Vấn đề phòng cháy chữa cháy luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi những thiệt hại do cháy nổ gây ra thường rất lớn. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề phòng cháy chữa cháy, đã từ lâu Đảng và Nhà nước ta chú trọng và ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động này, trong đó việc quan trọng là đầu tư ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Sau đây, LawFirm.Vn sẽ cụ thể nội dung đó qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. (khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015)
2. Ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại Điều 55 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi 2013 thì:
– Nhà nước bảo đảm ngân sách cần thiết hàng năm để đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
– Nhà nước cấp ngân sách hoạt động phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước.
Trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hàng năm của Ủy ban nhân dân các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy và chữa cháy.
– Đối tượng không thuộc quy định phải tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý:
Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì: Cơ quan, tổ chức không thụ hưởng ngân sách nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nước ngoài đóng trên lãnh thổ Việt Nam tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
3. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:
– Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Hàng năm, Bộ Công an lập kế hoạch ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy và giao Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện; Ủy ban nhân dân các cấp phải lập kế hoạch ngân sách bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của địa phương.
– Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho các nội dung sau:
+ Hoạt động thường xuyên của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
+ Trang bị, đổi mới và hiện đại hóa phương tiện phòng cháy và chữa cháy và cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu khoa học và công nghệ về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
– Nội dung chi cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của Ủy ban nhân dân các cấp bao gồm:
+ Hỗ trợ xây dựng, cải tạo và sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, đổi mới, hiện đại hóa phương tiện phòng cháy và chữa cháy và cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đóng trên địa bàn;
+ Hoạt động thường xuyên của lực lượng dân phòng; hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng;
+ Mua sắm thiết bị bảo hộ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở thuộc cơ quan tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước.
Kết luận: Trên đây là nội dung về ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy qua Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.