Trại giam là nơi giam giữ những người bị kết án theo bản án có hiệu lực của pháp luật. Những điều cần biết về trại giam, nội quy trại giam mới nhất được chúng tôi chia sẻ qua bài viết sau đây, mời bạn đọc theo dõi.
1. Nội quy trại giam mới nhất
Theo Điều 2 Thông tư 17/2020/TT-BCA Ban hành nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, trại giam là các gọi chung của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Trong đó, trại giam là nơi phạm nhân thực hiện thi hành hình phạt tù có thời hạn và hình phạt chung thân; trại giam và nhà giam giữ được hiểu là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị giam giữ tạm giữ.
Nội quy trại giam theo Thông tư 17/2020/TT-BCA bao gồm 3 phần bao gồm:
+ Nội quy đối với phạm nhân;
+ Nội quy người đến thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
+ Nội quy đối với người đến làm việc.
* Điều 1 Nội quy “Cơ sở giam giữ phạm nhân” kèm theo Thông tư 17/2020/TT-BCA quy định các nội quy phạm nhân phải chấp hành trong trại giam như sau, tiêu biểu có các quy định sau:
– Tuân thủ mệnh lệnh và sự hướng dẫn, chỉ đạo từ cán bộ trại giam;
– Thực hiện nghiêm chỉnh việc nhận lỗi, ăn năn hối cải, thực hiện tự tu dưỡng để sửa chữa lỗi lầm;
– Tuân thủ đúng các quy định về thời gian, hiệu lệnh, lễ tiết trong sinh hoạt, học tập, giải trí. Chấp hành việc kiểm tra, điểm danh hàng ngày. Đi lại ra vào cổng phải thực hiện các quy định về trang phục và báo cáo.
– Nằm đúng vị trí được sắp xếp, ngủ nghỉ theo thời gian quy định, giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi công cộng;
– Ngôn ngữ giao tiếp là Tiếng Việt (trừ phạm nhân là người nước ngoài hoặc người dân tộc thiểu số);
– Tuân thủ các quy định về đồ dùng;
– Tuân thủ các quy định trong quá trình lao động, học nghề;
– Không thực hiện các hành vi bị cấm theo khoản 2 Điều 1 Nội quy trại giam
* Đối với người đến thăm gặp hoặc tiếp xúc lãnh sự, phải tuân thủ các nội quy sau:
– Chấp hành nghiêm túc nội quy khu vực cấm;
– Trang phục lịch sử, xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định;
– Không tự ý tiếp xúc phạm nhân, hoặc đưa cho phạm nhân những vật dụng bị cấm;
– Nghiêm cấm cho phạm nhân sử dụng các thiết bị điện thoại, thiết bị thông tin liên lạc, ghi âm ghi hình; quay chụp, ghi âm ghi hình tại khu vực cấm;
– Không được có thái độ cử chỉ, hành động thiếu văn hóa, xúc phạm cán bộ trại giam và những người khác;
– Không lợi dụng việc thăm gặp để xúi giục, lôi kéo, kích động gây mất an ninh, trật tự;
* Đối với người đến làm việc hoặc phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục
– Về trang phục: sử dụng trang phục theo quy định của Ngành hoặc ăn mặc lịch sự, gọn gàng; xuất trình đầy đủ giấy tờ;
– Chấp hành các quy định về chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo; khi muốn ủng hộ vật chất phải thông qua cán bộ quản lý, không tự ý đưa đồ vật thuộc danh mục cấm cho phạm nhân;
– Không tự ý tiếp xúc phạm nhân, vào khu vực của phạm nhân;
– Không đưa hoặc cho người khác sử dụng các thiết bị liên lạc khi tiếp xúc phạm nhân; Việc sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc, quay chụp, ghi âm, phỏng vấn phải làm theo hướng dẫn của cơ sở trại giam;
Trên đây là những nội quy cơ bản phải tuân thủ khi vào trại giam.
2. 10 điều nếp sống văn hóa của phạm nhân
Trại giam là nơi cải tạo, giúp người phạm tội nhận thức đúng đắn về quy định pháp luật, giáo dục trở thành con người lương thiện. Trong môi trường quy củ như vậy, các cán bộ trại giam luôn cố gắng xây dựng nếp sống văn hóa cho phạm nhân với những quy định chung để mọi người chấp hành. Dưới đây là 10 điều về nếp sống văn hóa của phạm nhân:
(1) Chấp hành và tuân thủ nghiêm sự quản lý, kiểm tra, điểm danh, kiểm diện hằng ngày;
(2) Nhanh chóng xếp hàng theo đội (tổ), mặc quần áo gọn gàng và giữ trật tự khi có lệnh tập hợp;
(3) Ra vào công trại giam, phạm nhân phải bỏ mũ, nón và cầm ở tay phải, báo cáo rõ họ, tên, đội /tổ với cán bộ quản lý. Nếu đi theo đội/tổ thì đi hàng đôi; cầm mũ, nón ở tay phải đối với hàng đi bên phải, cầm mũ, nón ở tay trái đối với hàng đi bên trái; Đội (tổ) trưởng phạm nhân phải báo cáo rõ tên đội (tổ), số người với cán bộ quản lý.
(4) Nằm đúng nơi quy định, ăn ngủ nghỉ đúng giờ, đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi công cộng;
(5) Khi giao tiếp chỉ dùng tiếng Việt (trừ người nước ngoài và người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt);
(6) Phạm nhân xưng hô với cán bộ là “tôi” và “cán bộ”, với khách đến thăm hoặc làm việc là “tôi” và “quý khách”; trong học tập, lao động, học nghề, hội nghị, hội thao, sinh hoạt tập thể….. xưng hô với nhau là “tôi”, “anh” hoặc “chị”. Ngoài những trường hợp trên, tùy theo lứa tuổi hoặc quan hệ gia đình, họ hàng mà xưng hô, giao tiếp, ứng xử với nhau cho phù hợp.
(7) Khi gặp cán bộ hoặc khách, phạm nhân phải đứng nghiêm cách xa từ 5m đến 7m, bỏ mũ, nón, cầm ở tay phải và nói: “Chào cán bộ” hoặc “chào quý khách”. Nếu đi thành đội (tổ) thì Đội (tổ) trưởng phạm nhân hô tất cả đứng nghiêm, bỏ mũ, nón, cầm ở tay phải và thay mặt đội/tổ “chào cán bộ” hoặc “chào quý khách”.
(8) Chăn, màn, chiếu, khăn mặt, quần áo, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân phải được gấp, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, để và phơi đúng nơi quy định.
(9) Khi ra ngoài công trại giam hoặc khi tiếp xúc người thân, khách hoặc người ngoài thì phạm nhận phải mặc quần áo dài gọn gàng, sạch sẽ. Phạm nhân nam phải cắt tóc ngắn, nữ phải để tóc gọn gàng.
(10) Lao động, học nghề đúng nơi quy định, chấp hành nghiêm kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động
3. Phạm nhân vi phạm nội quy trại giam xử lý thế nào?
Các phạm nhân luôn phải chấp hành nghiêm túc các nội quy của trại giam. Trường hợp phạm nhân vi phạm nội quy trại giam sẽ thì sẽ có các hình thức xử lý từ nhẹ đến nặng nhằm răn đe và giáo dục phạm nhân, giúp cho việc thực hiện nội quy luôn được đảm bảo.
Theo điều 43 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định, trường hợp vi phạm nội quy trại giam sẽ bị xử lý kỷ luật theo 3 hình thức là:
– Khiển trách;
– Cảnh cáo;
– Giam tại buồng giam kỷ luật đến 10 ngày;
Trong trường hợp, hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì Giám thị trại giam có thể tự khởi tố hoặc đề nghị khởi tố để điều tra.