Ngày nay, nhu cầu học lên thạc sĩ ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, người có bằng tại chức có được học thạc sĩ không vẫn đang là thắc mắc của nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể.
1. Người có bằng tại chức có được học thạc sĩ không?
Hiện nay, học tại chức là một thuật ngữ không còn quá xa lạ. Đây là chương trình học dành cho những người đã đi làm nhưng có nhu cầu tiếp tục học để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ.
Như vậy, bằng tại chức được hiểu là loại bằng cấp cho người theo học chương trình vừa học, vừa làm nếu người này đáp ứng đầy đủ các điều kiện tốt nghiệp của chương trình học.
Do đó, người có bằng tại chức hoàn toàn được học thi lên thạc sĩ như bình thường.
2. Vừa học đại học vừa học thạc sĩ được không?
Căn cứ Điều 4 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ như sau:
1. Người học được xem xét công nhận và chuyển đổi tín chỉ của một số học phần khi đã học một chương trình đào tạo thạc sĩ khác hoặc đã tốt nghiệp một chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Số tín chỉ được công nhận và chuyển đổi không vượt quá 30 tín chỉ.
2. Sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.
…
Như vậy, nếu đang học chương trình đại học mà có học lực xếp từ loại khá trở lên và đáp ứng một số điều kiện đặc thù do cơ sở giáo dục quy định thì sinh viên hoàn toàn có thể đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý:
– Sinh viên phải đăng ký học chương trình đào tạo thạc sĩ cùng với nơi theo học chương trình đào tạo đại học;
– Số tín chỉ được đăng ký học sẽ bị giới hạn là không quá 15 tín chỉ.
3. Điều kiện để được học thạc sĩ
Theo Điều 5 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định đối tượng và điều kiện dự tuyển như sau:
Thứ nhất, về trình độ chuyên môn: Đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu;
Thứ hai, điều kiện về ngoại ngữ: Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể, người học phải có một trong các loại bằng cấp sau đây:
– Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;
– Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do chính cơ sở đào tạo cấp trong thời gian không quá 02 năm mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
– Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Thứ ba, các điều kiện khác: Ngoài hai điều kiện cơ bản nêu trên, người học cần phải đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.
Lưu ý:
– Nếu người học thạc sĩ là công dân nước ngoài thì phải đạt trình độ tiếng Việt từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) mà chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Việt; đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai theo quy định của cơ sở đào tạo (nếu có).
– Đối với chương trình đào tạo được dạy và học bằng tiếng nước ngoài, ứng viên phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, cụ thể khi có một trong những văn bằng, chứng chỉ sau đây:
+ Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy;
+ Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ của ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy đạt trình độ tương đương Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.