1. Thiết lập quan hệ lãnh sự và cơ quan lãnh sự
Trong đời sống quốc tế, quan hệ lãnh sự là một loại quan hệ đặc thù, gắn bó mật thiết với quan hệ ngoại giao nhưng lại Có những đặc điểm khác biệt và có sự độc lập nhất định với quan hệ ngoại giao.
Quan hệ lãnh sự chủ yếu mang tính chất hành chính-pháp lý quốc tế, được thiết lập trong hoạt động đối ngoại để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân một quốc gia trên lãnh thổ quốc gia khác.
Quan hệ lãnh sự được thiết lập theo sự thoả thuận của các nước. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, thông thường nếu không có thoả thuận nào khác thì việc thiết lập quan hệ ngoại giao bao hàm cả việc thiết lập quan hệ lãnh sự. Tuy nhiên, khi các bên cắt đứt quan hệ ngoại giao thì quan hệ lãnh sự cũng không ipso facto bị cắt đứt. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, quan hệ lãnh sự được thiết lập giữa các quốc gia không có quan hệ ngoại giao với nhau (ví dụ: Trong trường hợp công nhận quốc gia hoặc chính phủ đe-facto).
Khi thiết lập quan hệ lãnh sự, các nước cũng đồng thời thoả thuận về việc mở cơ quan lãnh sự.
Cơ quan lãnh sự là cơ quan quan hệ đối ngoại của nhà nước ở nước ngoài, nhằm thực hiện chức năng lãnh sự trong một khu vực lãnh thổ nhất định của nước tiếp nhận, trên cơ sở thoả thuận giữa hai nước hữu quan. Khu vực lãnh thổ mà cơ quan lãnh sự thực hiện chức năng của mình gọi là khu vực lãnh sự. Khu vực lãnh sự đo hai nước hữu quan thoả thuận, được xác định trong hiệp định lãnh sự hoặc trong biên bản thoả thuận và được ghi trong bằng lãnh sự.
2. Cơ cấu tổ chức
2.1. Cấp của cơ quan lãnh sự
Theo Công ước Viên năm 1963, cơ quan lãnh sự được chia thành 4 cấp:
– Tổng lãnh sự quán- đứng đầu là tổng lãnh sự;
– Lãnh sự quán – đứng đầu là lãnh sự;
– Phó lãnh sự quán – đứng đầu là phó lãnh sự;
– Đại lý lãnh sự quán – đứng đầu là đại lý lãnh sự.
Tuy nhiên, trong thực tiễn quan hệ quốc tế hiện nay, các nước thường đặt cơ quan lãnh sự ở cấp tổng lãnh sự quán và lãnh sự quán.
2.2. Người đứng đầu cơ quan lãnh sự
Người đứng đầu cơ quan lãnh sự do nước cử lãnh sự bổ nhiệm và đo nước tiếp nhận lãnh sự chấp thuận cho phép thực hiện chức năng của mình.
Nước cử lãnh sự, căn cứ vào pháp luật nước mình, bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan lãnh sự thông qua việc cấp bằng lãnh sự, trong đó ghi rõ họ tên, cấp lãnh sự, khu vực lãnh sự và địa chỉ cơ quan lãnh sự. Bằng lãnh sự có thể do nguyên thủ quốc gia hoặc bộ trưởng bộ ngoại giao cấp, tùy theo quy định của pháp luật mỗi nước.
Thông qua đường ngoại giao, bằng lãnh sự được gửi tới chính phủ (thường là gửi cho bộ ngoại giao) nước tiếp nhận. Người đứng đầu cơ quan lãnh sự bắt đầu thực hiện chức năng của mình kể từ ngày nước tiếp nhận lãnh sự cho phép chính thức, thông qua việc cấp giấy chứng nhận lãnh sự,
Thủ tục bắt buộc là phải có bằng lãnh sự và giấy chứng nhận lãnh sự chỉ đặt ra đối với người đứng đầu cơ quan lãnh sự độc lập. Đối với người phụ trách phòng lãnh sự thuộc đại sứ quán các nước thì không cần phải áp dụng thủ tục này.
2.3. Thành viên cơ quan lãnh sự
Thành viên của cơ quan lãnh sự được chia thành 3 loại: Viên chức lãnh sự, nhân viên lãnh sự, nhân viên phục vụ.
* Viên chức lãnh sự, bao gồm người đứng đầu cơ quan lãnh sự (tổng lãnh sự, lãnh sự hoặc trưởng phòng lãnh sự của đại sứ quán); tham tán lãnh sự, bí thư lãnh sự; tùy viên lãnh sự.
Theo Công ước Viên năm 1963 và theo pháp luật của đa số các nước, viên chức lãnh sự phải là công dân nước cử lãnh sự, Chỉ được bổ nhiệm viên chức lãnh sự là công dân nước tiếp nhận khi được sự đồng ý rõ ràng của nước này.
Về nguyên tắc, bất kỳ khi nào, nước tiếp nhận cũng có thể tuyên bố và thông báo cho nước cử lãnh sự rằng một viên chức lãnh sự nào đó là không được chấp nhận (Persona non grata). Trong trường hợp như vậy, nước cử lãnh sự phải triệu hồi ngay người bị mất tín nhiệm về nước hoặc đình chỉ chức năng của người đó trong cơ quan lãnh sự.
* Nhân viên lãnh sự gồm những người thực hiện công việc hành chính-kỹ thuật trong cơ quan lãnh sự.
* Nhân viên phục vụ là những người làm công việc phục vụ nội bộ trong cơ quan lãnh sự.
Trong hoạt động của các cơ quan lãnh sự còn có đoàn lãnh sự. Đoàn lãnh sự bao gồm tất cả lãnh sự nước ngoài công tác tại khu vực lãnh sự nhất định và chỉ thực hiện chức năng lễ tân. Đứng đầu đoàn lãnh sự là người đứng đầu cơ quan lãnh sự của một nước, có hàm cao nhất và có thâm niên công tác lâu nhất tại khu vực lãnh sự đó.
3. Chức năng của cơ quan lãnh sự
Cơ quan lãnh sự thực hiện một số những chức năng cơ bản sau đây:
– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân và pháp nhân nước mình tại nước tiếp nhận lãnh sự trong phạm vi pháp luật quốc tế;
– Cấp hộ chiếu và giấy thông hành cho công dân nước mình; cấp thị thực và các giấy tờ cần thiết khác cho những người muốn đến nước cử lãnh sự;
– Thực hiện chức năng công chứng một số giấy tờ, tài liệu cho công dân, pháp nhân nước mình ở nước sở tại và thực hiện các công việc có tính chất hành chính khác, như đăng ký kết hôn, chứng nhận khai sinh… ;
– Cứu trợ và giúp đỡ các tổ chức và công dân nước mình;
– Giới thiệu người đại diện hoặc tự mình làm đại diện cho Công dân nước mình trong quá trình tố tụng tại nước tiếp nhận, trong trường hợp công dân đó không có khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Trong trường hợp công dân nào đó của nước mình bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam… ở nước sở tại, viên chức lãnh sự có quyền thăm hỏi, tiếp xúc và áp dụng các biện pháp bảo đảm đại diện pháp lý cho người đó. Chức năng này của cơ quan lãnh sự phải được thực hiện phù hợp với pháp luật của nước sở tại;
– Thực hiện trách nhiệm giúp đỡ tàu thuyền, máy bay cũng như đoàn thủy thủ, phi hành đoàn của nước mình tại khu vực lãnh sự; có một số quyền hạn nhất định đối với các tàu thuyền, máy bay này.
Như vậy, chức năng của cơ quan lãnh sự không bao gồm mọi lĩnh vực quan hệ giữa nước mình với nước tiếp nhận. Cơ quan lãnh sự không trực tiếp quan hệ với chính quyền trung ương nước sở tại mà chỉ quan hệ với chính quyền địa phương trong phạm vi khu vực lãnh sự.
Theo luật quốc tế và pháp luật nhiều nước, trên cơ sở đồng ý của nước tiếp nhận, cơ quan lãnh sự có thể thực hiện một số chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao nếu như hai nước chữa thiết lập quan hệ ngoại giao. Cơ quan lãnh sự cũng có thể thực hiện chức năng lãnh sự ở nước thứ ba hoặc thay mặt nước thứ ba thực hiện chức năng lãnh sự ở nước sở tại, trên cơ sở thoả thuận đồng ý của các bên hữu quan.
4. Lãnh sự danh dự
4.1. Khái niệm
Trong luật quốc tế, lãnh sự danh dự là một chế định mang tính tùy nghi, theo đó, mỗi quốc gia có quyền tự quyết định mức độ cần thiết về việc bổ nhiệm viên chức lãnh sự danh dự trong cơ quan lãnh sự của mình ở nước ngoài.
Lãnh sự danh dự là người không nằm trong biên chế của bộ máy Cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện ngoại giao nhưng thực hiện một số chức năng lãnh sự nhất định do nước cử lãnh sự giao cho, sau khi có sg đồng ý của nước tiếp nhận lãnh sự.
Lãnh sự danh dự được bổ nhiệm từ những luật gia, những nhà kinh doanh, nhà hoạt động xã hội, nghề nghiệp. Họ thường là công dân của nước sở tại và có vị trí xứng đáng trong giới hoạt động chính trị, giới chuyên môn nghề nghiệp và kinh doanh. Một số nước đã ban hành quy chế về lãnh sự danh dự, trong đó quy định tiêu chuẩn đòi hỏi đối với người được bổ nhiệm làm lãnh sự danh dự, đó là các tiêu chuẩn về vị trí trong xã hội, về chuyên môn nghiệp vụ, về phẩm chất… để có thể hoàn thành chức năng lãnh sự của mình. Lãnh sự danh tự do bộ trưởng bộ ngoại giao của nước cử lãnh sự (hoặc cử đại diện) bổ nhiệm, theo đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của mình ở nước tiếp nhận.
Chế định lãnh sự danh dự được áp dụng rộng rãi ở các nước châu Mỹ La-tinh và châu Âu. Số lượng lãnh sự danh dự có nhiều nhất ở Anh và Mỹ. Ở Việt Nam cũng có lãnh sự danh dự trong lãnh sự quán của các nước: Vương quốc Bỉ, Cộng hoà liên bang Braxin, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Pêru, Cộng hoà Philipin, Thụy Điển, Liên bang Thụy Sĩ.
4.2. Chức năng
Trên thực tế, chức năng lãnh sự danh dự về cơ bản, giống với chức năng lãnh sự chính thức. Tuy nhiên, lãnh sự danh dự không thực hiện mọi chức năng của người đứng đầu cơ quan lãnh sự mà chỉ thực hiện một số chức năng nhất định theo sự ủy nhiệm của cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao.
Lãnh sự danh dự thường được bổ nhiệm để thực hiện chức năng của người đứng đầu cơ quan lãnh sự ở những nơi mà viên chức lãnh sự nước cử lãnh sự không có khả năng thực hiện. Khi thực hiện chức năng của mình, lãnh sự danh dự được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ gần như viên chức lãnh sự.