1. Khái niệm hoạt động
Có nhiều quan điểm khác nhau tùy thuộc vào góc độ nghiên
– Dưới góc độ triết học, hoạt động là quan hệ biện chứng giữa chủ thể (con người) và khách thể (hiện thực khách quan).
– Dưới góc độ sinh học, hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và bắp thịt nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của cá nhân hoặc của xã hội.
– Dưới góc độ tâm lý học, hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới (khách thể) xung quanh để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới và về phía con người (chủ thể).
Hoạt động là phương thức tồn tại của con người: hoạt động cho tập thể, gia đình và bản thân; hoạt động vui chơi, hoạt động học tập, hoạt động lao động, hoạt động nghỉ ngơi, v.v…
Bằng hoạt động và trong các hoạt động này mà mỗi cá thể hình thành và phát triển năng lực, tính tình và đạo đức của mình. Nói cách khác, bằng hoạt động và trong hoạt động, mỗi cá thể người tự sinh thành ra mình, tự tạo ra nhân cách của mình.
Nhìn chung trong bất kỳ hoạt động nào của con người cũng bao gồm 2 quá trình diễn ra đồng thời, bổ sung cho nhau và thống nhất với nhau.
– Quá trình thứ nhất được gọi là quá trình đối tượng hóa (hay còn được gọi là “xuất tâm”) trong đó con người chuyển năng lượng của mình ra thành sản phẩm lao động. Đây là quá trình xuất tâm: trong quá trình này con người bộc lộ tâm lý (năng lực, ý chí, mong muốn, tính nết, v.v…) ra bên ngoài. Trong lao động thì đó là quá trình chuyển năng lực người thành sản phẩm lao động; trong giao tiếp thành mối quan hệ, v.v…
– Quá trình thứ hai được gọi là quá trình chủ thể hóa (nhập tâm”) trong đó con người chuyển nội dung của khách thể (bao gồm những quy luật, bản chất, đặc điểm…) vào chủ thể tạo nên tâm lý, ý thức, nhân cách,. Đây chính là quá trình chiếm lĩnh thế giới, hay còn được gọi là quá trình nhập tâm.
Có thể nói rằng, trong quan hệ giữa mình và thế giới bên ngoài, con người vừa thay đổi thế giới bên ngoài vừa thay đổi bản thân; con người vừa tạo ra sản phẩm lao động, vừa tạo ra nhân cách bản thân.
Tóm lại, hoạt động là quá trình xác lập và vận hành mối quan hệ giữa con người với hiện thực khách quan nhằm thực hiện những mục đích nhất định.
2. Đặc điểm của hoạt động
Xét hoạt động của con người ta thấy có một số đặc điểm sau:
2.1. Hoạt động bao giờ cũng là hoạt động có đối tượng
Hoạt động luôn luôn nhằm tác động vào một cái gì đấy, để thay đổi nó, hoặc để tiếp nhận nó chuyển vào đầu óc mình.
Thí dụ: hoạt động học tập là nhằm vào tri thức, kỹ năng.. để biết, hiểu, tiếp thu và đưa tri thức, kỹ năng vào vốn liếng kinh nghiệm của bản thân.
2.2. Hoạt động bao giờ cũng có chủ thể
Người lao động là chủ thể của hoạt động lao động. Thầy giáo và học sinh là chủ thể của hoạt động dạy – học. Chủ thể hoạt động có thể là một hoặc nhiều người. Thí dụ: thầy hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo hoạt động dạy và học, trò thực hiện hoạt động đó tức là thầy và trò cùng nhau tiến hành một hoạt động để đi đến một loại sản phẩm là hình thành ở học sinh một nhân cách hoàn chỉnh.
2.3. Hoạt động bao giờ cũng có tính mục đích
Hoạt động tạo ra sản phẩm có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với việc thoả mãn nhu cầu của con người và xã hội. Tính mục đích (tính lợi ích) là quy luật điều khiển mọi hoạt động.
2.4. Hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp
Trong hoạt động lao động người ta dùng công cụ lao động để tác động vào đối tượng lao động, công cụ lao động giữ vai trò trung gian giữa chủ thể lao động và đối tượng lao động, tạo ra tính gián tiếp trong hoạt động lao động.
Tương tự như vậy, tiếng nói, chữ viết, con số và các hình ảnh tâm lý khác là các công cụ tâm lý được sử dụng để tổ chức, điều khiển thế giới tinh thần ở mỗi con người. Công cụ lao động và công cụ tâm lý đều giữ chức năng trung gian trong hoạt động và tạo ra tính chất gián tiếp của hoạt động.
3. Phân loại hoạt động
Dựa trên những cơ sở khác nhau có các cách phân loại khác nhau
3.1. Cách chia khái quát nhất
Cách chia khái quát nhất là hoạt động được chia làm 2 loại: lao động và giao tiếp
– Lao động: là thực hiện mối quan hệ giữa người và vật (khách thể với chủ thể). Thông qua lao động con người mới tạo ra của cải vật chất cho xã hội, thoả mãn được nhu cầu về vật chất và tinh thần, hoạt động lao động là hoạt động cơ bản của con người.
– Giao tiếp: là thực hiện mối quan hệ giữa người và người (chủ thể với chủ thể).
3.2. Cách chia dựa theo sự phát triển của cả thể hoạt động
Cách chia thứ 2 là dựa theo sự phát triển của cả thể hoạt động được chia làm 3 loại hình hoạt động kế tiếp nhau: vui chơi, học tập, lao động.
– Vui chơi: Hoạt động này thường diễn ra ở giai đoạn trước tuổi đi học. Ở giai đoạn này cá thể không quan tâm đến đối tượng của hoạt động.
– Học tập: Trong hoạt động này, con người đã xác định đối tượng của hoạt động một cách cụ thể, nhưng chưa làm biến đổi được đối tượng đó.
– Lao động: Thông qua hoạt động này, con người đã làm biến đổi đối tượng của hoạt động.
Tóm lại, con người có nhiều hoạt động khác nhau, sự phân chia trên chỉ là tương đối để nhận diện các hoạt động. Các loại hoạt động của con người đều có quan hệ mật thiết với nhau.
4. Cấu trúc của hoạt động
Như đã biết, hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu (trực tiếp hay gián tiếp). Ta nói hoạt động được thúc đẩy bởi một động cơ nhất định. Động cơ là cái quan trọng nhất trong tâm lý con người. Có động cơ xa và động cơ gần. Động cơ xa là mục đích chung của hoạt động. Động cơ gần (động cơ trực tiếp) là mục đích bộ phận. Mục đích bộ phận là mục đích của từng hành động. Hành động là bộ phận hợp thành của hoạt động. Mỗi hoạt động có thể gồm một hay nhiều hành động tạo nên. Ngược lại, một hành động có thể tham gia một hay nhiều hoạt động khác nhau.
Hành động nhằm giải quyết một nhiệm vụ cụ thể trong điều kiện cụ thể. Tuỳ mục đích và điều kiện cụ thể nơi diễn ra hành động mà xác định cách thức cụ thể giải quyết nhiệm vụ. Cách thức này chính là các thao tác tạo nên hành động. Mục đích hành động thực hiện được là nhờ thực hiện thao tác. Ngược lại, các thao tác được quyết định bởi công cụ, điều kiện bên ngoài.
Tóm lại, cuộc sống con người là một dòng các hoạt động. Dòng các hoạt động này bao gồm các hoạt động riêng rẽ theo các động cơ tương ứng. Hoạt động được hợp thành bởi các hành động theo một mục đích nhất định. Hành động do các thao tác hợp thành và tùy thuộc các điều kiện cụ thể. Đó là cấu trúc vĩ mô của hoạt động ở con người.
Chúng ta có thể biểu diễn cấu trúc đó theo sơ đồ sau:
Cần đặc biệt chú ý tới các mối quan hệ qua lại giữa các thành tố trong cấu trúc hoạt động. Sáu thành tố cùng các mối quan hệ giữa chúng tạo thành cấu trúc vĩ mô của hoạt động. Hoạt động là sự vận động của từng người, các thành tố và quan hệ giữa chúng là sản phẩm nảy sinh chính trong sự vận động của hoạt động.