1. Tổ chức lại tổ chức tín dụng
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Tổ chức tín dụng được tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Nội dung quy định về tổ chức lại tổ chức tín dụng được quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 quy địnhviệc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng và biện pháp này hiện đang được sử dụng như một trong những công cụ hữu hiệu để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay46. Tuy nhiên, khi thực hiện các giải pháp này cần quan tâm đến quy định của pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh.
2. Giải thể tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể trong các trường hợp sau đây:
– Tự nguyện xin giải thể nếu có khả năng thanh toán hết nợ và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;
– Khi hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;
– Bị thu hồi Giấy phép.
3. Phá sản tổ chức tín dụng
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
4. Thanh lý tài sản tổ chức tín dụng
Trong trường hợp tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản, việc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Khi giải thể theo quy định tại Điều 154 của Luật các Tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phải tiến hành thanh lý tài sản dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và theo trình tự, thủ tục thanh lý tài sản do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt thanh lý và yêu cầu tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng quy định tại Điều 155 của Luật các Tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng bị thanh lý có trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản.