Hệ thuộc luật là một bộ phận cấu thành của quy phạm xung đột, đây là phần chỉ ra hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ liên quan. Hệ thuộc luật chính là phần đặc biệt nhất tạo nên sự độc đáo của quy phạm xung đột so với các loại quy phạm pháp luật khác.
Về lí luận cũng như thực tiễn, khi tiến hành xây dựng quy phạm xung đột cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (thông thường là cơ quan lập pháp, ở Việt Nam là Quốc hội) bao giờ cũng phải dựa trên những nguyên tắc nhất định. Những nguyên tắc này phải đảm bảo tính tối cao của lợi ích quốc gia; của các chủ thể tham gia quan hệ; của mối quan hệ quốc tế cũng như xu hướng pháp luật chung trên thế giới. Vì thế sau khi quy phạm đã được xây dựng thì các cơ quan thực thi, áp dụng luật cũng như các đương sự cần phải tuân thủ sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột bằng cách áp dụng hệ thuộc luật mà quy phạm chỉ tới mà không có sự lựa chọn khác nếu bản thân quy phạm không cho phép lựa chọn hoặc không rơi vào các trường hợp đặc biệt khác.
Để áp dụng quy phạm xung đột một cách đúng đắn và đầy đủ, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cần phải biết rõ về các loại hệ thuộc cơ bản mà tư pháp quốc tế của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới áp dụng. Hiện tại tư pháp quốc tế có một số loại hệ thuộc cơ bản sau:
1. Hệ thuộc luật nhân thân
Hệ thuộc luật nhân thân (Lex personalis). Luật nhân thân thường được áp dụng trong các mối quan hệ liên quan đến nhân thân của con người như các quan hệ về năng lực pháp luật và năng lực hành vi, các quan hệ về hôn nhân, gia đình, thừa kế động sản... Luật nhân thân tồn tại dưới hai dạng sau:
– Hệ thuộc luật quốc tịch (Lex patriae hay Lex nationalis). Đây là hệ thống pháp luật của nước mà đương sự là công dân hay đương sự có quốc tịch, loại hệ thuộc này phổ biến tại các quốc gia theo hệ thống luật Civil Law, Việt Nam cũng là một nước theo hệ thống này. Ví dụ, quy phạm xung đột sử dụng hệ thuộc luật quốc tịch tại khoản 1 Điều 673 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch”.
– Hệ thuộc luật nơi cư trú (Lex domicilii), là hệ thống pháp luật của nước mà đương sự cư trú, loại hệ thuộc này phổ biến tại các nước theo hệ thống luật Common Law. Cần chú ý rằng khái niệm nơi cư trú có thể được sử dụng với nội dung bao quát cả các trường hợp thường trú hoặc tạm trú tùy từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, quy phạm xung đột sử dụng hệ thuộc luật nơi cư trú tại Điều 682 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Giám hộ được xác định theo pháp luật của nước nơi người được giám hộ cư trú”.
2. Hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân
Hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân (Lex societatis) là hệ thống pháp luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch.
Pháp nhân là một tổ chức được thành lập theo pháp luật của một nước nhất định, mỗi pháp nhân đều có quy chế pháp lí của riêng mình. Các quan hệ liên quan đến việc thành lập, giải thể, thanh lý tài sản... của pháp nhân thường do luật quốc tịch của pháp nhân chi phối. Mỗi nước có các căn cứ khác nhau để xác định quốc tịch của pháp nhân. Tại Việt Nam, Bộ luật dân sự 2015 lần đầu tiên quy định về cách thức xác định quốc tịch của pháp nhân, theo đó “Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập” (khoản 1 Điều 676). Như vậy, pháp nhân thành lập đâu sẽ có quốc tịch nước đó, Bộ luật dân sự 2015 còn xác định rõ hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân là hệ thuộc luật cơ bản để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến pháp nhân, cụ thể khoản 2 Điều 676 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thế pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân, trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”.
3. Hệ thuộc luật nơi có bất động sản
Hệ thuộc luật nơi có tài sản (Lex rei sitae) là hệ thống pháp luật của nước nơi tài sản tồn tại.
Đây là hệ thuộc luật được áp dụng chủ yếu trong việc điều chỉnh các quan hệ sở hữu tài sản (tài sản hữu hình), đặc biệt gần như tất cả các quan hệ tài sản mà đối tượng tài sản là bất động sản thì sẽ luôn được áp dụng hệ thuộc luật này để điều chỉnh. Đó có thể là tranh chấp về quyền sở hữu, chia tài sản khi li hôn mà tài sản là bất động sản hoặc thừa kế đối với bất động sản... đều do luật nơi có tài sản chi phối. Sở dĩ như vậy bởi trong các quan hệ đó, dù chủ thể có khác quốc tịch nhau, quan hệ xảy ra ở đâu nhưng có một điều luôn thống nhất và được các bên quan tâm hướng tới đó là tài sản, và hệ thuộc luật này cũng được cho là khi áp dụng sẽ ít gây tranh cãi nhất và khách quan nhất. Ví dụ, khoản 1 Điều 678 Bộ luật dân sự 2015 quy định áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản như sau: “Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
4. Hệ thuộc luật do các bên ký kết hợp đồng lựa chọn
Hệ thuộc luật do các bên ký kết hợp đồng lựa chọn (Lex voluntatis) là hệ thống pháp luật của nước mà các bên trong hợp đồng quốc tế thoả thuận lựa chọn. Vì hợp đồng bản thân nó đã là sự thoả thuận, nguyên tắc tự do hợp đồng là một trong những nguyên tắc rất quan trọng trong hầu hết các văn bản pháp lí cả quốc gia lẫn quốc tế, nên trong lĩnh vực này việc các quốc gia quy định giành cho các bên tham gia quan hệ hợp đồng quốc tế sự tự thoả thuận về hệ thống pháp luật sẽ được áp dụng nếu có tranh chấp xảy ra là hết sức hợp lí và dễ hiểu. Ví dụ, một quy phạm xung đột quy định hệ thuộc luật lựa chọn là khoản 1 Điều 683 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4, 5 và 6 Điều này...”
5. Hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi
Hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (Lex loci actus) là hệ thống pháp luật của nước nơi hành vi được thực hiện. Vì hành vi có nhiều loại nên hệ thuộc luật này cũng có nhiều dạng cụ thể khác nhau. Đó là:
– Hệ thuộc luật nơi kí kết hợp đồng (Lex loai contractus) là hệ thống pháp luật của nước nơi hợp đồng được kí kết. Ở Việt Nam, trong khoản 1 Điều 683 Bộ luật dân sự 2015 cũng sử dụng hệ thuộc luật này để điều chỉnh quan hệ về hình thức hợp đồng nhưng với một tên gọi hơi khác một chút đó là luật nơi giao kết hợp đồng: “Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam”. Sở dĩ như vậy vì cụm từ “kí kết” có thể sẽ không thật chính xác nếu các bên thoả thuận hợp đồng bằng lời nói mà không kí vào văn bản.
– Hệ thuộc luật nơi thực hiện hợp đồng (Lex regit actum) là hệ thống pháp luật của nước nơi hợp đồng được thực hiện.
– Hệ thuộc luật nơi thực hiện nghĩa vụ (Lex loci solutionis) là hệ thống pháp luật của nước nơi nghĩa vụ được thực hiện. Việc xác định thế nào là nghĩa vụ sẽ tùy thuộc pháp luật quốc gia của mỗi nước và tùy thuộc từng trường hợp cụ thể, ví dụ nghĩa vụ giao hàng, nghĩa vụ thanh toán...
– Hệ thuộc luật nơi tiến hành kết hôn (Lex loci celebrationis) là hệ thống pháp luật của nước nơi việc kết hôn được tiến hành. Cần chú ý việc kết hôn được hiểu là việc kết hôn theo quy định của pháp luật được coi là hợp pháp, ví dụ ở Việt Nam thì nơi tiến hành kết hôn là nơi các bên trong quan hệ đăng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải nơi hai bên tổ chức đám cưới. Vì thế nếu ở nước ngoài việc kết hôn được coi là hợp pháp khi nó được tiến hành tại cơ sở tôn giáo thì luật nơi tiến hành kết hôn chính là luật nước nơi có cơ sở tôn giáo đó.
6. Hệ thuộc luật nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại
Hệ thuộc luật nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại (Lex loci delicti commissi) là hệ thống pháp luật của nước nơi hành vi gây thiệt hại xảy ra, sẽ được áp dụng để giải quyết vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hành vi gây thiệt hại ở đâu thì hệ thống pháp luật ở đó được áp dụng. Hệ thuộc luật này được áp dụng phổ biến và rộng rãi ở nhiều quốc gia, tuy nhiên trong cách vận dụng thì mỗi quốc gia lại có sự khác biệt. Có nước quy định đó là nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại nhưng cũng có nước cho rằng đó là nơi xảy ra hậu quả của hành vi gây thiệt hại. Song, để đảm bảo lợi ích quốc gia cũng như sự thuận lợi cho cơ quan giải quyết tranh chấp thì có quan điểm nên kết hợp cả hai, ví dụ tại Việt Nam, khoản 1 Điều 687 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Các bên được thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thoả thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng”. Theo đó, toà án khi xét xử vụ án sẽ áp dụng pháp luật theo thứ tự ưu tiên, lần lượt là pháp luật do các bên lựa chọn, pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả. Thứ tự này có khác so với quy định tại Điều 773 Bộ luật dân sự 2005, khi mà toà án sẽ cân nhắc tùy từng trường hợp hoặc áp dụng pháp luật nơi xảy ra hậu quả hoặc pháp luật nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại.
7. Hệ thuộc luật tòa án
Hệ thuộc luật toà án (Lex fori) là hệ thống pháp luật của nước có toà án đang xét xử vụ án. Theo nghĩa rộng, Lex forị có thể hiểu bao gồm cả luật nội dung và luật hình thức. Trong lĩnh vực luật nội dung khi có những điều kiện nhất định, quy phạm xung đột cũng có thể dẫn chiếu đến luật của nước có toà án đang xét xử vụ án. Ví dụ, khoản 2 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu li hôn thì việc li hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam”. Trong ví dụ này, khi các bên không có nơi thường trú chung và pháp luật Việt Nam được áp dụng thì luật Việt Nam lúc này được xem xét với tư cách là luật nước có toà án đang xét xử vụ án. Việc áp dụng hệ thuộc luật toà án ở đây là để đảm bảo quan hệ được giải quyết kịp thời và lợi ích chính đáng của đương sự khi không thể xác định được hệ thuộc luật nơi thường trú của đương sự do họ không có nơi thường trú chung. Hệ thuộc luật toà án còn được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt khi không xác định được hệ thuộc luật cần áp dụng như khi vận dụng bảo lưu trật tự công dẫn đến việc không áp dụng pháp luật nước ngoài, khi đó quan hệ thiếu sự điều chỉnh của một hệ thuộc luật phù hợp thì hệ thuộc luật toà án là sự lựa chọn hợp lí nhất.
Tuy nhiên, hệ thuộc luật toà án được hiểu theo nghĩa hẹp là phổ biến hơn, nghĩa là hệ thuộc luật này được áp dụng gần như tuyệt đối trong các quan hệ tố tụng dân sự quốc tế. Nói cách khác, khi xét xử các vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, toà án chỉ áp dụng luật tố tụng của nước mình – luật tố tụng của nước có toà án đó. Đây là một nguyên tắc phổ biến được ghi nhận ở tất cả các nước và nó giống như một tập quán đã được chấp nhận rộng rãi. Bởi các hành vi tố tụng luôn luôn thể hiện quyền lực nhà nước, chủ quyền
của quốc gia nên hầu như không có việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong lĩnh vực tố tụng này. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ sẽ không áp dụng luật tố tụng của nước có toà án khi: 1) việc cho phép áp dụng luật tố tụng nước ngoài được ghi nhận trong điều ước quốc tế hoặc trong pháp luật quốc gia; hoặc 2) khi luật trong nước có quy định năng lực hành vi tố tụng dân sự xác định theo sự lựa chọn giữa luật toà án và luật nhân thân. Ví dụ, khoản 2 Điều 17 HĐTTTP giữa Việt Nam và Pháp năm 1999 quy định: “Tuy nhiên, nếu cơ quan yêu cầu đề nghị, cơ quan được yêu cầu có thể thực hiện uỷ thác tư pháp theo một thể thức đặc biệt, trừ khi trái với pháp luật của Nước kí kết được yêu cầu hoặc không thể thực hiện được theo thể thức đó vì trái với thông lệ của Nước kí kết được yêu cầu hoặc vì có khó khăn trong thực tế”; hoặc điểm a khoản 1 Điều 466 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài được xác định như sau:
a) Theo pháp luật của nước mà người nước ngoài có quốc tịch; trường hợp người nước ngoài là người không quốc tịch thì theo pháp luật của nước nơi người đó cư trú; nếu người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thì theo pháp luật Việt Nam”.