1. Khái niệm hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được quy định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành theo những trình tự và thủ tục nhất định.
2. Hệ thống cấu trúc bên trong của pháp luật
2.1. Quy phạm pháp luật
Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra và bảo vệ, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo những định hướng nhằm đạt được những mục đích nhất định.
Quy phạm pháp luật là tế bào của hệ thống pháp luật
Ví dụ: Khoản 1 Điều 102 – Bộ luật hình sự: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Xét về kỹ thuật lập pháp, nội dung của quy phạm pháp luật được thể hiện trong 3 bộ phận: giả định, quy định và chế tài.
2.1.1. Giả định
Giả định là bộ phận của quy phạm pháp luật, thường nêu lên những tình tiết, hoàn cảnh hay điều kiện được dự kiến xảy ra trong đời sống và những tổ chức, cá nhân nào ở trong những điều kiện, hoàn cảnh đó thì sẽ phải chịu sự tác động của quy phạmpháp luật đó.
Bộ phận gia đình thường nói về địa điểm, thời gian, các chủ thể, hoàn cảnh thực tế mà trong đó mệnh lệnh của quy phạm được thực hiện, tức là xác định môi trường của sự tác động của quy phạm pháp luật.
Ví dụ: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
2.1.2. Quy định
Quy định là bộ phận của quy phạm pháp luật, trong đó nêu quy tắc xử sự buộc mọi chủ thể phải xử sự theo khi ở hoàn cảnh đã nêu trong phần gia đình của quy phạm.
Ví du:
– Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật
– Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp (Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự)
2.1.3. Chế tài
Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với chủ thể không thực hiện đúng mệnh lệnh của nhà nước đã nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 98 – Bộ luật hình sự: “Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Theo các ngành luật thì chế tài có thể chia thành: chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài kỷ luật, chế tài dân sự.
– Chế tài hành chính: áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm luật hành chính, có hành vi thực hiện một cách vô ý hoặc cố ý xâm phạm các quy tắc quản lý hành chính của nhà nước. Chế tài hành chính bao gồm các các biện pháp phạt hành chính, hình thức phạt bổ sung, phạt tiền.
– Chế tài hình sự: áp dụng đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm.. Chế tài hình sự còn được coi là hình phạt. Chỉ có toà án mới có thẩm quyền áp dụng chế tài hình sự.
– Chế tài dân sự : là các biện pháp tác động đến tài sản, nhân thân của một bên đã gây ra thiệt hại cho một bên khác, ví dụ như bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản bị xâm phạm...
– Chế tài kỷ luật: là loại chế tài mà người sử dụng lao động áp dụng đối với người sử dụng lao động mà họ thuê mướn, sử dụng theo hợp đồng lao động khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động, nội quy lao động. Các chế tài kỷ luật quy định trong bộ luật lao động hay trong pháp lệnh cán bộ, công chức...
Lưu ý:
– Một điều luật tương ứng với 1 quy phạm pháp luật, nhưng 1 điều luật có thể có nhiều quy phạm pháp luật.
– Không nhất thiết trong 1 quy phạm pháp luật phải có đủ 3 bộ phận: giả định, quy định, chế tài.
– Trật tự giả định, quy định, chế tài có thể bị đảo lộn
2.2. Chế định pháp luật (nhóm quy phạm pháp luật)
Là một tập hợp gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất và liên hệ mật thiết với nhau.
Ví dụ: Chế định kết hôn, Chế định ly hôn trong ngành luật Hôn nhân gia đình.
2.3. Ngành luật
Ngành luật là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội.
– Căn cứ để phân biệt sự khác nhau giữa các ngành luật là: Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh.
+ Đối tượng điều chỉnh của ngành luật là những quan hệ xã hội có đặc điểm cùng loại cần điều chỉnh. Ví dụ: Quan hệ giữa vợ, chồng, quan hệ giữa cha mẹ, con cái... là những quan hệ cùng loại (tình cảm gia đình), là đối tượng điều chỉnh của ngành luật Hôn nhân gia đình.
+ Phương pháp điều chỉnh của ngành luật là cách thức tác động vào các quan hệ xã hội đó. Ví dụ: Phương pháp quyền uy, phục tùng trong ngành luật Hành chính.
Phương pháp thỏa thuận, tự định đoạt trong ngành luật Dân sự.