1. Vận đơn đường biển là gì?
Vận đơn đường biển (Ocean Bill of Lading hay Marine Bill of Lading – thường được viết tắt là B/L) là chứng từ chuyên chở hàng hóa (Transport documents) bằng đường biển do người có chức năng ký phát cho người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu hoặc được nhận để chở.
2. Các chức năng của vận đơn đường biển
2.1. Biên lai nhận hàng
Vận đơn đường biển là biên lai nhận hàng của người chuyên chở phát hành cho người gửi hàng làm bằng chứng là đã nhận hàng từ người gửi hàng với chủng loại, số lượng và tình trạng hàng hóa như ghi trên vận đơn. Vì là bằng chứng đã nhận hàng, nên khi đã phát hành vận đơn, người chuyên chở phải có trách nhiệm đối với hàng hóa trong suốt quá trình chuyên chở về số lượng cũng như tình trạng của hàng hóa. Đồng thời, tại cảng đích người chuyên chở có nghĩa vụ giao hàng cho người nào xuất trình vận đơn gốc đầu tiên hợp pháp do mình phát hành tại cảng đi. Nếu không có phê chú xấu trên vận đơn, thì nhận hàng như thế nào ở cảng đi, người chuyên chở có trách nhiệm giao hàng như thế tại cảng đích, trừ khi trong quá trình chuyên chở, hàng hóa bị hư hỏng, mất mát do những nguyên nhân không thuộc phạm vi trách nhiệm của người chuyên chở.
Người chuyên chở được xem là đã hoàn thành nghĩa vụ chuyên chở khi thu hồi được một vận đơn gốc do mình phát hành. Tuy nhiên, để thu hồi được vận đơn gốc, về logic buộc người chuyên chở phải giao hàng hóa cho người xuất trình vận đơn gốc tại cảng đích.
2.2. Bằng chứng về hợp đồng chuyên chở
Vận đơn đường biển là bằng chứng về hợp đồng chuyên chở hàng hóa giữa người gửi hàng và người chuyên chở. Tại sao vận đơn đường biển không phải là hợp đồng chuyên chở mà chỉ là bằng chứng của hợp đồng? Điều này là do thông lệ, vì trên vận đơn chỉ có một chữ ký của người chuyên chở, trong khi đó nếu là hợp đồng thì cần phải có hai chữ ký của hai bên đối tác. Tuy không phải là hợp đồng đích thực, nhưng vận đơn đường biển có giá trị đầy đủ như một hợp đồng, do đó, toàn bộ nội dung ghi ở mặt trước và mặt sau của tờ vận đơn là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp phát sinh giữa người chuyên chở với người sở hữu vận đơn. Ngoài ra, giữa người gửi hàng và người chuyên chở có thể ký kết với nhau một hợp đồng chuyên chở, nhưng khi vận đơn đã được phát hành thì nó hoàn toàn độc lập với hợp đồng chuyên chở, ngay cả khi nó được phát hành trên cơ sở hợp đồng chuyên chở.
2.3. Chứng từ sở hữu hàng hóa
Vận đơn đường biển là chứng từ sở hữu hàng hóa ghi trên vận đơn. Chức năng sở hữu hàng hóa được thể hiện ở chỗ, người nào nắm giữ vận đơn gốc hợp pháp sẽ là người có quyền sở hữu hàng hóa ghi trên vận đơn; vì là người sở hữu hàng hóa, nên anh ta có quyền yêu cầu người chuyên chở phải giao hàng cho mình tại cảng đích khi anh ta xuất trình một vận đơn gốc. Ngược lại, người chuyên chở chỉ giao hàng cho ai là người xuất trình được vận đơn gốc đầu tiên hợp pháp. Người nắm giữ vận đơn hợp pháp có thể là một người đích danh (đối với B/L đích danh); người được chuyển nhượng bằng thủ tục ký hậu (đối với B/L theo lệnh), hoặc bất cứ ai cầm vận đơn trong tay (đối với B/L vô danh).
Vì vận đơn đường biển là chứng từ sở hữu hàng hóa, mà hàng hóa lại có giá trị mua bán, nên trong thực tế người ta có thể tiến hành mua bán hàng hóa ngay cả khi hàng hóa chưa cập cảng đích bằng cách chuyển nhượng vận đơn. Trong thực tế, vận đơn có thể được chuyển nhượng, mua bán nhiều lần từ người này qua người khác trước khi hàng cập cảng đích.
Điểm cần lưu ý là, vì chỉ cần xuất trình 1 (một) vận đơn gốc hợp pháp là có quyền nhận được hàng hóa tại cảng đích, trong khi đó vận đơn lại thường được phát hành thành bộ gồm 3 (ba) bản gốc, chính vì vậy khi mua bán vận đơn, người mua phải bảo đảm tuyệt đối là được chuyển nhượng trọn bộ vận đơn gốc như đã phát hành (tương tự như vậy, khi phát hành L/C, ngân hàng phát hành cũng phải quy định xuất trình trọn bộ vận đơn gốc, nếu không trọn bộ thì vận đơn phải được giao hàng theo lệnh của ngân hàng nhằm kiểm soát được hàng hóa).
3. Phạm vi sử dụng của vận đơn đường biển
Vì có ba chức năng rất cơ bản nêu trên, nên trong thương mại và thanh toán quốc tế, vận đơn được sử dụng rất rộng rãi với các mục đích khác nhau, cụ thể như sau:
3.1. Đối với người gửi hàng (nhà xuất khẩu)
Vận đơn là bằng chứng đã giao hàng cho người mua, chứng minh rằng người bán đã hoàn thành trách nhiệm của mình theo hợp đồng thương mại và theo yêu cầu của phương thức thanh toán kèm chứng từ (đặc biệt là theo L/C). Sau khi giao hàng, nhận được vận đơn, người bán có thể fax cho người mua để thông báo là đã giao hàng xong, đồng thời tiến hành lập bộ chứng từ thanh toán, trong đó vận đơn là chứng từ quan trọng không thể thiếu.
3.2. Đối với người nhận hàng (nhà nhập khẩu)
Vì vận đơn gốc được dùng làm chứng từ để nhận hàng, nên người mua phải có vận đơn gốc và là người xuất trình đầu tiên cho người chuyên chở thì mới nhận được hàng. Khi một vận đơn gốc đã được xuất trình để nhận hàng thì các vận đơn gốc còn lại không còn giá trị nhận hàng nữa. Khi nhận hàng, người mua căn cứ vào chủng loại, số lượng và điều kiện hàng hóa ghi trên vận đơn để đối chiếu việc giao hàng của người chuyên chở, đồng thời dùng vận đơn để đối chiếu, theo dõi việc thực hiện hợp đồng thương mại của người bán. Vì là chứng từ sở hữu hàng hóa, do đó vận đơn có giá trị như một giấy tờ có giá, được chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, thế chấp rất phổ biến trong thực tế.
3.3. Đối với người chuyên chở
Người chuyên chở chỉ có trách nhiệm giao hàng khi nhận được vận đơn gốc đầu tiên, và chỉ phải giao hàng như ghi trên vận đơn. Sau khi giao hàng và thu hồi được vận đơn gốc, người chuyên chở được chứng minh là đã hoàn thành trách nhiệm về chuyên chở hàng hóa. Ngoài ra, khi có tranh chấp với người chuyên chở về hàng hóa, thì vận đơn được dùng làm chứng từ xác định giá trị hàng hóa hoặc xác minh số liệu, đơn vị hàng hóa để yêu cầu người chuyên chở bồi thường.
Tùy theo từng trường hợp mà vận đơn còn được sử dụng vào các mục đích khác như:
– Là một trong chứng từ quan trọng để các bên có liên quan đến vận đơn tiến hành khiếu nại, kiện tụng lẫn nhau khi phát sinh các tranh chấp.
– Khi có khiếu nại về bảo hiểm hàng hóa, thì vận đơn gốc nhất thiết phải được xuất trình. Vì giữa bảo hiểm đơn và vận đơn có chung các thông số như tên con tàu, hành trình chuyên chở, cảng đi, cảng đích, hàng hóa… nên khi có khiếu nại về bảo hiểm, thì rõ ràng vận đơn là chứng cứ quan trọng, phải xuất trình cho công ty bảo hiểm để được bồi thường.
– Ngoài ra, vận đơn còn là chứng từ được dùng để làm các thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, khai báo hải quan…