1. Định nghĩa hoạt động thiết kế trong hoạt động tư pháp
Hoạt động thiết kế là tổng hợp các thao tác của tư duy và tưởng tượng nhằm dự đoán, lập kế hoạch hành động và cho ra các quyết định để đạt được các mục đích của hoạt động tư pháp.
Hoạt động thiết kế trong hoạt động tư pháp được tiến hành trên cơ sở của các quá trình nhận thức lý tính: tư duy và tưởng tượng. Bằng các quá trình nhận thức này, người cán bộ tư pháp dự đoán các tình huống có thể xảy ra (các khả năng có thể có về vụ án, phản ứng, hành vi, thái độ có thể có ở các chủ thể tham gia tố’ tụng). Qua đó, lập các kế hoạch cho quá trình hành động (kế hoạch điều tra vụ án, kế hoạch xét xử vụ án) và đưa ra các quyết định cụ thể (quyết định khởi tố, quyết định tạm giam, bản án…).
Hoạt động thiết kế được tiến hành trong tất cả các hoạt động tư pháp như: hoạt động điều tra, xét xử các vụ án hình sự, hoạt động giải quyết các vụ án dân sự và hoạt động giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Hoạt động thiết kế thực hiện chức năng cơ bản, là một thành phần quan trọng trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp. Hiệu quả của hoạt động tư pháp phụ thuộc vào khả năng dự đoán chính xác, tính hợp lý của các kế hoạch được vạch ra và tính đúng đắn trong các quyết định của người cán bộ tư pháp.
2. Các dạng của hoạt động thiết kế
Hoạt động thiết kế được tiến hành bằng các hình thức: dự đoán, lập kế hoạch, ra quyết định.
2.1. Dự đoán
Dự đoán là hoạt động tư duy đặc biệt nhằm nhìn thấy trước diễn biến và kết quả của các quá trình trong hoạt động tư pháp.
Hoạt động tư pháp mang tính bị động cao về mặt nhận thức, vì vậy không thể khẳng định một cách chính xác diễn biến và kết quả của hoạt động. Song dự đoán nó là một điều cần thiết. Việc dự đoán cần phải dựa trên những thông tin đã được thu thập về sự kiện đã xảy ra, những hiểu biết vẻ tâm lý của các chủ thể tham gia tố tụng. Căn cứ vào những thông tin đã có, người cán bộ tư pháp hình dung những sự kiện, diễn biến hoặc kết quả sẽ xảy ra trong hoạt động. Ví dụ, dựa trên những thông tin mà các bên nguyên đơn và bị đơn cung cấp, thẩm phán hình dung và phán đoán thái độ, phản ứng của các đương sự tại phiên hòa giải, kết quả của hoà giải… Từ đó mà dự phòng các phương án cần thiết.
Trong hoạt động tư pháp, hoạt động dự đoán thường được tiến hành theo các nội dung sau:
– Dự đoán các khả năng có thể xảy ra trong hoạt động;
– Dự đoán việc làm và hành vi ứng xử của bản thân người cán bộ tư pháp;
– Dự đoán các điểu kiện hoạt động và hành vi của các chủ thể tiến hành hoạt động điều tra, hoạt động xét xử, qua đó tổ chức và phối hợp hoạt động của họ;
– Dự đoán hành vi xử sự, thái độ và phản ứng của những người tham gia tố tụng khác (như của bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại…);
Việc dự đoán trong hoạt động tư pháp có một ý nghĩa quan trọng. Nó giúp người cán bộ tư pháp dự liệu trước những tình huống của hoạt động. Nhờ đó, có các kế hoạch hành động để chủ động và tích cực khi tiến hành hoạt động.
2.2. Lập kế hoạch
Lập kế hoạch là việc vạch ra các phương hướng, các bước hành động cụ thể, xác định các phương tiện, biện pháp, các điều kiện cần thiết để đạt được các hành động đã dự định. Ví dụ: Thẩm phán lập kế hoạch xét xử vụ án. Đây chính là việc thẩm phán vạch ra cụ thể trình tự xét xử vụ án, trình tự kiểm tra, xem xét các chứng cứ tại phiên tòa, xác định các phương pháp, cách thức tác động đến các đối tượng cần thiết…
Hoạt động lập kế hoạch được thực hiện kết hợp với hoạt động nhận thức.
Hoạt động nhận thức giúp người cán bộ tư pháp có được các thông tin cần thiết. Nhờ đó họ mới lập được các kế hoạch cụ thể cho hành động. Việc lập kế hoạch gồm các nội dung cơ bản sau:
– Lập kế hoạch cho quá trình thu thập, kiểm tra, phân tích, tổng hợp các thông tin cần thiết về sự việc.
+ Lập kế hoạch để thực hiện các hoạt động đấu tranh nhằm chấm dứt tội phạm, triệt tiêu những điều kiện có thể làm tội phạm tái phát, hoặc phát sinh tội phạm mới.
+ Lập kế hoạch kiểm tra các giả thiết được hình thành trong quá trình thu thập và nghiên cứu các chứng cứ.
+ Lập kế hoạch về quá trình hoạt động của điều tra viên, thẩm phán, quản giáo. Đây là kế hoạch cho từng dạng hoạt động cụ thể: cho hoạt động nhận thức, hoạt động giao tiếp, hoạt động giáo dục, hoạt động tổ chức.
Việc lập kế hoạch được tiến hành trên cơ sở của hoạt động dự đoán. Hoạt động dự đoán sẽ đưa ra mô hình về hành vi cũng như các tình huống có thể xảy ra. Nhờ đó, hoạt động lập kế hoạch sẽ vạch ra cụ thể trình tự các bước tiến hành, các công cụ phương tiện, biện pháp cần thiết. Hoạt động lập kế hoạch là một điều kiện để thực hiện các mục tiêu của hoạt động dự đoán. Như vậy, trong nhiều trường hợp thì dự đoán và lập kế hoạch có thể được tiến hành kế tiếp nhau.
2.3. Ra quyết định
Hoạt động ra quyết định là việc hình thành một quyết định hoặc một bản án cụ thể trên cơ sở xem xét, so sánh, đối chiếu các chứng cứ đã được xác định về vụ án với các điều luật cụ thể. Ví dụ: Điều tra viên đối chiếu các tình tiết đã được xác định với các quy định của pháp luật – ra quyết định khởi tố vụ án.
Ra quyết định là một hành động ý chí nhằm đảm bảo quá trình xác minh sự thật khách quan, chấm dứt sự phát triển của hoạt động phạm tội, chấm dứt sự phản kháng, đảm bảo cho các hoạt động khác trong lĩnh vực tư pháp. Hoạt động ra quyết định có những đặc điểm sau:
– Khi ra quyết định, người cán bộ tư pháp là người đại diện cho Nhà nước và pháp luật. Họ không thể hiện ý chí của cá nhân mà thể hiện ý chí của Nhà nước và pháp luật. Đặc điểm này thể hiện tính đặc thù của công tác bảo vệ pháp luật: người cán bộ bảo vệ pháp luật (điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên…) có những quyền hành đặc biệt, họ sử dụng những quyền hành đó nhân danh Nhà nước và pháp luật.
– Các quyết định của người cán bộ tư pháp mang tính bắt buộc, tính cưỡng chế cao. Nói cách khác, quyết định của người cán bộ tư pháp được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.
– Quyết định về việc thực hiện một hành vi tố tụng nào đó, sẽ có thể làm thay đổi vị trí pháp lý của công dân (buộc họ phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định như làm chứng cho một vụ án, hoặc hạn chế một số quyền nhất định của họ…). Như vậy, các quyết định của người cán bộ tư pháp có thể dẫn tới những hậu quả pháp lý nhất định.
– Các quyết định trong hoạt động tư pháp phải được ra bằng dạng văn bản và tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật về thẩm quyền và thủ tục.
Việc ra quyết định bằng văn bản có những tác động tâm lý nhất định đến người ra quyết định. Nó buộc người cán bộ tư pháp phải có tinh thần trách nhiệm cao, cân nhắc kỹ càng khi ra quyết định. Mặc khác, quy định chặt chẽ của pháp luật về thẩm quyền và thủ tục ra quyết định giúp cho công tác kiểm tra, giám sát đối với các quyết định được đưa ra trong hoạt động, phòng ngừa và phát hiện những sai sót, đảm bảo tính chính xác của các quyết định được đưa ra.
Trong hoạt động tư pháp, khi ra quyết định có thể áp dụng phương pháp “Ra quyết định tập thể” đối với các vấn đề được nảy sinh. Hình thức này cho phép có sự bàn bạc, thống nhất trong tập thể và ra quyết định tập thể.
Đối với phương pháp này cần phải có một điều kiện thiết yếu, đó là sự bình đẳng giữa các thành viên của tập thể khi ra quyết định. Ví dụ, việc ra các quyết định và bản án trong giai đoạn nghị án: sau khi xem xét lại các chứng cứ của vụ án, các thành viên của hội đồng xét xử tiến hành bỏ phiếu. Ở đây, vai trò của thẩm phán và hội thẩm nhân dân là như nhau. Phương pháp này sẽ đảm bảo cho tính chính xác của các quyết định được đưa ra.
Như vậy, hoạt động thiết kế được tiến hành dưới ba dạng chính: dự đoán, vạch kế hoạch và ra quyết định. Ba dạng này có sự hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo cho việc thực hiện các mục đích cơ bản của hoạt động tư pháp. Hoạt động thiết kế ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục đích cơ bản của hoạt động tư pháp. Vì vậy, nó thực hiện chức năng cơ bản trong cấu trúc tâm lý của hoạt động tư pháp.