Xuất phát từ bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp và tính xã hội mà pháp luật vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan.
1. Pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.
2. Phân tích tính chủ quan và khách quan của pháp luật
2.1. Tính chủ quan
– Vì: pháp luật do nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của nhà nước, ý chí của giai cấp, lực lượng cầm quyền trong xã hội.
– Pháp luật thể hiện ý chí chủ quan của nhà làm luật.
– Nhà làm luật cũng là các chủ thể chịu sự tác động của sự vận động xã hội, có khả năng nhận thức được mức độ tác động của quá trình vận động ấy để từ đó đưa ra quyết định về sự thay đổi của hệ thống pháp luật.
– Nhà làm luật là người trực tiếp quyết định có cần ban hành quy phạm pháp luật và ban hành như thế nào để điều chỉnh quan hệ xã hội nào đó hay không dựa trên nhận thức và niềm tin của họ.
– Pháp luật được tạo ra tốt hay xấu, có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào trình độ cũng như nhận thức của nhà làm luật.
– Pháp luật được ban hành ra phải phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị.
2.2. Tính khách quan
– Vì: pháp luật sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của đời sống xã hội khi xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định.
– Pháp luật phản ánh sự phát triển khách quan của xã hội.
– Khi xã hội có biến động về kinh tế, văn hóa,… thì các mối quan hệ xã hội cũng sẽ biến đổi theo (các quan hệ cũ mất đi, quan hệ mới ra đời,…). Sự thay đổi của các mối quan hệ này sẽ tác động đến nội dung, hình thức, cơ cấu của hệ thống pháp luật. Các quy phạm pháp luật lạc hậu, không phù hợp sẽ mất đi, thay vào đó là các quy phạm pháp luật mới, phù hợp sẽ ra đời.
VD: Năm 1998, thị trường chứng khoán xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2007, Luật chứng khoán được ban hành. Có thể thấy, chính sự phát triển của kinh tế, sự du nhập của một lĩnh vực mới trong kinh tế, đã tác động đến việc đòi hỏi phải có luật mới ra đời để điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực ấy.
3. Biện pháp ngăn ngừa duy ý chí trong xây dựng pháp luật
– Cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức của các nhà làm luật. Các nhà làm luật cần có cái nhìn toàn diện, bao quát, có tư duy khoa học biện chứng.
– Cần chống lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng, ý chí chủ quan.
– Cần đề cao ý thức dân chủ, phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng pháp luật. Cần tổ chức lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu tác động của các dự luật về các dự thảo luật.
– Trong quá trình xây dựng pháp luật, phải thành lập hội đồng thẩm định và đánh giá.
– Cần tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia trong các lĩnh vực mà luật điều chỉnh.
– Cần có sự giao lưu, học hỏi, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu với các chuyên gia nước ngoài.