Điều 2 Luật Cán bộ, công chức 2008 đưa ra khái niệm về hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, theo đó “hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”.
Có thể hiểu hoạt động công vụ là hoạt động được tiến hành trên cơ sở pháp luật nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước vì lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của các tổ chức và cá nhân. Hoạt động công vụ là hoạt động có tính tổ chức cao, được tiến hành thường xuyên, liên tục theo trật tự do pháp luật quy định trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước. Hoạt động công vụ chủ yếu do đội ngũ công chức chuyên nghiệp thực hiện.
Công vụ khác với nhiệm vụ ở chỗ nếu công vụ là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục thì nhiệm vụ là công việc phải làm vì một mục đích nhất định trong một khoảng thời gian nhất định. Để thi hành công vụ cán bộ, công chức có thể phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Hoạt động công vụ phải được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Những nguyên tắc đó là:
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
Mọi hoạt động do cán bộ, công chức tiến hành nhằm thi hành công vụ đều phải được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Đối với cán bộ, công chức đòi hỏi tuân thủ Hiến pháp, pháp luật được đặt ra cao hơn đối với người dân bởi họ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động công vụ, họ còn có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn những người khác tuân thủ pháp luật.
2. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
Mọi hoạt động của cán bộ, công chức phải nhằm hướng tới việc phục vụ và bảo vệ lợi ích nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Họ phải tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình thi hành công vụ.
3. Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát
Hoạt động công vụ phải do người có thẩm quyền tiến hành công khai dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền và công luận. Các quyết định, hành vi của người thi hành công vụ phải rõ ràng, minh bạch, có căn cứ pháp luật.
4. Bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả
Hoạt động công vụ là hoạt động có tính hệ thống, đòi hỏi phải được tiến hành liên tục không ngắt quãng. Hoạt động công vụ được tiến hành thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới sẽ đem lại hiệu quả thực tế. Chính vì vậy, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả là một trong những nguyên tắc quan trọng trong thi hành công vụ.
5. Bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ
Thứ bậc hành chính được pháp luật quy định rõ ràng, theo đó cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương; cấp dưới nhận chỉ thị, mệnh lệnh từ cấp trên, có trách nhiệm báo cáo cấp trên về hoạt động của mình; cấp trên giao nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới. Bảo đảm thứ bậc hành chính phải đi đôi với việc bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cán bộ, công chức có vị trí và phạm vi thẩm quyền khác nhau trong thi hành công vụ.