1. Danh sách 14 Tòa án nhân dân khu vực tại tỉnh Đồng Nai
Danh sách 14 Tòa án nhân dân khu vực tại tỉnh Đồng Nai theo Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể:
STT | Tên | Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực | Tòa án nhân dân khu vực kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp huyện sau đây |
---|---|---|---|
85 | Tòa án nhân dân khu vực 1 – Đồng Nai | Đối với 25 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: An Bình, An Hòa, Bình Đa, Bửu Hòa, Bửu Long, Hiệp Hòa, Hố Nai, Hóa An, Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, Quang Vinh, Tam Hiệp, Tam Phước, Tân Biên, Tân Hạnh, Tân Hiệp, Tân Hòa, Tân Mai, Tân Phong, Tân Vạn, Thống Nhất, Trảng Dài, Trung Dũng, Long Hưng | Biên Hòa |
86 | Tòa án nhân dân khu vực 2 – Đồng Nai | Đối với 26 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Long Thành, An Phước, Bàu Cạn, Bình An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An, Long An, Long Đức, Long Phước, Phước Bình, Phước Thái, Tam An, Tân Hiệp, Hiệp Phước, Đại Phước, Long Tân, Long Thọ, Phú Đông, Phú Hội, Phú Hữu, Phú Thạnh, Phước An, Phước Khánh, Phước Thiền, Vĩnh Thanh | Nhơn Trạch, Long Thành |
87 | Tòa án nhân dân khu vực 3 – Đồng Nai | Đối với 27 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Trảng Bom, An Viễn, Bắc Sơn, Bàu Hàm, Bình Minh, Cây Gáo, Đồi 61, Đông Hòa, Giang Điền, Hố Nai 3, Hưng Thịnh, Quảng Tiến, Sông Thao, Sông Trầu, Tây Hòa, Thanh Bình, Trung Hòa, Vĩnh An, Bình Lợi, Mã Đà, Phú Lý, Tân An, Tân Bình, Thạnh Phú, Thiện Tân, Trị An, Vĩnh Tân | Vĩnh Cửu, Trảng Bom |
88 | Tòa án nhân dân khu vực 4 – Đồng Nai | Đối với 23 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Bảo Vinh, Bàu Sen, Phú Bình, Suối Tre, Xuân An, Xuân Bình, Xuân Hòa, Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Quang, Bàu Trâm, Bình Lộc, Hàng Gòn, Dầu Giây, Bàu Hàm 2, Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, Hưng Lộc, Lộ 25, Quang Trung, Xuân Thiện | Thống Nhất, Long Khánh |
89 | Tòa án nhân dân khu vực 5 – Đồng Nai | Đối với 13 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Long Giao, Bảo Bình, Lâm San, Nhân Nghĩa, Sông Nhạn, Sông Ray, Thừa Đức, Xuân Bảo, Xuân Đông, Xuân Đường, Xuân Mỹ, Xuân Quế, Xuân Tây | Cẩm Mỹ |
90 | Tòa án nhân dân khu vực 6 – Đồng Nai | Đối với 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Gia Ray, Bảo Hòa, Lang Minh, Suối Cao, Suối Cát, Xuân Bắc, Xuân Định, Xuân Hiệp, Xuân Hòa, Xuân Hưng, Xuân Phú, Xuân Tâm, Xuân Thành, Xuân Thọ, Xuân Trường | Xuân Lộc |
91 | Tòa án nhân dân khu vực 7 – Đồng Nai | Đối với 14 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Định Quán, Gia Canh, La Ngà, Ngọc Định, Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Ngọc, Phú Tân, Phú Túc, Phú Vinh, Suối Nho, Thanh Sơn, Túc Trưng | Định Quán |
92 | Tòa án nhân dân khu vực 8 – Đồng Nai | Đối với 16 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Tân Phú, Đak Lua, Nam Cát Tiên, Phú An, Phú Bình, Phú Điền, Phú Lâm, Phú Lập, Phú Lộc, Phú Sơn, Phú Thanh, Phú Thịnh, Phú Xuân, Tà Lài, Thanh Sơn, Trà Cổ | Tân Phú |
93 | Tòa án nhân dân khu vực 9 – Đồng Nai | Đối với 19 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Tân Thành, Tiến Hưng, Tiến Thành, Tân Phú, Tân Đồng, Tân Thiện, Tân Bình, Tân Xuân, Thuận Phú, Thuận Lợi, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Tân Phước, Tân Lợi, Tân Hưng, Tân Tiến, Tân Lập, Tân Hòa, Tân Phú | Đồng Xoài, Đồng Phú |
94 | Tòa án nhân dân khu vực 10 – Đồng Nai | Đối với 28 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Thanh Phú, Thanh Lương, An Lộc, Hưng Chiến, Phú Đức, Phú Thịnh, Quang Minh, Nha Bích, Minh Thắng, Minh Lập, Minh Long, Minh Hưng, Hưng Long, Thành Tâm, Minh Thành, Thanh Bình, Tân Quan, Phước An, Tân Lợi, Tân Hưng, An Khương, Thanh An, Đồng Nơ, Tân Hiệp, An Phú, Minh Tâm, Minh Đức, Tân Khai | Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long |
95 | Tòa án nhân dân khu vực 11 – Đồng Nai | Đối với 17 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Phước Tín, Long Giang, Long Phước, Phước Bình, Long Thủy, Thác Mơ, Sơn Giang, Long Bình, Long Hưng, Bình Tân, Long Hà, Long Tân, Bù Nho, Phú Riềng, Phước Tân, Phú Trung, Bình Sơn | Phước Long, Phú Riềng |
96 | Tòa án nhân dân khu vực 12 – Đồng Nai | Đối với 16 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Đăng Hà, Thống Nhất, Phước Sơn, Đức Liễu, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, Đoàn Kết, Minh Hưng, Đồng Nai, Phú Sơn, Thọ Sơn, Đường 10, Đak Nhau, Bom Bo, Bình Minh, Đức Phong | Bù Đăng |
97 | Tòa án nhân dân khu vực 13 – Đồng Nai | Đối với 15 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Tân Tiến, Tân Thành, Thanh Hòa, Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện, Thanh Bình, Bù Gia Mập, Đăk Ơ, Phú Văn, Đức Hạnh, Phú Nghĩa, Phước Minh, Đa Kia, Bình Thắng | Bù Gia Mập, Bù Đốp |
98 | Tòa án nhân dân khu vực 14 – Đồng Nai | Đối với 16 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai: Lộc An, Lộc Thành, Lộc Thịnh, Lộc Thái, Lộc Thuận, Lộc Hưng, Lộc Điền, Lộc Khánh, Lộc Tấn, Lộc Thiện, Lộc Hòa, Lộc Thạnh, Lộc Quang, Lộc Phú, Lộc Hiệp, Lộc Ninh | Lộc Ninh |

2. Tòa án nhân dân khu vực là gì?
Tòa án nhân dân khu vực là một cấp tòa án trong hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân tại Việt Nam. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khu vực được quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), cụ thể:
– Sơ thẩm vụ án, vụ việc theo quy định của luật.
– Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;
– Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;
– Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;
– Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án theo quy định của luật;
– Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.
– Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực
Theo quy định tại Điều 60 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực bao gồm:
– Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực.
Căn cứ quy định tại điểm này và yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 của Luật này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
– Bộ máy giúp việc.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân khu vực.
Tòa án nhân dân khu vực có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án làm công tác thi hành án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.