CIC đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp xử lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng các thông tin tín dụng. Chi tiết về CIC là gì được chúng tôi tổng hợp dưới đây.
1. CIC là gì? Check CIC là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 1 Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 thì CIC là viết tắt của từ Credit Information Centre, là Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, đảm nhiệm, là đầu mối các hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng nhà nước:
Cung cấp các thông tin về tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Thông tin tín dụng được hiểu là các thông tin về khách hàng vay và các thông tin khác có liên quan đến khách hàng vay tại các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Xử lý, lưu giữ và bảo mật dữ liệu về thông tin tín dụng;
Khai thác và sử dụng các sản phẩm, các dịch vụ liên quan đến thông tin tín dụng. Dịch vụ thông tin tín dụng được hiểu là việc cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng, cung cấp các tiện ích khác của CIC cho các tổ chức tín dụng, cung cấp cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức khác và cung cấp cho cá nhân có nhu cầu.
Quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật hiện hành của các tổ chức, các cá nhân có liên quan đến hoạt động tín dụng.
Check CIC hay còn gọi là kiểm tra CIC cá nhân là việc tra cứu thông tin tín dụng của cá nhân, cụ thể: kiểm tra lịch sử tín dụng của cá nhân, thông tin nợ xấu, thông tin vay vốn, dư nợ,… của cá nhân đó. Việc check CIC sẽ giúp cá nhân theo dõi được chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng của mình, từ đó có thể có kế hoạch, phương án sử dụng tài chính, chi tiêu phù hợp.
2. Điểm CIC là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến điểm CIC
Điểm CIC/Điểm tín dụng CIC là chỉ số dùng để đánh giá độ uy tín, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng thông qua thông tin về lịch sử vay vốn tại ngân hàng/vay tại các tổ chức tài chính. Điểm tín dụng của mỗi cá nhân sẽ được đánh giá và ghi nhận tại CIC – Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. Điểm tín dụng/ điểm CICI của cá nhân càng cao thì khả năng cá nhân đó được chấp nhận khoản vay cao hơn. Ngược lại, khi điểm CIC thấp thì cá nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận khoản vay.
Điểm tín dụng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
– Lịch sử thanh toán các khoản nợ của cá nhân – chiếm 35%
Đây là yếu tố quan trọng nhất gây ảnh hưởng đến điểm tín dụng/điểm CIC của cá nhân. Việc cá nhân tiến hành thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ (nợ thẻ tín dụng, nợ vay tiêu dùng, nợ vay mua nhà/mua xe,…) sẽ giúp khách hàng có điểm tín dụng cải thiện, lịch sử thanh toán tốt.
– Khoản nợ tín dụng của khách hàng tính đến thời điểm đi vay chiếm 30%.
Nội dung này thể hiện tổng số tiền khách hàng đang nợ, nếu càng nợ nhiều thì điểm tín dụng càng giảm và ngược lại. Nếu khách hàng đang có thông tin khoản nợ quá lớn so với thu nhập của mình, thì khách hàng sẽ có nguy cơ bị từ chối vay thêm tiền hoặc khách hàng bị chấm dứt tín dụng.
– Thời gian mở tài khoản tín dụng – chiếm 15% điểm tín dụng:
Nội dung này cũng là yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng CIC của cá nhân. Tài khoản tín dụng được mở càng lâu thì thể hiện khả năng tài chính của khách hàng càng tốt.
– Loại tín dụng – chiếm 10% điểm CIC:
Khách hàng sử dụng loại tín dụng khác nhau như sử dụng thẻ tín dụng, khoản vay mua nhà, khoản vay tiêu dùng,… thì sẽ có những đánh giá khác nhau liên quan đến việc chấm điểm tín dụng.
– Tài khoản tín dụng mới – chiếm 10% điểm tín dụng:
Thông qua số lượng tài khoản tín dụng mới mà khách hàng mở ra để đánh giá điểm, nếu khách hàng mở nhiều tài khoản trong một thời gian ngắn thì sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng.
3. Chức năng của CIC
CIC thực hiện các chức năng sau:
– Đăng ký tín dụng quốc gia cho khách hàng theo đúng quy định pháp luật.
– Tiến hành thu thập các thông tin nợ xấu của các cá nhân, tổ chức và phân tích, xử lý cũng như lưu trữ các thông tin tín dụng này.
– Cung cấp thông tin tín dụng cho ngân hàng nhà nước Việt Nam theo đúng quy định pháp luật.
– Đưa ra các cảnh báo, các biện pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng xuống mức thấp nhất cho người dùng.
– Chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín dụng cho khách hàng cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp.
– Cung cấp các sản phẩm, các dịch vụ tín dụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định hiện hành.
4. Cách thức hoạt động của CIC
CIC hoạt động theo cách thức như sau:
– Tiếp nhận thông tin khoản vay, thông tin khách hàng, quá trình thanh toán mà các ngân hàng/tổ chức tín dụng khác cung cấp.
– Tổng hợp thông tin, cập nhật lên dữ liệu để làm cơ sở đánh giá điểm CIC. Các thông tin được cập nhật, lưu trữ gồm có:
Thông tin của khách hàng vay khoản vay;
Số tiền đã vay, đang vay và đã vay trước đây;
Hợp đồng tín dụng của khách hàng;
Thời gian trả nợ, lịch sử thanh toán của khách hàng đối với khoản vay;
Tình trạng hiện tại của khoản vay khách hàng;
Thông tin tài sản thế chấp đối với khoản vay.
– Tiến hành phân nhóm đánh giá điểm CIC, cụ thể như sau:
+ Nhóm 1 (Nhóm Dư nợ đủ tiêu chuẩn): Là các khoản nợ có đủ khả năng thu hồi cả gốc và lãi đúng thời hạn. Nếu KH quá hạn từ 1 đến 10 ngày thì vẫn được xếp vào nhóm này, tuy nhiên sẽ bị phạt tiền lãi chậm trả.
+ Nhóm 2 (Nhóm Dư nợ cần chú ý): Là nhóm gồm các khoản nợ mà quá hạn thanh toán từ 10 ngày đến 90 ngày.
+ Nhóm 3 (Nhóm Dư nợ dưới tiêu chuẩn): Nhóm gồm các khoản nợ quá hạn thanh toán từ 90 ngày – 180 ngày.
+ Nhóm 4 (Nhóm Dư nợ có nghi ngờ): Nhóm này có thời hạn thanh toán quá hạn từ 181 ngày – 360 ngày.
+ Nhóm 5 (Nhóm cợ có khả năng mất vốn): Nhóm này gồm những khoản nợ quá hạn thanh toán từ 360 ngày trở lên, khó thu hồi.
5. Cách tra cứu CIC cá nhân chính xác
5.1. Cách tra cứu CIC cá nhân thông qua website https://cic.gov.vn/
– Bước 1: Truy cập vào website của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam https://cic.gov.vn/ và bấm vào ô “Đăng ký” như hình dưới đây.
– Bước 2: Điền thông tin cá nhân bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, thông tin CCCD, email liên hệ, giới tính, chụp ảnh 2 mặt của CCCD, ảnh chân dung cá nhân, địa chỉ liên hệ; sau đó tạo mật khẩu, xác nhận lại mật khẩu và cuối cùng bấm “Tiếp tục” để qua bước tiếp theo.
– Bước 3: Nhận và nhập mã OTP được gửi về số điện thoại cá nhân đã đăng ký tài khoản rồi bấm “Tiếp tục”.
– Bước 4: Xác minh thông tin tài khoản bằng cách trả lời các công hỏi của nhân viên CIC thông qua cuộc gọi điện thoại.
– Bước 5: Nhận thông tin kết quả đăng ký tài khoản, tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản của bạn.
– Bước 6: Đăng nhập vào hệ thống CIC thông qua tài khoản đã đăng ký, và kiểm tra lịch sử tín dụng của mình ở phần “Thông tin cá nhân”.
5.2. Cách tra cứu CIC cá nhân thông qua app CIC Credit Connect
– Bước 1: Cài đặt app CIC Credit Connect về điện thoại cá nhân để tiến hành đăng ký tài khoản và sử dụng.
– Bước 2: Đăng ký tài khoản CIC tại app này theo các bước tương tự như tại website, thông qua hướng dẫn của app.
– Bước 3: Đăng nhập tài khoản sau khi được duyệt tài khoản thành công (tầm 1-3 ngày) sau khi đăng ký.
– Bước 4: Tiến hành đăng nhập vào app và kiểm tra thông tin tín dụng, điểm tín dụng cá nhân của mình.
Một trong hai cách nêu trên đều giúp các bạn kiểm tra được chính xác các thông tin đến điểm tín dụng CIC của mình.
6. Làm sao để không rơi vào nợ xấu?
Để điểm tín dụng cá nhân cao, không rơi vào nhóm “nợ xấu” thì cá nhân trong hoạt động vay vốn tín dụng cần lưu ý:
– Thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ cá nhân, cho dù đó là khoản nợ có giá trị cao hay thấp. Chỉ cần thanh toán chậm các khoản nợ dưới 10 triệu thì cá nhân đã bị ảnh hưởng điểm tín dụng. Lưu ý thanh toán các khoản nợ nhỏ, giúp lịch sử tín dụng của bạn tốt hơn.
– Phân bổ tài chính phù hợp, chi tiêu có kế hoạch. Đây là một cách mà cá nhân nào cũng nên áp dụng để việc chi tiêu thường ngày cũng như điểm tín dụng của mình được tốt. Khi có kế hoạch, phân bổ chi tiêu hợp lý thì bạn sẽ hạn chế phải vay tín dụng, có đủ tiền để trả các khoản nợ, hạn chế việc rơi vào các nhóm nợ xấu.
– Có thể đăng ký nhận báo cáo tài chính liên quan đến hoạt động tín dụng của mình để theo dõi, tránh rơi vào các nhóm nợ mà CIC đã phân loại.