Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì mới được hưởng lương hưu. Vậy trường hợp không đủ 20 năm thì có được đóng bù bảo hiểm xã hội bị thiếu, gián đoạn để hưởng lương hưu không? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Có được đóng bù bảo hiểm xã hội không?
1.1. Đối với BHXH tự nguyện
Điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về phương thức đóng BHXH tự nguyện như sau: “Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”
Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì:
“Quá thời điểm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định … mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội thì được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.”
Qua hai quy định trên, có thể kết luận là người dân được đóng bù BHXH trong hai trường hợp: (i) đóng bù cho những năm còn thiếu khi đã đủ tuổi nghỉ hưu; (ii) đóng bù cho thời gian bị gián đoạn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp đóng bù cho những năm còn thiếu khi đã đủ tuổi nghỉ hưu
Tuy nhiên, có hai điều kiện mà người tham gia BHXH cần tuân thủ để được đóng bù BHXH tự nguyện trong trường hợp này: (i) Đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; và (ii) Có thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng). Lúc này người lao động đóng thêm cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu hàng tháng.
Thứ hai, đóng bù cho thời gian bị gián đoạn khi tham gia BHXH tự nguyện
Theo đó, nếu đang đóng BHXH tự nguyện mà có thời gian gián đoạn do không đóng BHXH đúng hạn thì người lao động sẽ được đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó để tích lũy đủ ít nhất 20 năm tham gia BHXH, được hưởng lương hưu khi đủ tuổi.
1.2. Đối với BHXH bắt buộc
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 2 Điều 21, khoản 3 Điều 85, khoản 1 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014; khoản 4 Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, nếu người dân không đóng BHXH bắt buộc liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH; hàng tháng người người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH và trích từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Như vậy, xét về bản chất thì mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ dựa trên tiền lương và là một mức nhất định, khác với việc lựa chọn mức đóng bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm tự nguyện. Do đó, người dân không có căn cứ để đóng bù BHXH bắt buộc.
2. Có được đóng lùi bảo hiểm xã hội không?
Tuy pháp luật chưa có định nghĩa nhưng có thể hiểu đóng lùi bảo hiểm xã hội là tạm dừng đóng BHXH trong một khoảng thời gian nhất định khi không có khả năng đóng. Hết thời hạn tạm dừng đóng phải tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng.
Thứ nhất, các trường hợp được đóng lùi BHXH bắt buộc không quá 12 tháng được quy định tại Điều 16 Nghị định 155/2015/NĐ-CP như sau:
– Trường hợp tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
– Trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
Thứ hai, đóng lùi BHXH tự nguyện là đóng bù BHXH tự nguyện như đã trình bày ở phần trên, gồm hai trường hợp sau: (i) đóng lùi cho những năm còn thiếu khi đã đủ tuổi nghỉ hưu (khoản 3 Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP); (ii) đóng lùi cho thời gian bị gián đoạn (khoản 3 Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).
3. Có được đóng nối bảo hiểm xã hội không?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì “Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, trường hợp người dân đóng bảo hiểm xã hội ngắt quãng không liên tục thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được tính là tổng toàn bộ thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, người dân hoàn toàn có thể đóng nối BHXH khi bị ngắt quãng, gián đoạn.