1. Khái niệm năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Cá nhân là chủ thể đầu tiên của các quan hệ xã hội, là “tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Cá nhân – con người là trung tâm của các chính sách kinh tế, xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện với mục đích phục vụ con người, vì con người. Trong các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân mà luật dân sự điều chỉnh thì cá nhân là chủ thể nguyên sinh, đầu tiên và các chủ thể khác tham gia vào các quan hệ dân sự cũng thông qua hành vi của con người. Để tham gia vào quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng, cá nhân phải có tư cách chủ thể để tham gia vào các quan hệ dân sự. Đây là năng lực chủ thể được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và có nghĩa vụ dân sự (khoản 1 Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng, là tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân có quyền, có nghĩa vụ; là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.
2. Đặc điểm của năng lực pháp luật của cá nhân
– Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được Nhà nước ghi nhận trong các văn bản pháp luật mà nội dung của nó phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội; vào hình thái kinh tế – xã hội tại thời điểm lịch sử nhất định.
Mặc dù được ghi nhận như là một bộ phận không thể thiếu được của cá nhân, như là một thực thể trong các quan hệ xã hội, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không phải do tạo hoá ban cho như những nhà chính trị, triết học tư sản thường suy diễn và kết luận, mà do nhà nước ghi nhận và quy định cho công dân của nhà nước đó. Bởi vậy, năng lực pháp luật dân sự của công dân mang bản chất giai cấp. Đã có thời kì một nhóm người sinh ra không phải là chủ thể của các quan hệ xã hội mà là khách thể của các quan hệ đó, là công cụ biết nói (một bộ phận trong xã hội chiếm hữu nô lệ – nô lệ). Vì vậy, ở những hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, năng lực pháp luật dân sự cũng được quy định khác nhau.
Trong cùng một hình thái kinh tế – xã hội nhưng ở những nước khác nhau thì năng lực pháp luật dân sự của công dân cũng khác nhau, thậm chí khái niệm về quyền dân sự cũng khác nhau (năng lực pháp luật dân sự của công dân Cộng hoà Pháp khác với năng lực pháp luật dân sự của công dân Vương quốc Anh...).
Trong cùng một nước, cùng một hình thái kinh tế – xã hội, vào những thời điểm lịch sử khác nhau thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân cũng được quy định khác nhau. Điều này phụ thuộc vào đường lối, chính sách của giai cấp thống trị trong xã hội đó mà nội dung phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị tồn tại trong xã hội vào thời điểm lịch sử đó.
Ví dụ: Trước năm 1980, cá nhân có quyền sở hữu đất đai; từ năm 1980 đến năm 1992, cá nhân không có quyền sở hữu đối với đất đai; từ năm 1992, cá nhân có quyền chuyển dịch quyền sử dụng đất và các quyền năng đó được mở rộng sau khi có Luật đất đai năm 2013 và Bộ luật dân sự năm 2015.
– Mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật, khoản 2 Điều 16 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau”. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế bởi bất cứ lí do nào (độ tuổi, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, dân tộc...). Mọi cá nhân công dân đều có khả năng hưởng quyền như nhau và gánh chịu nghĩa vụ như nhau.
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không đồng nghĩa với quyền dân sự chủ quan của cá nhân mà chỉ là tiền đề để cho công dân có các quyền dân sự cụ thể. Tuy nhiên, chủ thể không có khả năng hưởng quyền thì cũng không thể có quyền dân sự cụ thể được.
Có ý kiến cho rằng năng lực pháp luật dân sự của công dân không thể bình đẳng với lí do năng lực pháp luật bao gồm cả quyền và nghĩa vụ. Cho nên, công dân chỉ bình đẳng về khả năng hưởng quyền mà không bình đẳng về việc gánh chịu nghĩa vụ (như người không có năng lực hành vi không phải bồi thường thiệt hại…). Nhìn về hình thức có thể thấy được cơ sở của ý kiến trên nhưng như trên đã trình bày, năng lực pháp luật dân sự chỉ là khả năng hưởng quyền và nghĩa vụ. Những người không có năng lực hành vi dân sự không phải thực hiện nghĩa vụ nhưng nghĩa vụ về mặt pháp lí vẫn là của họ và người khác phải thực hiện các nghĩa vụ thay họ (cha, mẹ, người giám hộ). Mặt khác, theo lí luận của quan điểm này và với logic thông thường thì ngay cả các quyền cũng không bình đẳng. Ví dụ: Người không có năng lực hành vi không có cả quyền tạo lập nghĩa vụ thông qua hợp đồng, không có quyền làm đại diện…
– Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân do Nhà nước quy định cho tất cả cá nhân nhưng Nhà nước cũng không cho phép công dân tự hạn chế năng lực pháp luật của chính họ và của cá nhân khác. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là thuộc tính nhân thân của chủ thể và không thể dịch chuyển cho chủ thể khác. Điều 18 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không thể bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định”. Như vậy, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật. Có hai dạng bị hạn chế sau: ”
+ Văn bản pháp luật chung quy định một loại người nào đó không được phép thực hiện các giao dịch dân sự cụ thể.
Ví dụ: người nước ngoài không có quyền sở hữu về nhà ở nên không được phép mua bán nhà ở tại Việt Nam, trừ trường hợp luật có quy định khác..
+ Quyết định đơn hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ: toà án ra quyết định cấm cư trú đối với một người nào đó đã hạn chế năng lực pháp luật cụ thể của người đó trong khoảng thời gian xác định.
Tuy vậy, về bản chất, đây không phải là tước bỏ năng lực pháp luật dân sự mà chỉ là tạm đình chỉ khả năng này – khả năng biến quyền khách quan thành quyền chủ quan của chủ thể riêng biệt. Việc hạn chế này chỉ đối với một số quyền cụ thể mà không phải là năng lực pháp luật dân sự nói chung. Việc hạn chế năng lực pháp luật dân sự không đồng nghĩa với việc tước bỏ một quyền dân sự cụ thể (kê biên tài sản, tịch thu tài sản...).
– Tính bảo đảm của năng lực pháp luật dân sự
Khả năng có quyền và nghĩa vụ vẫn chỉ tồn tại là những quyền khách quan mà pháp luật quy định cho các chủ thể. Để biến những “khả năng này thành các quyền dân sự cụ thể cần phải có những điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Những điều kiện khách quan là những điều kiện kinh tế, xã hội, những chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể. Thiếu những điều kiện kinh tế, pháp lí này, các quyền đó vẫn chỉ tồn tại dưới dạng “khả năng” mà không thể thành những quyền dân sự cụ thể được. Nhà nước ta đang thực hiện đường lối xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo những điều kiện thuận lợi để phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế nhằm đáp ứng ngày càng cao những nhu cầu của nhân dân. Đây là những cơ sở chính trị, kinh tế, pháp lí quan trọng nhằm phát huy hiệu quả của nền kinh tế thị trường đồng thời hạn chế những mặt trái của nó. Nhà nước tạo mọi điều kiện để bảo đảm năng lực pháp luật dân sự của công dân được thực hiện, biến những “khả năng” đó trở thành thực tế. Tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, mềm dẻo là tạo điều kiện cho khả năng biến năng lực pháp luật của cá nhân thành các quyền năng dân sự cụ thể.
3. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Pháp luật ghi nhận khả năng của cá nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự. Tổng hợp các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho cá nhân gọi là nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Nội dung của năng lực pháp luật dân sự của cá nhân phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong những điều kiện lịch sử nhất định. Những quyền dân sự của cá nhân được ghi nhận ở rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau nhưng quan trọng nhất là Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hoá trong Bộ luật dân sự năm 2015.
Điều 17 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, những quyền dân sự cụ thể của cá nhân được ghi nhận trong tất cả các phần của BLDS. Có thể chia quyền dân sự của cá nhân thành ba nhóm chính:
– Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản. Đặc điểm quan trọng nhất trong các quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự năm 2015 là xác nhận lại các quyền nhân thân đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật trước đó (quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền xác định lại giới tính, quyền hiến, nhận mộ bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác…) và các quyền nhân thân lần đầu tiên được ghi nhận (quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, chuyển đổi giới tính, quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình…). Ngoài ra, bảo vệ, tôn trọng quyền nhân thân còn được ghi nhận là một nguyên tắc quan trọng của BLDS.
– Quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, quyền thừa kế. Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tài sản thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng và giá trị, bao gồm thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác. Cá nhân chỉ bị hạn chế quyền sở hữu đối với các tài sản mà pháp luật quy định không thuộc quyền sở hữu tư nhân.
Công dân có quyền hưởng di sản thừa kế, để lại di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
– Quyền tham gia vào quan hệ dân sự và có các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ đó.
ham gia vào các quan hệ dân sự thông qua các giao dịch dân sự (hành vi pháp lí đơn phương hoặc hợp đồng) là biện pháp quan trọng và thông dụng nhất làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự. Các quyền này được thể hiện trong các nguyên tắc của luật dân sự “tự do, tự nguyện cam kết” (Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015) và được thể hiện cụ thể, chi tiết trong Phần thứ ba của BLDS. Ngoài ra, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể còn phát sinh từ các căn cứ khác (bồi thường thiệt hại, thực hiện công việc không có uỷ quyền…).
4. Bắt đầu và chấm dứt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
“Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết” (khoản 3 – Điều 16 Bộ luật dân sự năm 2015). Với quy định này, pháp luật thừa nhận năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là thuộc tính gắn liền với cá nhân suốt đời và không bị ảnh hưởng bởi trạng thái tinh thần, tuổi tác, hoàn cảnh, tài sản…
Một trường hợp ngoại lệ được pháp luật quy định là: “Người sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết” vẫn được hưởng di sản thừa kế của người chết để lại. Như vậy, thai nhi đã được bảo lưu quyền thừa kế nếu còn sống sau khi sinh ra.
5. Tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết
Đây là một chế định đặc biệt của luật dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân cũng như những chủ thể có liên quan khác. “Năng lực pháp luật dân sự của công dân chấm dứt khi người đó chết, cái chết của cá nhân là sự kiện pháp lí làm chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân nhưng cái chết đó phải được xác định một cách đích xác và theo quy định của pháp luật thì phải “khai tử” (Điều 30 Bộ luật dân sự năm 2015).
Trong thực tế có những trường hợp, vì các lí do khác nhau (những rủi ro, chiến tranh, tai nạn và kể cả nguyên nhân do chính cá nhân đó tạo ra) đã không thể xác định được cá nhân đó còn sống hay đã chết. Trong những trường hợp như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, của những người có quyền, lợi ích liên quan, pháp luật quy định những điều kiện, trình tự để tạm dừng hoặc chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân dưới hai hình thức tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết.
5.1. Tuyên bố mất tích
5.1.1. Điều kiện
Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, toà án có thể tuyên bố người đó mất tích (Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015).
Căn cứ vào quy định này, toà án có thể tuyên bố một người mất tích khi có các điều kiện sau:
– Biệt tích đã hai năm liền trở lên, không có một tin tức nào về người đó còn sống hay đã chết. Pháp luật không quy định rõ phạm vi không gian cũng như chủ thể về việc nhận biết các tin tức này nhưng căn cứ vào Điều 64 Bộ luật dân sự năm 2015 có thể xác định:
+ Về không gian, tại nơi cư trú cuối cùng của người đó, nơi cư trú của cá nhân được xác định Điều 40 tại mục 3 – Chương III – Phần thứ nhất của Bộ luật dân sự năm 2015;
+ Về chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích đó là người có quyền, lợi ích liên quan, đây là những người có mối liên hệ nào đó (theo quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hành chính, quan hệ lao động, quan hệ dân sự hoặc các quan hệ khác) mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng do sự vắng mặt của chủ thể. Theo nguyên tắc, người nào có quyền về tài sản liên quan đến người biệt tích sẽ bị thiệt hại nếu không tuyên bố người đó mất tích thì họ có quyền yêu cầu toà án tuyên bố người đó mất tích.
Những người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu toà án thông báo, tìm kiếm người vắng mặt. Toà án có thể tự mình thông báo hoặc yêu cầu những người này thông báo. Cách thức, biện pháp thông báo được quy định trong luật tố tụng dân sự như phạm vi thông báo, phương tiện thông báo… Sau khi đã thông báo với thời hạn luật định mà vẫn không có tin tức gì về người đó còn sống hay đã chết.
+ Thời hạn hai năm được tính theo quy định của đoạn 2 khoản 1 Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015.
– Từ ngày biết được tin tức cuối cùng của người đó thì người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu toà án tuyên bố người đó mất tích. Theo nguyên tắc chung của luật tố tụng dân sự, toà án chỉ xem xét và giải quyết khi đương sự có yêu cầu và trong phạm vi yêu cầu đó. Bởi vậy, khi xem xét yêu cầu của đương sự, toà án phải kiểm tra các điều kiện cần thiết và nếu thấy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định, toà án ra quyết định tuyên bố người biệt tích đó là mất tích.
5.1.2. Hậu quả của việc tuyên bố mất tích
Việc tuyên bố một người mất tích kéo theo những hậu quả pháp lí nhất định: Tạm thời đình chỉ tư cách chủ thể của người bị tuyên bố là mất tích, tuy nhiên quyết định này không làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ. Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được quản lý theo quyết định của toà án được quy định tại các điều 65, 66, 67, 69 Bộ luật dân sự năm 2015 về quản lí tài sản của người vắng mặt, của người bị tuyên bố là mất tích; quyền và nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt, người bị tuyên bố là mất tích.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là mất tích xin li hôn thì toà án giải quyết cho li hôn.
5.1.3. Huỷ bỏ việc quyết định tuyên bố mất tích
Việc tuyên bố một người là mất tích chỉ tạm dừng năng lực chủ thể của người đó. Việc tạm dừng này có thể thay đổi theo một trong hai hướng: phục hồi năng lực chủ thể hoặc chấm dứt tư cách chủ thể. Việc chấm dứt tư cách chủ thể được diễn ra khi có tin tức rằng họ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết. Phục hồi tư cách chủ thể của người bị tuyên bố là mất tích xảy ra trong hai trường hợp: người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức chứng tỏ người đó còn sống. Khi có một trong hai trường hợp đó thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó mất tích. Người bị tuyên bố mất tích trở về có quyền yêu cầu người quản lý tài sản trả lại tài sản cho mình. Tuy nhiên, quyết định li hôn của vợ hoặc chồng người bị tuyên bố là mất tích vẫn có hiệu lực pháp luật.
5.2. Tuyên bố là đã chết
Theo quy định tại Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015, trong 4 trường hợp sau, toà án có thể tuyên bố một người là đã chết.
– Sau ba năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức là người đó còn sống. Trong trường hợp này việc tuyên bố một người bị mất tích tạm dừng năng lực chủ thể của họ được diễn ra theo hướng chấm dứt tư cách chủ thể của người đó. Sau ba năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của toà án có hiệu lực pháp luật mà không cần đòi hỏi thêm một thủ tục thông báo nào (của toà án cũng như người có quyền, lợi ích liên quan) toà án có thể tuyên bố người đó là đã chết.
– Biệt tích đã năm năm liền trở lên và không có tin tức là còn sống hay đã chết. Khi một người biệt tích thì phải áp dụng các quy định về thông báo, tìm kiếm giống như trường hợp tìm kiếm người mất tích. Sau hai năm có thể tuyên bố mất tích, sau năm năm có thể tuyên bố là đã chết. Nếu có tuyên bố mất tích thì phải áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 81 BLDS, nếu không tuyên bố mất tích thì biệt tích năm năm liền trở lên toà án có thể tuyên bố một người là đã chết. Thời hạn năm năm được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 BLDS năm 2015.
– Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống. Điểm b khoản 1 Điều 71 BLDS năm 2015 không quy định phải thông báo tìm kiếm trong trường hợp biệt tích trong chiến tranh. Ngày chiến tranh kết thúc có thể quy định khác nhau: ngày chiến thắng, ngày tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ngày kí hiệp định đình chiến, hoà bình, ngày tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh… Tuỳ theo từng hoàn cảnh và các cuộc chiến tranh cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc được xác định theo thông lệ quốc tế.
– Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm kể từ ngày chấm dứt các sự kiện đó mà không có tin tức là còn sống. Người bị tuyên bố là đã chết phải ở trong số người bị tai nạn (cư dân trong các vùng bị động đất, núi lửa, sóng thần; hành khách trong các tai nạn giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, người trong hầm lò bị sập, trên tàu bị đắm, bị lốc cuốn… mà không xác định được hoặc do không tìm thấy thi thể nạn nhân).
Tuỳ từng trường hợp, toà án xác định ngày chết của người đó trong bản án hoặc quyết định của toà án. Nếu không xác định ngày người đã chết trong bản án hoặc quyết định của toà án thì ngày chết là ngày bản án hoặc quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật. Thông thường, đối với người biệt tích trong các tai nạn, thảm họa, thiên tai thì ngày chết là ngày xảy ra thảm họa, thiên tai đó.