rõ kết luận giám định, định giá tài sản thì có thể tiếp tục xét xử vụ án. Riêng người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì phải hoãn phiên tòa cho đến khi họ có mặt hoặc cơ quan có thẩm quyền cử người khác thay thế.
Về căn cứ, thời hạn, thẩm quyền hoãn phiên tòa được thực hiện theo Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
– Những người khác: để tăng cường tính tranh tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định Hội đồng xét xử được triệu tập những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
2. Giới hạn của việc xét xử
Giới hạn của xét xử nghĩa là Tòa án chỉ được xét xử trong phạm vi, giới hạn người, tội danh và khung hình phạt do Viện kiểm sát truy tố, hoặc Tòa án có quyền xét xử cả trường hợp tội danh và khung hình phạt khác so với cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố, nhưng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện do luật định, mà không được tùy tiện.
Tố tụng hình sự Việt Nam đặt ra giới hạn xét xử cho Tòa án ở các trường hợp:
– Một là, Tòa án không được xét xử người mà không được Viện kiểm sát truy tố;
– Hai là, Tòa án có quyền xét xử tội bằng hoặc nhẹ hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố;
– Ba là, Tòa án có quyền xét xử khung hình phạt nặng hơn hoặc nhẹ hơn khung hình phạt Viện kiểm sát đã truy tố;
– Bốn là, Tòa án vẫn có thể xét xử tội nặng hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố, nhưng phải trao đổi và đề nghị Viện kiểm sát xem xét lại hồ sơ để truy tố lại theo hướng tội danh nặng hơn, sau đó Tòa án mới quyết định xét xử.
Đặt ra giới hạn của việc xét xử là nhằm bảo đảm cho chức năng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân, và yêu cầu Tòa án phải tuân thủ những giới hạn, phạm vi trong việc xác định tội danh, khung hình phạt áp dụng, tránh lạm quyền, tùy tiện. Hơn thế nữa, mục đích bao trùm của giới hạn xét xử là bảo đảm xét xử công bằng trong tố tụng hình sự. Tòa án không thể xét xử tùy tiện một người nếu như người này không bị truy tố, và không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.