Trong quan hệ thừa kế, những người là vợ, chồng, con của người chết hoặc những người được chỉ định trong di chúc là những người được hưởng thừa kế của người chết. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp họ đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình, có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, xâm phạm đến danh dự, uy tín, tính mạng, sức khỏe của bố, mẹ, anh, em, vợ, chồng… Người có những hành vi như vậy không xứng đáng được hưởng di sản của người để lại thừa kế.
Kế thừa tập quán đó, khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về những người không được quyền hưởng di sản gồm:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí người để lại di sản.
Nguyên tắc của pháp luật dân sự phải tôn trọng đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Những người có những hành vi trên không còn xứng đáng hưởng di sản của người đã chết bởi những hành vi đó không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, quyền lợi của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến danh dự của gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người có các hành vi trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho ho hưởng di sản theo di chúc.
Xem thêm: Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm những ai?