1. Khái niệm tập đoàn kinh tế
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Tập đoàn kinh tế được xếp là một thành phần trong nhóm công ty (khoản 1 Điều 149). Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng chỉ đưa ra khái niệm chung nhất về tập đoàn kinh tế, theo đó: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác”.
Tiếp đó, trong Luật doanh nghiệp cũng đề cập đến rằng: “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.”
2. Đặc điểm của tập đoàn kinh tế
2.1. Tập đoàn kinh tế được hình thành từ liên kết giữa các chủ thể kinh doanh độc lập tạo thành một tổ hợp
Tập đoàn kinh tế được hình thành dựa trên cơ sở liên kết giữa các pháp nhân, có thể là pháp nhân thương mại (là các công ty như công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần) hoặc phi thương mại (là các cơ sở nghiên cứu, đào tạo). Liên kết giữa các pháp nhân trong tập đoàn được quy định tại các hợp đồng liên kết.
Liên kết trong tập đoàn kinh tế hoàn toàn khác với các liên kết giữa các thành viên trong công ty. Liên kết giữa các thành viên trong công ty là liên kết đầu tư góp vốn để trở thành đồng sở hữu của công ty, giữa các thành viên có mối quan hệ chặt chẽ, hoàn toàn độc lập về tư cách pháp lý, quản lí và điều hành. Liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn kinh tế được hình thành từ trên cơ sở đầu tư trực tiếp từ thành viên này vào thành viên khác hoặc việc cùng sở hữu, sử dụng chung các đối tượng sở hữu công nghiệp hay nằm trong một chuỗi kinh doanh.
Các thành viên trong tập đoàn không chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh chung của tập đoàn và cũng không chịu trách nhiệm trong trường hợp thành viên khác trong tập đoàn làm ăn thua lỗ và phá sản. Các thành viên ràng buộc trách nhiệm với nhau qua hợp đồng liên kết. Mối liên kết giữa các thành viên có thể là liên kết chi phối hoặc các liên kết không mang tính chi phối.
2.2. Tập đoàn kinh tế là tổ hợp có danh tính và không có tư cách pháp nhân
Tập đoàn kinh tế là một tổ hợp có danh tính. Danh tính của tập đoàn kinh tế để phân biệt giữa một tập hợp pháp nhân với các pháp nhân trong tập đoàn và phân biệt với tập hợp pháp nhân khác. Danh tính của tập đoàn là một quyền tài sản, được xác định là một tên thương mại, là cơ sở để xây dựng nhãn hiệu tập đoàn. Các pháp nhân độc lập trong tập đoàn có quyền thụ hưởng giá trị tên thương mại, và phải trả phí.
Điều kiện cơ bản để xác định tư cách pháp nhân đó là yếu tố độc lập về tài sản và chịu trách nhiệm về tài sản đó. Xét từ khía cạnh liên kết của các pháp nhân tạo thành tập đoàn kinh tế và bản chất pháp lý của tập đoàn, có thể thấy, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân do các lý do sau:
Thứ nhất, tập đoàn kinh tế không có tài sản độc lập. Đặc trưng của pháp nhân là phải có tài sản độc lập và sử dụng những lợi ích từ tài sản của mình để thực hiện các mục đích của pháp nhân. Tài sản của pháp nhân còn là cơ sở để pháp nhân gánh chịu những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện ý chí của pháp nhân. Tài sản được thiết lập thông qua việc chuyển quyền sở hữu tài sản của các thành viên thành tài sản của pháp nhân. Còn tập đoàn kinh tế thì không tiếp nhận sự chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ các pháp nhân thành viên, do đó không hình thành tài sản độc lập.
Các thành viên trong tập đoàn kinh tế chỉ thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để duy trì hoạt động điều hành của tập đoàn kinh tế hoặc pháp nhân chi phối tập đoàn trích một phần lợi nhuận để đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy quản trị tập đoàn. Sự đóng góp hoặc trích quỹ này không làm không làm hình thành tài sản riêng cho tập đoàn kinh tế mà mục đích của nó là duy trì bộ máy điều hành của tập đoàn.
Thứ hai, tập đoàn kinh tế không có năng lực pháp lý. Đây là tập hợp của nhiều pháp nhân, mỗi pháp nhân là một chủ thể pháp lý với năng lực pháp lý đầy đủ, nhân danh chính mình trong các quan hệ pháp luật. Sự tập hợp của các pháp nhân này trong tập đoàn kinh tế không hướng tới việc thành lập một tổ chức kinh tế mới mà thực hiện quá trình liên kết nhằm tối đa hóa lợi ích của từng pháp nhân độc lập.
Do đó, tập đoàn kinh tế không có năng lực pháp luật, bản thân nó cũng không cần sự thừa nhận của cơ quan nhà nước. Sự vận động của các pháp nhân trong tập đoàn chính là sự vận động của tập đoàn. Thông thường, pháp nhân chi phối tập đoàn tiến hành giao dịch nhân danh chính mình để thực hiện giao dịch với danh nghĩa tập đoàn phù hợp với nhu cầu quản lý, phát triển của tập đoàn.
+ Thứ ba, tập đoàn kinh tế không chịu trách nhiệm tài sản. Tập đoàn kinh tế không có tài sản riêng nên không thể chịu trách nhiệm tài sản. Giao dịch của tập đoàn kinh tế được thực hiện thông qua công ty chi phối. Mặt khác, tập đoàn kinh tế không có năng lực pháp lý, không được nhân danh chính mình thực hiện các giao dịch dân sự hay thương mại.
Vì vậy, tập đoàn kinh tế không chịu trách nhiệm tài sản đối với các nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ hoạt động của mình, đồng thời cũng không chịu trách nhiệm pháp lý thay cho các thành viên. Trong trường hợp phát sinh các nghĩa vụ pháp lý từ giao dịch, pháp nhân chi phối chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập của pháp nhân đó.
2.3. Tập đoàn kinh tế có cơ cấu tổ chức phức tạp, nhiều cấp
Cơ cấu tổ chức của tập đoàn nhằm giải quyết các mối quan hệ về lợi ích giữa các công ty trong tập đoàn. Tập đoàn kinh tế chỉ có thể duy trì và phát triển khi có một cơ cấu tổ chức hợp lí để hoạt động của tập đoàn được đồng bộ và hiệu quả.
Các tập đoàn phải xác định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn và phân cấp quản lí giữa các cơ quan, đây là một yêu cầu phức tạp vì các công ty trong tập đoàn tương đối độc lập, mỗi công ty có một cơ cấu tổ chức và quản lý riêng.
Các công ty liên kết với nhau trên cơ sở quan hệ về vốn, quan hệ quản lý hoặc thông qua hợp đồng kinh tế, do đó việc xây dựng thống nhất một cơ cấu quản lý là đòi hỏi không dễ thực hiện trong tập đoàn. Có ba mô hình Tập đoàn kinh tế chủ yếu sau:
+ Mô hình 1: Cấu trúc đơn giản (mô hình đầu tư đơn cấp). Tập đoàn có mô hình cấu trúc đơn giản bao gồm công ty mẹ hình thành liên kết để chi phối đối với các công ty con ở tầng thứ hai, sau đó các công ty con ở tầng thứ hai lại hình thành liên kết để chi phối các công ty con ở tầng thứ ba và tiếp tục ở các tầng tiếp theo. Các công ty đồng cấp không hình thành liên kết để chi phối nhau, các công ty ở cấp dưới không hình thành liên kết để chi phối các công ty ở cấp trên.
Mô hình này đảm bảo quyền lực được thực hiện theo trình tự từ trên xuống, quyền lực tập trung ở công ty mẹ.
+ Mô hình 2: Cấu trúc đầu tư đa cấp đơn giản. Tập đoàn kinh tế có mô hình cấu trúc đa cấp, công ty mẹ có thể hình thành liên kết chi phối với công ty con cấp hai, đồng thời trực tiếp hình thành liên kết chi phối các công ty con ở cấp 3,4,5,… Các công ty đồng cấp không hình thành liên kết để chi phối nhau, các công ty ở cấp dưới không hình thành liên kết để chi phối công ty con cấp trên.
Mô hình này tạo cho công ty mẹ của tập đoàn nhiều lựa chọn hơn về phương thức đầu tư và quản lý dòng vốn, tuy nhiên ở mô hình này công ty mẹ thường gặp khó khăn trong điều hành tập đoàn, phân định quyền năng, lĩnh vực của công ty con, giảm thiểu thiệt hại trong cạnh tranh nội bộ của tập đoàn.
+ Mô hình 3: Cấu trúc đầu tư đa cấp sở hữu chéo. Đây là mô hình rất phức tạp, theo đó các công ty đồng cấp có thể hình thành liên kết để chi phối lẫn nhau, các công ty cấp dưới có thể hình thành liên kết để chi phối các công ty cấp trên. Nhiều công ty cũng nhau hình thành liên kết để chi phối một công ty khác trong tập đoàn.
Mô hình này cho phép thành lập một tập đoàn có liên kết chặt chẽ, nhưng rất khó quản lý và điều hành, khó kiểm soát rủi ro, vì trong một số trường hợp không xác định được công ty mẹ chi phối tập đoàn là công ty nào và không xác định được chính xác “đường đi” của dòng tiền để có những biện pháp giảm thiểu rủi ro.
2.4. Tập đoàn kinh tế có quy mô lớn về vốn, sử dụng nhiều lao động, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, doanh thu cao
– Về quy mô vốn lớn: tập đoàn kinh tế có sự tích tự về vốn của các công ty trong tập đoàn, bao gồm công ty mẹ, các công ty con, công ty thành viên, công ty liên kết.
Quy mô vốn lớn tạo cho tập đoàn năng lực cạnh tranh hiệu quả, phát triển đầu tư công nghệ, chuyên môn hóa sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, tăng lợi nhuận, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển của từng công ty trong tập đoàn nói riêng và toàn bộ tập đoàn nói chung.
– Về quy mô lao động: tập đoàn tập trung lực lượng lao động quy mô lớn, do các công ty thành viên trong tập đoàn hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, lực lượng lao động được phân hóa từ trình độ chuyên môn cao đến trình độ chuyên môn trung bình, từ lao động quản lí đến lao động sản xuất.
– Hầu hết các tập đoàn kinh tế đều hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có một số ngành nghề mang tính mũi nhọn. Mỗi tập đoàn đều có ngành nghề, lĩnh vực chủ đạo cùng với những sản phẩm đặc trưng.
Tập đoàn thực hiện hoạt động đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều mục tiêu phân tán rủi ro, bảo đảm cho hoạt động của tập đoàn có tính bền vững và hiệu quả, đồng thời tận dụng được cơ sở vật chất và khả năng lao động của tập đoàn.