1. Quan hệ giữa pháp luật với kinh tế
Pháp luật là một trong những yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng xã hội, nó luôn có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế là một trong những yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng xã hội. Pháp luật chịu sự tác động của kinh tế và nó cũng có ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế. Đúng như C.Mác đã khẳng định: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung”. Mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế là vô cùng phức tạp, bởi vậy cần xem xét nó trên nhiều bình diện khác nhau.
Trong mối quan hệ này, kinh tế luôn giữ vai trò quyết định, quan hệ kinh tế quyết định nội dung của pháp luật, hình thức và sự phát triển của pháp luật. Bởi vì phụ thuộc vào kinh tế nên nội dung và hình thức của pháp luật thường phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế. Mọi sự thay đổi trong kinh tế – xã hội thì sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi tương ứng trong hệ thống pháp luật của đất nước.
Trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật không chỉ thụ động phụ thuộc vào kinh tế mà nó còn tác động trở lại đối với kinh tế. Pháp luật là phương tiện để quản lý kinh tế, thực hiện các chính sách kinh tế, các mục tiêu kinh tế. Thông qua pháp luật, nhà nước hoạch định các chính sách kinh tế, trật tự hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, định hướng cho các quan hệ kinh tế phát triển theo những mục đích của nhà nước. Với tư cách là công cụ quản lý của nhà nước, nếu nội dung và hình thức của pháp luật phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế, thể hiện được ý chí và lợi ích của lực lượng tiến bộ trong xã hội thì pháp luật sẽ tác động tích cực tới kinh tế; ngược lại thì pháp luật sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế.
2. Quan hệ giữa pháp luật với chính trị
Chính trị là quan hệ giữa các giai cấp liên quan tới việc giành và thực thi quyền lực nhà nước và là công cụ có hiệu lực nhất để điều tiết các quan hệ giai cấp phù hợp với ý nguyện, lợi ích của giai cấp thống trị.
Trong mối quan hệ với chính trị, pháp luật là một trong những hình thức biểu hiện cụ thể của chính trị. Đường lối, chính sách của giai cấp thống trị luôn giữ vai trò chỉ đạo đối với pháp luật. Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, vì vậy đường lối chính trị thể hiện trước hết ở các chính sách kinh tế. Các chính sách đó được cụ thể hóa trong pháp luật thành những quy định chung, thống nhất trong toàn xã hội. Mặt khác, chính trị còn là sự thể hiện mối quan hệ giữa các giai cấp và các lực lượng khác nhau trong xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, pháp luật không chỉ phản ánh các chính sách kinh tế mà còn thể hiện các quan hệ giai cấp.
3. Quan hệ giữa pháp luật với nhà nước
Pháp luật và nhà nước, hai thành tố thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội, giữa chúng luôn có mối quan hệ biện chứng, chúng đều có chung nguồn gốc cùng phát sinh và phát triển.
Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, nhưng quyền lực đó chỉ có thể được triển khai và phát huy có hiệu lực trên cơ sở của pháp luật. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành, luôn phản ánh những quan điểm và đường lối chính trị của lực lượng nắm quyền lực nhà nước và bảo đảm cho quyền lực đó được triển khai nhanh, rộng trên quy mô toàn xã hội. Với ý nghĩa đó, nhà nước không thể tồn tại và phát huy quyền lực thiếu pháp luật; và ngược lại pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và có hiệu lực khi dựa trên cơ sở sức mạnh của quyền lực nhà nước. Vì vậy không thể nói pháp luật đứng trên nhà nước hay nhà nước đứng trên pháp luật.
Bên cạnh đó, sự tác động của pháp luật đối với nhà nước cũng đa dạng và mạnh mẽ. Pháp luật là phương tiện để kiểm soát hoạt động của Nhà nước, xác định giới hạn cũng như việc kiểm soát đối với nhà nước. Pháp luật còn quy định cơ cấu tổ chức bên trong và hoạt động của nhà nước, của các cơ quan nhà nước. Cũng chính nhờ có pháp luật mà nhà nước thực hiện được các nhiệm vụ, chức năng, các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước, xác định chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và quy chế pháp lý đối với cá nhân. Pháp luật với vai trò củng cố và hoàn thiện nhà nước để giúp cho nhà nước thích ứng và phát triển một cách khách quan.
Bởi vậy, có thể khẳng định rằng: Không thể có một chế độ nhà nước nào có thể thiếu pháp luật hay tồn tại bên ngoài pháp luật, sự tiến bộ hay sự lạc hậu, trì trệ của pháp luật cũng sẽ dễ dàng kéo theo sự lạc hậu, trì trệ hay tiến bộ của nhà nước.
4. Quan hệ giữa pháp luật với đạo đức
Đạo đức là những quan niệm, quan điểm của con người (một cộng đồng người, một giai cấp), về cái thiện, cái ác, về sự công bằng, nghĩa vụ, danh dự và về những phạm trù khác thuộc đời sống tinh thần của xã hội.
Do những điều kiện của đời sống vật chất xã hội quyết định nên những quan niệm, quan điểm này về đạo đức rất khác nhau nhưng giữa chúng luôn có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Đạo đức một khi đã trở thành niềm tin nội tâm thì chúng sẽ là cơ sở cho hành vi của con người.
Mỗi lực lượng trong xã hội, mỗi nhóm cộng đồng đều có những quan niệm và quan điểm riêng của mình. Cho nên các quy phạm đạo đức tồn tại trong xã hội cũng rất nhiều loại. Sự tác động qua lại của nhiều loại đạo đức trong xã hội, pháp luật cũng sẽ phản ánh các quan điểm, quan niệm, lợi ích của các lực lượng khác nhau trong xã hội.
Thực tiễn cho thấy rằng trong khi xây dựng và thực hiện pháp luật, các lực lượng cầm quyền đều phải tính đến yếu tố đạo đức xã hội để tạo cho pháp luật một khả năng “thích ứng”, làm cho nó thể hiện ý chí của mọi tầng lớp xã hội.
Pháp luật mặc dù chịu sự tác động của đạo đức (nhất là đạo đức của giai cấp thống trị) và các quy phạm xã hội khác, nhưng pháp luật có tác động rất mạnh mẽ tới các hiện tượng đó và thậm chí trong một chừng mực nhất định, nó còn có khả năng cải tạo các quy phạm đạo đức và các quy phạm xã hội khác.