Để khai thác thủy sản tại Việt Nam, các tổ chức và cá nhân cần tuân thủ một số điều kiện khai thác thủy sản cụ thể theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
1. Khai thác thủy sản là gì?
Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Thủy sản 2017, khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
Khai thác thủy sản bất hợp pháp là hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện bởi tàu cá của Việt Nam, nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà không được phép, hoạt động trái với luật pháp, quy định của quốc gia đó hoặc tàu cá treo cờ của quốc gia đã ký thỏa ước với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực nhưng hoạt động trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức có tính chất ràng buộc đối với quốc gia tàu treo cờ, hoạt động trái với các điều khoản trong luật quốc tế được áp dụng hoặc tàu cá vi phạm luật quốc gia hay các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm cả luật và nghĩa vụ quốc tế của các quốc gia hợp tác với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan.
2. Điều kiện khai thác thủy sản mới nhất
Để khai thác thủy sản tại Việt Nam, các tổ chức và cá nhân cần tuân thủ một số điều kiện khai thác thủy sản cụ thể theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
2.1. Điều kiện cấp Giấy phép khai thác thủy sản
Theo quy định tại Điều 50 của Luật Thủy sản 2017, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;
– Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;
– Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;
– Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên theo quy định của Chính phủ;
– Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
– Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
2.2. Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
Theo quy định tại Điều 53 Luật Thủy sản 2017, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đối với tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc cấp phép đối với khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cho phép hoặc được tổ chức quản lý nghề cá khu vực cấp hạn ngạch cho Việt Nam;
– Tàu cá có đủ điều kiện hoạt động; đã được đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực ít nhất 06 tháng; có đủ trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá; thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc phù hợp;
– Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng hoặc chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp; thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có bảo hiểm, hộ chiếu; trên tàu hoặc một nhóm tàu phải có ít nhất một người biết sử dụng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật;
– Đáp ứng điều kiện khác theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
3. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép khai thác thủy sản
3.1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác thủy sản
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản bao gồm:
– Đơn đề nghị theo Mẫu số 02.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
– Bản chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá theo quy định phải đăng kiểm;
– Bản chụp văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá.
3.2. Trình tự cấp giấy phép khai thác thủy sản
– Tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn);
– Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền thực hiện cấp, cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản;
– Trong trường hợp không cấp, cấp lại cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.