1. Định nghĩa hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp
Hoạt động tư pháp không chỉ nhằm đảm bảo sự công bằng cho xã hội, phát hiện và trùng trị người phạm tội, mà còn hướng tới một mục đích quan trọng, đó là: cải tạo cảm hoá người phạm tội, giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân, qua dó thực hiện tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm.
Hoạt động giáo dục được hiểu như sau:
Giáo dục là quá trình tác động có mục đích, có hệ thống đến tâm lý người bị giáo dục, nhằm hình thành ở họ những phẩm chất tâm lý mà người giáo dục mong muốn.
Trước hết, giáo dục là một quá trình tác động không mang tính tự phát, mà là quá trình tác động có chủ định, có mục đích rõ ràng. Quá trình giáo dục trong hoạt động tư pháp là một quá trình tác động có hệ thống. Có nghĩa là, chức năng giáo dục được tiến hành một cách đồng bộ và có sự kế tục.
Kết quả của hoạt động giáo dục ở giai đoạn trước, sẽ là tiền đề, là cơ sở để tiến hành hoạt động giáo dục ở giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, tính hệ thống của hoạt động giáo dục được thể hiện trong việc giáo dục cải tạo người phạm tội: ở giai đoạn điều tra, việc giáo dục người phạm tội chỉ mang tính chất sơ bộ, nhằm bước đầu hình thành ở họ thái độ ăn năn, hối hận đối với việc phạm tội, từ đó thành khẩn khai báo. Dựa trên kết quả giáo dục của giai đoạn điều tra, tòa án tiếp tục củng cố và làm hình thành ở người phạm tội thái độ ăn năn, hối hận, từ đó có thái độ tích cực đối với bản án của toà án. Thái độ này sẽ tạo ra tâm thế tích cực để phạm nhân dễ dàng thích nghi và chấp nhận các chế độ cải tạo. Nhờ đó, việc cải tạo có thể làm chuyển biến hoàn toàn tâm lý người phạm tội, làm cho họ trở thành người công dân có ích, được xã hội chấp nhận. Những phân tích trên cho thấy, việc cải tạo, cảm hoá người phạm tội được tiến hành một cách có hệ thống, đồng bộ trong tất cả các giai đoạn của hoạt động tư pháp.
2. Đặc điểm của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp
Hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp có những đặc điểm sau:
– Mục đích của hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp hướng tới những mục đích đặc biệt, đó là:
+ Nhằm giáo dục ý thức pháp luật cho công dân, hình thành ở họ thái độ tôn trọng đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, qua đó củng cố sức mạnh của Nhà nước pháp quyền.
+ Hoạt động giáo dục còn nhằm giáo dục người phạm tội, làm hình thành ở họ thái độ phê phán đối với hành vi đã thực hiện, có thái độ tích cực đối với bản án của toà án. Ngoài ra, hoạt động giáo dục còn tác động đến các thành viên không vững vàng trong xã hội, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm.
– Đối tượng của hoạt động giáo dục: giáo dục trong hoạt động tư pháp không chỉ hướng tới các công dân, mà còn hướng tới một đối tượng đặc biệt đó là người phạm tội, là người có những đặc điểm tâm lý tiêu cực, những lệch lạc trong nhân cách.
– Điều kiện của hoạt động giáo dục: hoạt động giáo dục trong hoạt động tư pháp được tiến hành trong những điều kiện đặc biệt, cụ thể:
Trong giai đoạn điều tra, hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua các dạng hoạt động điều tra như hoạt động xét hỏi, đối chất…
Trong giai đoạn xét xử, hoạt động giáo dục được tiến hành thông qua hoạt động xét xử công khai, trực tiếp tại phiên tòa.
Trong giai đoạn cải tạo, hoạt động giáo dục được tiến hành trong điều kiện của trại cải tạo, thông qua các chế độ giam giữ, sinh hoạt, học tập và lao động đặc biệt dành cho phạm nhân.
– Giáo dục trong hoạt động tư pháp mang tính cưỡng chế cao. Khi thực hiện tội phạm, người phạm tội không chỉ thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của họ gây nên, mà còn thể hiện sự lệch lạc trong nhân cách và chuẩn mực hành vi. Vì vậy, người phạm tội ỉà người không phù hợp xã hội. Để họ có thể hòa nhập với cộng đồng và được xã hội chấp nhận thì buộc phải giáo dục và cải tạo lại nhân cách của người phạm tội.