1. Chủ hộ kinh doanh là ai?
Chủ hộ kinh doanh là cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên trong hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh. Chủ hộ kinh doanh có thể là cá nhân đứng tên đăng ký hoạt động kinh doanh và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của hộ kinh doanh đó. Trong trường hợp hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập, thì chủ hộ chính là người đứng tên đăng ký và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động của hộ kinh doanh.
Ngoài ra, theo quy định, chủ hộ kinh doanh còn có thể đại diện cho hộ kinh doanh trong các giao dịch dân sự, giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh của hộ.
2. Chủ hộ kinh doanh đóng BHXH bắt buộc từ 01/7/2025?
Theo điểm m khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì từ 01/7/2025, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (gọi tắt là BHXH bắt buộc).
Đồng thời, khoản 2 Điều 3 Nghị định 158/2025/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết, theo đó, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
– Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai;
– Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp kê khai thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 01/7/2029.
Như vậy, từ ngày 01/7/2025, chỉ chủ hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai mới đóng BHXH bắt buộc. Từ ngày 01/7/2029, tất cả chủ hộ kinh doanh (gồm: hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán và phương pháp kê khai) đều phải đóng BHXH bắt buộc.

3. Mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh
Tại điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định chủ hộ kinh doanh được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn thì chủ hộ kinh doanh được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội;
Đồng thời, căn cứ điểm a khoản 4 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh như sau:
Mức đóng hằng tháng bằng 3% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;
Chủ hộ có thể lựa chọn phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần tuỳ theo nhu cầu.
Như vậy, chủ hộ kinh doanh được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại điểm đóng.
Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
Do đó mức đóng thấp nhất của chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH hàng tháng là 25% (3% quỹ ốm đau, thai sản và 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất) tức 585.000 nghìn đồng.