Kinh tế chính trị và các khoa học kinh tế khác có quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Ngoài kinh tế chính trị ra, rất nhiều khoa học kinh tế khác đều nghiên cứu các quy luật về sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải xã hội, nhưng lại có sự khác nhau về mục tiêu, phạm vi nghiên cứu và phương pháp tiếp cận.
Kinh tế chính trị nghiên cứu toàn diện và tổng hợp quan hệ sản xuất trong sự tác động qua lại với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng, nghiên cứu quá trình sản xuất của cải vật chất nhưng không phải sản xuất của những đơn vị, cá nhân riêng biệt mà là nền sản xuất có tính chất xã hội, có tính chất lịch sử. Kinh tế chính trị đi sâu vào các mối liên hệ bản chất bên trong của các hiện tượng và quá trình kinh tế, vạch ra các quy luật chung của sự vận động của một phương thức sản xuất nhất định. Còn các môn khoa học kinh tế khác chỉ nghiên cứu trong phạm vi của từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế cụ thể, nó dựa trên những nguyên lý, quy luật mà kinh tế chính trị nêu ra để phân tích những quy luật vận động riêng của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.
Kinh tế chính trị có ưu thế về phát hiện các nguyên lý cơ bản, các quy luật kinh tế chung, còn các môn kinh tế khác lại có ưu thế về phân tích các hiện tượng kinh tế cụ thể của từng ngành, những hiện tượng kinh tế diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Kinh tế chính trị là cơ sở cho các khoa học kinh tế khác nhau còn các khoa học kinh tế cụ thể bổ sung, cụ thể hoá, làm giàu thêm những nguyên lý và quy luật chung của kinh tế chính trị.