Giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện thế nào? Đây là câu hỏi mà nhiều người đang thắc mắc khi làm chế độ bảo hiểm xã hội. Bài viết sau đây sẽ giải đáp tất cả những nội dung liên quan đến vấn đề này, cùng theo dõi.
1. Giám định thương tật là gì? Xin giấy giám định thương tật ở đâu?
Giám định thương tật được đề cập trong bài viết này chính là thủ tục giám định y khoa do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để người lao động được hưởng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo đó, giám định thương tật là hoạt động của các cá nhân có năng lực, chuyên môn thuộc cơ quan y tế có thẩm quyền (được gọi là Hội đồng giám định y khoa) nhằm xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể, thương tích, bệnh tật của người lao động theo yêu cầu dựa trên các phương pháp, quy trình mà pháp luật quy định.
Căn cứ quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Thông tư 56/2017/TT-BYT thì việc khám giám định được thực hiện tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc trung ương.
Và theo Thông tư 01/2023/TT-BYT thì Hội đồng giám định y khoa chính là Hội đồng chuyên môn về y tế được thành lập với mục đích xác định tình trạng sức khỏe và mức độ tổn thương cơ thể (nếu có) của người lao động do bị thương tích, bệnh, tật, dị dạng, dị tật theo đề nghị.
Hội đồng cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền khám giám định lần đầu, khám lại với những đối tượng có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc đng sinh sống tại chính địa bàn tỉnh, thành phố đó.
Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương có thẩm quyền khám giám định đối với những đối tượng đang cư trú, làm việc, sinh sống tại các tỉnh, thành phố theo quyết định phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế khi có đề nghị của đối tượng/cơ quan quản lý đối tượng đó.
Ngoài ra, hội đồng cấp trung ương còn khám cho những trường hợp vượt quá khá năng của hội đồng cấp tỉnh, trường hợp không đồng ý với kết luận của hội đồng cấp tỉnh,…
2. Giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện thế nào?
Căn cứ quy định tại Mục 5 Phần 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định 2285/QĐ-BYT năm 2023 thì thủ tục khám giám định để được hưởng BHXH thực hiện như sau:
Bước 1: Lập 01 bộ hồ sơ để gửi Hội đồng giám định y khoa
Hồ sơ gửi Hội đồng giám định gồm những giấy tờ sau đây:
– Giấy đề nghị giám định;
– Bản chính hoặc bản sao (có công chứng/chứng thực) của một trong các giấy tờ sau đây:
-
Tóm tắt hồ sơ bệnh án của NLĐ;
-
Giấy xác nhận khuyết tật của NLĐ;
-
Giấy ra viện của người được khám giám định;
-
Sổ khám bệnh của người được khám giám định;
-
Phiếu khám bệnh của NLĐ;
-
Phiếu kết quả cận lâm sàng của NLĐ;
-
Đơn thuốc của cơ sở khám chữa bệnh cho NLĐ;
-
Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;
-
Biên bản giám định y khoa lần gần nhất áp dụng đối với người đã được khám giám định trước đó;
– Một trong những giấy tờ chứng minh về nhân thân, có dán ảnh như: CCCD, hộ chiếu còn hiệu lực. Nếu không có thì xin xác nhận của công an xã.
Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Hội đồng giám định theo quy định pháp luật.
Bước 3: Xem xét, tổ chức khám giám định theo yêu cầu của người lao động.
Thời gian tiến hành việc tổ chức khám là 60 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ từ người lao động. Sau khi hoàn thành việc khám, Hội đồng sẽ ban hành biên bản khám giám định. Nếu quá thời hạn đã nêu mà chưa ban hành biên bản thì phải có văn bản thông báo rõ nội dung và nêu lý do.
3. Giải đáp liên quan đến giám định thương tật
3.1. Giám định thương tật hết bao nhiêu tiền?
Như đã đề cập ở đầu bài viết, giám định thương tật ở đây được hiểu là giám định y khoa để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Theo đó, căn cứ Thông tư 243/2016/TT-BTC thì mức phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa hiện nay như sau:
– Trường hợp khám giám định thông thường mức phí là 1.150.000 đồng/trường hợp;
– Khám giám định phúc quyết có mức phí 1.368.000 đồng/trường hợp;
– Khám giám định đặc biệt có mức phí là 1.513.000 đồng/trường hợp.
Đây là mức phí đối với khám lâm sàng. Với nội dung khám cận lâm sàng, tùy thuộc vào nội dung khám cụ thể (siêu âm, khám điện tâm đồ,…) mà mức phí dao động từ 135.000 đồng/trường hợp – 2.882.000 đồng/trường hợp.
3.2. Bệnh viện có giám định thương tật không?
Căn cứ các quy định tại Thông tư 01/2023/TT-BYT thì việc khám giám định thương tật – cụ thể là giám định y khoa để hưởng BHXH sẽ được hội đồng giám định y khoa tiến hành. Hội đồng này sẽ gồm các thành viên khác nhau được lập nên nhằm xác định sức khỏe, tỷ lệ tổn thương cơ thể… cho các cá nhân theo yêu cầu. Như vậy thì bệnh viện sẽ không có thẩm quyền khám giám định y khoa để hưởng BHXH.