Mục đích của nhà tư bản ứng ra một số tiền mua tư liệu sản xuất và sức lao động là để tạo ra giá trị thặng dư.
Quá trình nhà tư bản tiêu dùng hàng hóa sức lao động và tư liệu sản xuất để sản xuất giá trị thặng dư có hai đặc điểm: một là, công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản; hai là, sản phẩm làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản.
Làm thế nào nhà tư bản có được giá trị thặng dư?
Giả sử, để chế tạo ra 1 kg sợi, nhà tư bản phải ứng ra số tiền 20 ngàn đơn vị tiền tệ mua 1 kg bông, 3 ngàn đơn vị cho hao phí máy móc và 5 ngàn đơn vị mua sức lao động của công nhân điều khiển máy móc trong 1 ngày (10 giờ). Giả định việc mua này đúng giá trị, mỗi giờ lao động sống của công nhân tạo ra giá trị mới kết tinh vào sản phẩm là 1000 đơn vị.
Trong quá trình sản xuất, bằng lao động cụ thể, công nhân sử dụng máy móc để chuyển 1 kg bông thành 1 kg sợi, theo đó giá trị của bông và hao mòn máy móc cũng được chuyển vào sợi. Giả định chỉ trong 5 giờ công nhân đã kéo xong 1 kg bông thành 1 kg sợi, thì giá trị 1 kg sợi được tính theo các khoản như sau:
+ Giá trị 1 kg bông chuyển vào | = 20.000 đơn vị |
+ Hao mòn máy móc | = 3.000 đơn vị |
+ Giá trị mới tạo ra (trong 5 giờ lao động, phần này vừa đủ bù đắp giá trị sức lao động) | = 5.000 đơn vị |
Tổng cộng | = 28.000 đơn vị |
Nếu quá trình lao động ngừng ở đây thì nhà tư bản chưa có được giá trị thặng dư.
Thời gian lao động (5 giờ) mà người công nhân tạo ra một lượng giá trị ngang với giá trị sức lao động của mình gọi là thời gian lao động tất yếu và lao động trong khoảng thời gian ấy gọi là lao động tất yếu.
Nhưng nhà tư bản đã mua sức lao động trong 1 ngày với 10 giờ, chứ không phải 5 giờ (Hợp đồng lao động giữa nhà tư bản và công nhân tính theo ngày công 10 giờ nên nhà tư bản có quyền sử dụng sức lao động của công nhân
trong 10 giờ). Trong 5 giờ lao động tiếp, nhà tư bản chi thêm 20.000 đơn vị để mua 1 kg bông và 3.000 đơn vị hao mòn máy móc và với 5 giờ lao động sau, người công nhân vẫn tạo ra 5.000 đơn vị giá trị mới và có thêm 1 kg sợi với giá trị 28.000 đơn vị. Tổng số tiền nhà tư bản chi ra để có được 2 kg sợi sẽ là:
+ Tiền mua bông: 20.000 x 2 | = 40000 đơn vị |
3.000 x 2 | = 6.000 đơn vị |
+ Tiền lương công nhân sản xuất cả ngày (trong 10 giờ, tính theo đúng giá trị sức lao động) | = 5.000 đơn vị (Tổng cộng = 51.000 đơn vị) |
Tổng giá trị của 2 kg sợi là: 2 kg x 28000 = 56.000 đơn vị và như vậy, lượng giá trị thặng dư thu được là: 56.000 – 51.000 = 5.000 đơn vị.
Thời gian lao động (5 giờ) để tạo ra giá trị thặng dư gọi là thời gian lao động thặng dư, và lao động trong thời gian ấy gọi là lao động thặng dư.
Từ thí dụ trên đây ta kết luận:
Giá trị thặng dư là một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không. C. Mác viết: “Bí quyết của sự tự tăng thêm giá trị của tư bản quy lại là ở chỗ tư bản chi phối được một số lượng lao động không công nhất định của người khác”. Sở dĩ nhà tư bản chi phối được số lao động không công ấy vì nhà tư bản là người sở hữu tư liệu sản xuất.
Việc nhà tư bản chiếm đoạt giá trị thặng dư do quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra gọi là bóc lột giá trị thặng dư.