Cơ chế điều chỉnh pháp luật là hệ thống các phương tiện, cách thức pháp lý, thông qua đó, pháp luật thực hiện sự tác động lên hành vi có ý chí của các chủ thể pháp luật (cá nhân, cơ quan, tổ chức). Cụ thể:
Cơ chế điều chỉnh pháp luật được xác định thông qua các yếu tố:
1) Xác lập địa vị, tư cách pháp lý của chủ thể pháp luật;
2) Xác định các sự kiện đời sống mang tính pháp lý và được gọi là sự kiện pháp lý;
3) Xác định mô hình cho các quan hệ pháp luật thể hiện thành các quy phạm pháp luật;
4) Xác định các biện pháp bảo vệ về mặt pháp luật và hình thức trách nhiệm pháp lý. Tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung của phương pháp điều chỉnh pháp luật, tức là cách thức mà ý chí của nhà lập pháp, lập quy sử dụng để tác động lên hành vi ý chí của các chủ thể pháp luật mà cơ chế điều chỉnh pháp luật có thể trở nên phức tạp hay đơn giản. Đây chính là phương diện quan trọng bậc nhất xác định tính chất của cơ chế điều chỉnh pháp luật: cho phép, cấm đoán, lệnh phải làm, tạo điều kiện vật chất bảo đảm thực hiện, tuân thủ, chấp hành;
5) Sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật.
Mỗi cơ chế điều chỉnh pháp luật hoạt động trong một môi trường pháp lý nhất định. Hiệu quả dân tộc… của điều chỉnh pháp luật trước hết phụ thuộc vào các yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật, đồng thời, phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính trị, kinh tế và văn hoá của xã hội như ý thức pháp luật của cá nhân và xã hội, tính ổn định của chế độ chính trị, xã hội, truyền thống văn hoá pháp lý của quốc gia đó.
1. Cơ chế điều chỉnh pháp luật là gì?
Điều chỉnh pháp luật là một dạng của điều chỉnh xã hội có tổ chức, có mục đích. Quá trình đó được thực hiện không thể tức thời mà là một hoạt động có tính hệ thống, được thực hiện thông qua một hệ thống các phương tiện, quy trình pháp lý được gọi là cơ chế điều chỉnh pháp luật.
Cơ chế điều chỉnh pháp luật là một khái niệm phức tạp, nó được xem xét, nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau từ chức năng, mục đích xã hội, tâm lý, hệ thống…
Dưới góc độ hệ thống, cơ chế điều chỉnh pháp luật được hiểu là hệ thống thống nhất các phương tiện, quy trình pháp lý, thông qua đó thực hiện sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội nhằm thực hiện những nhiệm vụ và mục đích mà nhà nước đặt ra.
Cơ chế điều chỉnh pháp luật có nhiều yếu tố hợp thành như quy phạm pháp luật, quyết định cá biệt, quan hệ pháp luật, chủ thể, ý thức pháp luật, pháp chế, trách nhiệm pháp lý… Mỗi yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật có những nhiệm vụ, vị trí, vai trò nhất định trong quá trình điều chỉnh pháp luật. Giữa các yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật luôn có sự liên hệ mật thiết, thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Yếu tố này là tiền đề, cơ sở và bổ sung cho yếu tố khác để tạo ra sự vận hành đồng bộ, nhịp nhàng của cả cơ chế. Do vậy, nếu thiếu đi một yếu tố nào đó thì cơ chế có thể không vận hành được hoặc vận hành không hiệu quả.
Cơ chế điều chỉnh pháp luật xuất phát từ nhu cầu quản lý xã hội, là sự kết hợp giữa cái khách quan (do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội) và cái chủ quan (phụ thuộc vào ý chí nhà nước, ý chí của các chủ thể pháp luật). Do vậy, cơ chế điều chỉnh pháp luật là một cơ chế động, nó luôn biến đổi cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội.
Cơ chế điều chỉnh pháp luật có thể giản đơn (không có giai đoạn áp dụng pháp luật) cũng có thể là cơ chế phức tạp (thông qua giai đoạn áp dụng pháp luật, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau với nhiều công đoạn khác nhau). Khi tiến hành điều chỉnh pháp luật, đòi hỏi tất cả các tổ chức và cá nhân phải tuân theo cơ chế điều chỉnh pháp luật một cách chính xác, có như vậy thì việc điều chỉnh pháp luật mới đạt được mục đích mong muốn, mới có hiệu quả.
2. Các yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật
2.1. Quy phạm pháp luật
Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhiệm vụ của quy phạm pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật là xác định đối tượng và phạm vi tác động của quy phạm pháp luật như:
– Xác định những tổ chức, cá nhân nào chịu sự tác động của quy phạm pháp luật;
– Xác định những hoàn cảnh, điều kiện mà trong đó các chủ thể cần phải chỉ đạo hành vi của mình theo quy định của pháp luật;
– Đưa ra cách (quy tắc) xử sự bằng việc chỉ ra quyền, nghĩa vụ của các chủ thể.
Một số quy phạm còn xác định cả thời gian, không gian tác động của quy phạm, thậm chí cả kết quả hoặc hậu quả của việc điều chỉnh pháp luật
Các văn bản giải thích pháp luật chính thức cũng có một vai trò nhất định trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Chúng là phương tiện để bảo đảm cho sự nhận thức thống nhất và thực hiện thống nhất các quy định pháp luật.
2.2. Quyết định pháp luật cá biệt
Trong cơ chế điều chỉnh pháp luật, quyết định pháp luật cá biệt mà đặc biệt là quyết định áp dụng pháp luật có vai hò cụ thể hóa những quy tắc xử sự chung thành những quy tắc xử sự cụ thể cho những tổ chức và cá nhân xác định, ghi nhận các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể hoặc các biện pháp cưỡng chế nhà nước trong trường hợp truy cứu hách nhiệm pháp lý. Quyết định pháp luật cá biệt có thể tham gia vào cơ chế điều chỉnh pháp luật ở hai giai đoạn khác nhau:
– Giai đoạn đầu để cá biệt hoá quy tắc xử sự chung thành quy tắc xử sự cá biệt khi quy phạm pháp luật quy định (đòi hỏi) là các quyền và nghĩa vụ pháp lý đó phải được cá biệt hóa bằng các quyết định pháp luật cá biệt.
– Giai đoạn sau nó được dùng để cá biệt hoá các biện pháp cưỡng chế nhà nước mà chế tài các quy phạm pháp luật đã quy định đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự cá biệt hóa các quyền và nghĩa vụ pháp lý không nhất thiết phải thực hiện bằng quyết định pháp luật cá biệt. Chẳng hạn, một số quy định trong Luật hôn nhân và gia đình…
Các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể chỉ phát sinh, thay đổi, chấm dứt khi trong thực tế cuộc sống xuất hiện những hoàn cảnh, điều kiện, sự kiện cụ thể mà chúng đã được nêu ra trong các quy phạm pháp luật (đó là các sự kiện pháp lý). Sự kiện pháp lý trong cơ chế điều chỉnh pháp luật là chiếc cầu nối giữa ý chí nhà nước (thể hiện trong quy phạm pháp luật) và quan hệ pháp luật.
2.3. Quan hệ pháp luật
Dừng quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội đã làm cho quan hệ xã hội mang tính chất pháp lý, nghĩa là, đã tạo ra cho các bên tham gia quan hệ xã hội đó các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Như vậy, quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của pháp luật và khi được pháp luật điều chỉnh thì nó lại là yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật, thông qua quan hệ pháp luật cụ thể mà quy phạm pháp luật được thể hiện trong cuộc sống. Quan hệ pháp luật phát sinh với nội dung là quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể đối với các chủ thể cụ thể đã có khả năng thực hiện được.
Tuy nhiên, quy phạm pháp luật không thể tự mình tác động lên quan hệ xã hội được mà sự tác động đó phải được tiến hành thông qua hành vi thực tế thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể pháp luật. Như vậy, bằng hành vi thực tế của mình, các chủ thể pháp luật đã làm cho các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống hiện thực.
2.4. Ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình điều chỉnh pháp luật. Nó là cơ sở tư tưởng chỉ đạo toàn bộ quá trình điều chỉnh pháp luật để việc điều chỉnh pháp luật được tiến hành đúng đắn, có cơ sở khoa học và đạt hiệu quả cao.
Trình độ văn hoá pháp lý và ý thức pháp luật của các tổ chức và cá nhân, mà đặc biệt là của đội ngũ những người trực tiếp xây dựng, tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả điều chỉnh pháp luật.
2.5. Trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm pháp lý thể hiện ở sự áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Trong cơ chế điều chỉnh pháp luật thì trách nhiệm pháp lý có vai trò là phương tiện để xóa bỏ hiện tượng vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình điều chỉnh pháp luật, bảo đảm cho cơ chế điều chỉnh pháp luật hoạt động bình thường và ngăn chặn những hành vi tương tự như vậy trong tương lai.
2.6. Pháp chế
Pháp chế là một nguyên tắc cơ bản của quá trình điều chỉnh pháp luật, nó đòi hỏi mọi hoạt động điều chỉnh pháp luật phải phù hợp với pháp luật. Chỉ quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế mới xóa bỏ được sự quản lý dựa trên ý chí chủ quan, tuỳ tiện, xóa bỏ được sự quản lý tùy thuộc vào các tình tiết ngẫu nhiên, vào tâm hạng và tính cách của nhà quản lý, làm cho các yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật có thể liên kết được với nhau trong một thể thống nhất, hoạt động nhịp nhàng và đồng bộ nhằm đạt được các mục đích đặt ra.
2.7. Chủ thể điều chỉnh pháp luật
Chủ thể là một yếu tố không thể thiếu và có một vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Chủ thể trong cơ chế điều chỉnh pháp luật là tổ chức, cá nhân thực hiện sự điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Chất lượng hoạt động của chủ thể có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả của điều chỉnh pháp luật.
Tóm lại, cơ chế điều chỉnh pháp luật là một hệ thống phức tạp các phương tiện, quy trình pháp lý ràng buộc lẫn nhau và ảnh hưởng qua lại với nhau. Hiệu quả điều chỉnh pháp luật phụ thuộc vào mọi yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật.