Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, nếu một bên tham gia hợp đồng không nhằm mục đích lợi nhuận, tranh chấp giữa bên đó với bên kia sẽ không được coi là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của toà án.
1. Hệ thống toà án Việt Nam và thẩm quyền
Hệ thống toà án Việt Nam gồm ba cấp. Cấp thấp nhất là toà án nhân dân cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh, cao hơn là toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Toà án cấp cao nhất ở Việt Nam là Toà án nhân dân tối cao. Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân tối cao có các toà chuyên trách. Toà án nhân dân cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh không phân chia các toà chuyên trách. Các toà chuyên trách bao gồm toà dân sự, toà hình sự, toà lao động, toà hành chính, toà kinh tế. Các tranh chấp thương mại sẽ do toà kinh tế thuộc toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Toà án nhân dân tối cao giải quyết.
2. Nguyên tắc xét xử
Nguyên tắc xét xử tại toà án được quy định từ Điều 3 đến Điều 24 của Bộ luật tố tụng dân sự. Bên cạnh những nguyên tắc chung giống như pháp luật của các nước khác, pháp luật Việt Nam cũng có một số nguyên tắc đặc thù. Về nguyên tắc, toà án xét xử công khai. Tòa án chỉ xét xử kín trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Trong quá trình xét xử, toà án không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình.
Nhìn chung, toà án xét xử và quyết định theo đa số, tức là hội đồng xét xử gồm 1 hoặc 3 đến 5 thẩm phán.
Tiếng nói và chữ viết sử dụng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt. Nghĩa là, bên nước ngoài trong tranh chấp phải tự thuê phiên dịch và biên dịch tài liệu cho mình.
Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bản án/quyết định sơ thẩm của toà án có thể bị kháng cáo. Nếu bản án/quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời gian do Bộ luật tố tụng dân sự quy định, thì có hiệu lực pháp luật. Nếu bản án/quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án/quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Nếu bản án/quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới, thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tục tố tụng
Việc khởi kiện được thực hiện khi một bên gửi đơn kiện bằng văn bản đến toà án. Đơn kiện có thể do đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ví dụ, luật sư, hoặc bản thân nguyên đơn nộp. Nguyên đơn phải tạm ứng án phí. Thời gian trung bình để giải quyết một vụ tranh chấp khoảng một năm, tùy thuộc vào từng vụ tranh chấp cụ thể.
Trong trường hợp pháp luật không quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.
4. Công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của toà án nước ngoài ở Việt Nam
Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của toà án nước ngoài ở Việt Nam phải được gửi đến Bộ tư pháp Việt Nam.
Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, toà án có quyền yêu cầu người gửi đơn hoặc toà án nước ngoài đã ra bản án phải giải thích những điểm chưa rõ trong hồ sơ. Văn bản yêu cầu giải thích và văn bản trả lời phải được gửi thông qua Bộ tư pháp. Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do một hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba thẩm phán, trong đó một thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của chánh án toà án.
Lưu ý rằng: Kiểm sát viên của viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.
Cơ sở từ chối đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của toà án nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
(i) Bản án/quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có toà án đã ra bản án/quyết định đó;
(ii) Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên toà của toà án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ;
(iii) Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của toà án Việt Nam;
(iv) Cùng vụ án này, đã có bản án/quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của toà án Việt Nam, hoặc của toà án nước ngoài đã được toà án Việt Nam công nhận, hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lí vụ án, toà án Việt Nam đã thụ lí và đang giải quyết vụ án đó;
(v) Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có toà án đã ra bản án/quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật Việt Nam;
(vi) Việc công nhận và cho thi hành bản án/quyết định dân sự của toà án nước ngoài tại Việt Nam trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.